“Trong nỗ lực chung với các đối tác G7, chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng thêm các thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam”, Nikkei Asia ngày 27/6 dẫn tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Thỏa thuận JETP đầu tiên được các nhà lãnh đạo Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh và Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 năm 2021.
Các nhà lãnh đạo G7 trong một sự kiện tối 26/6 tại Elmau (Đức). Ảnh: Reuters. |
Với thỏa thuận này, các nước phát triển sẽ giúp Nam Phi giảm phát thải carbon trong dài hạn, chuyển đổi năng lượng một cách công bằng, cũng như tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Tổng giá trị vốn cam kết là 8,5 tỷ USD trong 3-5 năm.
Hôm 26/7, trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Elmau (Đức), các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã công bố sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn mới với tên gọi “Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (PGII) như đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Với sáng kiến này, các nước G7 đặt mục tiêu huy động 600 tỷ USD trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.
“Chúng tôi đề xuất các lựa chọn tốt hơn cho các quốc gia và người dân trên thế giới, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu để cải thiện cuộc sống, cũng như mang tới lợi ích cho mọi người, không chỉ với khối G7”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.