Zing trích dịch bài đăng trên CNN nói về việc con cái trưởng thành vẫn đòi hỏi trợ cấp tài chính từ cha mẹ. Hiện tượng này xuất hiện ở Mỹ, Anh và đặc biệt phổ biến tại Italy.
Trong phán quyết được công bố vào ngày 15/8 vừa qua, tòa án ở Rome (Italy) đã bác đơn kháng cáo của một giáo viên dạy nhạc, người vẫn mong đợi nhận được hỗ trợ tài chính từ cha mẹ anh ta dù đã ngoài 35 tuổi.
Người đàn ông tuyên bố rằng thu nhập hàng năm khoảng 24.000 USD từ công việc bán thời gian không đủ để anh ta trang trải cuộc sống.
Thẩm phán Maria Cristina Giancola, chủ tọa phiên tòa, cho rằng thay vì ăn bám bố mẹ, người này nên tìm cách tự nuôi sống bản thân. "Hãy giảm bớt đòi hỏi của một đứa trẻ chưa trưởng thành".
Người đàn ông mong nhận được hỗ trợ tài chính từ cha mẹ dù đã ngoài 35 tuổi. Ảnh minh họa: Today. |
Bản án của Tòa án Tối cao kết thúc vụ án kéo dài 5 năm. Trước đó, phán quyết đầu tiên từ một thẩm phán ở Tuscany khẳng định người đàn ông 35 tuổi được quyền nhận trợ cấp 360 USD/tháng từ cha mẹ mình.
Thẩm phán Giancola cho rằng chỉ những đứa trẻ bị suy giảm thể chất hoặc tinh thần mới cần được bảo vệ trong hệ thống luật của Italy. Còn nếu con cái lớn lên và hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường thì không nên trông chờ vào những khoản hỗ trợ vô thời hạn từ bố mẹ.
Ông Giancola lưu ý những thứ như khó khăn trong tìm kiếm việc làm, công việc không đáp ứng đúng kỳ vọng không thể trở thành lý do để con cái trưởng thành ngửa tay xin tiền phụ huynh. "Người lớn trong mọi trường hợp phải tích cực tìm kiếm một công việc để đảm bảo sinh kế độc lập", thẩm phán nói.
'Bamboccioni' - những đứa trẻ to xác
Theo một nghiên cứu năm 2019 từ Viện Thống kê Quốc gia Italy (Istat), khoảng 64,3% thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 34 vẫn sống cùng nhà với cha mẹ.
Trong số những người trẻ tuổi này, có 36,5% là sinh viên, 38,2% đang có việc làm và 23,7% đang tìm việc.
Theo Istat, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên chiếm khoảng 30% người Italy trong độ tuổi 15-24.
Gian Ettore Gassani, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Hôn nhân Italy, hoan nghênh quyết định của tòa án ở Rome. “Đó là một câu chuyện văn hóa và sẽ là lời cảnh báo cho tất cả thanh niên trên đất nước này", ông Gassani nói với CNN.
Luật sư cho biết thêm 1/3 đơn kiện ly hôn của các cặp vợ chồng Italy đều đề cập đến việc chu cấp tài chính cho con cái trưởng thành. Trong số đó, nhiều người dù đã gần 40 tuổi vẫn hy vọng được cha mẹ chu cấp.
"Italy không phải là quốc gia duy nhất, nơi người trưởng thành có yêu cầu vô lý như vậy, nhưng không nơi nào mọi việc lại tồi tệ như ở đây", ông Gassani nói.
Khoảng 64,3% thanh niên Italy trong độ tuổi từ 18 đến 34 vẫn sống cùng nhà với cha mẹ. Ảnh: Getty. |
Hiện tượng này quen thuộc đến nỗi cựu Thủ tướng Mario Monti đã đặt biệt danh cho nó là "bamboccioni" - có nghĩa là "đứa trẻ lớn" - để chỉ những người gần 40 tuổi vẫn sống ở nhà, ăn bám cha mẹ.
"Những người trẻ phải can đảm hơn, phải có ý chí chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, điều đó cũng thật khó nếu mẹ bạn sáng nào cũng mang cà phê lên tận phòng cho bạn", luật sư Gassani nói.
Tại Anh, thuật ngữ NEET (Not in Education, Employment or Training) được dùng để chỉ lớp người trẻ không tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, cũng không đóng góp sức lao động cho xã hội. Họ hoàn toàn không có thu nhập kinh tế và sống “ký sinh” vào gia đình.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, năm 2018, khoảng 1/4 thanh niên ở Anh đang sống cùng bố mẹ, con số cao nhất kể từ năm 1996.
Trong khi đó, cụm từ “thế hệ Boomerang” từ lâu đã phổ biến ở Mỹ. Cụ thể, những đứa trẻ Boomerang là những người đã hoàn thành bậc đại học lại trở về sống dưới sự bao bọc, hỗ trợ tài chính của cha mẹ.
Hơn 22% số lượng thanh niên trong độ tuổi 23-37 của xứ cờ hoa đang sống cùng cha mẹ, theo số liệu báo cáo của công ty cơ sở dữ liệu bất động sản Zillow. Vào năm 2001, tỷ lệ chỉ bằng một nửa hiện tại, dừng ở mức 11,7%.