Zing trích dịch bài viết của tác giả Raquel Carvalho đăng trên South China Morning Post, CNN đề cập đến những khó khăn và nguy cơ bệnh tiềm ẩn mà các cô gái hành nghề mại dâm phải đối mặt trong thời gian Covid-19 diễn ra.
“Trước đây, tôi có thể kiếm hơn 1.000 HKD (129 USD) mỗi ngày. Thế nhưng bây giờ, tôi thậm chí không có nổi một khách một ngày. Chưa bao giờ tôi gặp cảnh điêu đứng như vậy”, Cici (30 tuổi), hành nghề mại dâm ở Hong Kong khoảng 4 năm, cho biết.
Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cici cố gắng làm mọi cách để trang trải cuộc sống của cô và hai đứa con nhỏ giữa thành phố đắt đỏ nhất nhì thế giới này.
Những ngày qua, bên cạnh gánh nặng kinh tế, cô luôn sống trong sự bất an vì lo lắng cho sức khỏe của mình.
“Bất kỳ người khách nào cũng có thể lây lan mầm bệnh cho tôi. Tệ hơn là khi tôi có con nhỏ, tôi không muốn chính mình lây bệnh cho chúng”, Cici nói.
Thu nhập của những "gái bán hoa" giảm đáng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. |
Ở nhiều quốc gia châu Á, những cô gái hành nghề mại dâm đang đối mặt với cuộc sống khó khăn hơn kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, so với bệnh viêm phổi cấp, những khoản nợ lãi cao hay bệnh lây qua đường tình dục cũng là những thứ đáng sợ không kém đối với họ.
Nghề nghiệp khó được xã hội chấp nhận
Người phát ngôn của Zi Teng, một nhóm giúp đỡ những cô gái hoạt động mại dâm ở Hong Kong, cho biết ước tính có hơn 100.000 người hoạt động mại dâm ở thành phố này.
Thế nhưng, dịch bệnh đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, người thất nghiệp ở khắp nơi, các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, nước rửa tay thì khan hiếm.
Nhiều cô gái mại dâm phải chứng kiến sự bạo lực và nguy hiểm đến từ khách hàng.
“Nhiều người đeo khẩu trang vào nhà để đe dọa, cướp tài sản hoặc từ chối trả tiền sau khi đã ‘thỏa mãn’. Rất khó để xác định họ là ai”, Ann Lee, nhân viên hỗ trợ của Zi Teng, cho biết.
Do không đủ thiết bị bảo vệ cho các nhân viên và tình nguyện viên, Zi Teng đã giảm các hoạt động tiếp cận, cung cấp thông tin đến các phụ nữ hành nghề.
Các hội thảo về an toàn lao động hay dịch vụ xét nghiệm y tế miễn phí bị hủy bỏ. Các phòng khám của Chính phủ cũng bị đóng cửa.
“Họ đang đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Họ thậm chí không thể đến bất cứ đâu nếu muốn kiểm tra”, Lee nói.
Lee cho biết phần lớn nhóm phụ nữ làm nghề này thường không có ai thân thiết, hoặc là không có ai muốn dính liếu đến họ, kể cả Chính phủ.
“Nhân viên của mọi lĩnh vực đều có thể yêu cầu các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ, nhưng phụ nữ bán dâm thì không thể”, người phát ngôn cho biết.
Gái mại dâm tại những nơi khác ở châu Á và trên thế giới cũng đang vật lộn với vấn đề tương tự.
Trong những tuần gần đây, Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với khách nước ngoài, cấm các cuộc tụ họp xã hội, ban hành giờ giới nghiêm và đóng cửa tất cả trừ các cửa hàng thiết yếu.
Các quán bar và tiệm massage đóng cửa, các khu đèn đỏ trên khắp đất nước, từ Bangkok đến Pattaya, cũng trở nên im ắng. Ước tính có gần 300.000 gái mại dâm đã mất việc tại quốc gia này.
Phố đèn đỏ, vốn là nơi đông đúc ở Bangkok hay Pattaya, giờ cũng trở nên im ắng bởi lệnh cách ly xã hội của Chính phủ Thái Lan. |
Trong khi một số người đã trở về quê hương, những cô gái còn lại không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục hành nghề trên đường phố, nơi họ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn do đại dịch.
Theo một tuyên bố vào tháng này, Mạng lưới các dự án mại dâm toàn cầu và Chương trình phối hợp phòng chống HIV/Aids của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi chính quyền ngăn chặn các cuộc phân biệt đối xử đối với các cô gái và hỗ trợ họ trong thời gian khó khăn này.
Cuộc sống bấp bênh
Tại Ấn Độ, nơi có hơn 2 triệu gái mại dâm, tình hình trở nên khó khăn hơn kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng trên khắp cả nước.
“Mua sắm hoảng loạn dẫn đến tình trạng thiếu hụt và đẩy giá những mặt hàng thiết yếu. Thức ăn, ngũ cốc, hay đồ dùng phụ nữ cũng không còn đủ cho tất cả”, Tinku Khanna, Giám đốc của Apne Aap Women Worldwide India Trust, tổ chức bảo vệ hoạt động của gái mại dâm và con cái của họ, cho biết.
Những cô gái mại dâm không có cơ hội nhận được nguồn thực phẩm cứu trợ từ Chính phủ, họ buộc phải vay mượn người khác để mua thức ăn.
Nhóm của Khanna ước tính rằng tại thành phố Kolkata thuộc bang Tây Bengal (Ấn Độ), có hơn 20.000 phụ nữ và con cái của họ đang sống trong những nhà thổ với tình trạng thiếu lương thực cấp bách.
“Họ thậm chí không thể thực hiện lệnh cách ly xã hội bởi căn hộ chật chội có đến 10 người chung sống, việc duy trì khoảng cách xã hội và biện pháp vệ sinh là điều không thể”, cô cho biết.
Các chuyên gia như Khanna mong đợi sự giảm thiểu mạnh mẽ các hoạt động buôn bán, khai thác và bạo lực tình dục đối với phụ nữ.
“Tại đây, những người không có an sinh xã hội thường dễ dàng trở thành con mồi cho những kẻ buôn người. Trẻ em, đặc biệt là con của các tiếp viên bán dâm, và những cô gái sống lang thang ngoài đường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Không giống Chính phủ ở các nước châu Á, chính quyền Bangladesh nói rằng họ sẽ giải quyết hoàn cảnh khó khăn của những người hành nghề mại dâm trong nước.
Các quan chức cam kết phân phối thực phẩm khẩn cấp và viện trợ tài chính cho hơn 100.000 phụ nữ trong ngành công nghiệp tình dục.
Thế nhưng, nhiều tổ chức cho rằng viện trợ như vậy là không đủ và số tiền ấy có thể không đến được nơi cần giúp đỡ.
Theo lệnh giãn cách xã hội của Hong Kong, các địa điểm như quán bar, karaoke và tiệm massage dự kiến sẽ đóng cửa cho đến cuối tháng này.
“Tôi đã nghĩ đến việc dừng công việc một thời gian nếu tình hình không khá lên, nhưng tôi cũng không biết làm gì sau đó. Tôi chỉ hy vọng dịch bệnh sẽ mau chóng qua đi”, Cici nói.
Căn hộ tồi tàn ở Hong Kong, nơi các tiếp viên hành nghề mại dâm làm việc. |