Clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh chị Vũ Thị Thu L. (27 tuổi, đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội) bế con nhỏ liên tục bị chồng là "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh đấm đá, ném sỏi vào người, gây phẫn nộ trong dư luận.
Anh trai của chị L. cho biết gia đình rất bức xúc về hành động của Nguyễn Xuân Vinh nên đã làm đơn tố cáo lên Công an phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội).
Trong trường hợp này, người chồng có hành vi đánh đập vợ có bị xử lý hình sự?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết người chồng trong clip đã có hành vi bạo lực gia đình. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, trong trường hợp người vợ có đơn tố cáo, giám định bị thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ từ 1%, cơ quan điều tra vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chồng theo điểm c Khoản 1 Điều 134.
"Người vợ mới sinh được 2 tháng và đang bế con nên có thể coi là người không có khả năng tự vệ vì không thể đưa tay lên đỡ những cú đánh từ người chồng. Theo quy định tại khoản này, võ sư Nguyễn Xuân Vinh có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Nam phân tích.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định hành vi chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người chồng kia sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Nghị định 167/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì người chồng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 1-1,5 triệu đồng.
Hình ảnh người chồng đánh vợ ngã. Ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh án TAND TP.HCM) cho rằng trong các vụ bạo hành gia đình, việc lên tiếng của người trong cuộc, cụ thể là người vợ rất quan trọng.
Theo ông, phụ nữ Việt Nam thường có tâm lý chịu đựng, nể nang trong gia đình nên ngại tố cáo. Tuy nhiên, từ việc không nói sẽ dẫn đến việc duy trì tình trạng bạo hành bằng bạo lực.
Cùng hành vi đánh đập, nếu vi phạm lần đầu và được trình báo thì có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành xảy ra những lần tiếp theo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Hiện nay, pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình. Người vợ bị bạo hành có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến UBND hoặc công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do UBND cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm.