Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 2.000 y bác sĩ ở Việt Nam mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo

Đây được xem là hệ quả của các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, trong môi trường làm việc của các cán bộ y tế.

Tại hội thảo An toàn vệ sinh lao động - phòng, chống bạo hành tại các cơ sở y tế nằm trong chuỗi chương trình Bảo vệ blouse trắng do Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức sáng 29/10, PGS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cho hay trong môi trường làm việc của nhân viên y tế, đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp.

Công đoàn Y tế Việt Nam thống kê sơ bộ ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ cho thấy đã có gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.

bac si o Viet Nam mac benh hiem ngheo anh 1
PGS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV.

Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, nhóm bệnh nghề nghiệp các cán bộ y tế phải đổi mặt như bệnh do yếu tố vi sinh vật (lao, viêm gan B, C, HIV, bệnh leptospira), do yếu tố vật lý (mắc phóng xạ, điếc do tiếng ồn và đục thủy tinh thể). Nhóm do cả yếu tố hóa học, bụi dễ mắc là viêm phế quản mạn tính, hen,…

Một nghiên cứu được khảo sát trên diện rộng cho thấy có tới 28,6% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 25,6% hệ dự phòng mắc bệnh mạn tính; 17,2% thuộc hệ điều trị dự phòng mắc các bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc; 57,3% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và hệ dự phòng bị tổn thương do bệnh xâm nhập khi tiêm và có nhiều bệnh lý nghiêm trọng và các bệnh chuyển hóa khác.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp 4 lần so với ngành nghề khác. Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc.

Bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao vì quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng kém, thiếu nhân lực y tế và dễ xảy ra những sự cố y khoa. Tình trạng trộm cắp, cò mồi, bắt cóc trẻ sơ sinh, người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, say rượu… hành hung y, bác sĩ đang ngày càng gia tăng.

Trong đó, những nhân viên y tế mới, ít kinh nghiệm ứng xử dễ bị gặp bạo hành tại bệnh viện hơn. Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có những quy định chặt chẽ và các chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện.

PGS Phạm Thanh Bình cho biết thêm tình trạng bạo hành với cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Từ đầu năm 2019, khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 4 bác sĩ, 15 điều đưỡng và một bảo vệ bị hành hung.

Theo bà Bình, những vụ bạo hành về tinh thần hậu quả để lại tuy vô hình, song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế.

Trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Trước tình trạng này, các báo cáo tại hội thảo đã kiến nghị, đề xuất chính sách đảm bảo có môi trường lao động an toàn hơn cho cán bộ y tế.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm