Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Show hẹn hò lợi dụng LGBT câu kéo người xem ra sao

Nhiều chương trình thực tế sử dụng cộng đồng LGBT như yếu tố gây sốc để câu kéo người xem, khiến định kiến giới vốn xấu xí, nay càng trở nên tồi tệ.

lgbt tren show thuc te anh 1

6 người đàn ông cùng tranh đấu để giành lấy cảm tình của một cô gái và khoản tiền thưởng lớn. Thế nhưng, thí sinh chiến thắng cuối cùng từ chối nhận giải khi cô gái thông báo mình là người chuyển giới.

Đó là những gì đã xảy ra tại There Something About Miriam, một trong những chương trình được ví như thảm họa tồi tệ nhất của lịch sử show truyền hình thực tế.

6 thí sinh nam cùng nhà sản xuất chương trình kiện tụng lẫn nhau vì những thứ như “vi phạm hợp đồng”, “âm mưu tấn công tình dục”, “phỉ báng”… Nhưng cuối cùng, mọi chuyện được hòa giải êm đẹp nhờ tiền bồi thường.

Trong khi đó, cô gái chuyển giới, từng coi chương trình là cơ hội để “bước ra ánh sáng”, trở thành kẻ dối trá, đáng khinh trong mắt người khác.

Câu chuyện của There Something About Miriam được xem là ví dụ kinh điển về cách những chương trình thực tế hủy hoại cuộc đời các thí sinh, cụ thể là người thuộc cộng đồng LGBT.

lgbt tren show thuc te anh 2

Chương trình thực tế "Are You the One?" với sự tham gia của người đồng tính. Ảnh: MTV.

Theo The Atlantic, khoảng 10-15 năm trước, hàng loạt chương trình thực tế, show hẹn hò na ná nhau đồng loạt ra mắt, khiến người xem bội thực. Một số nhà sản xuất đã tìm cách đổi mới, cứu rating khi mời người đồng tính, song tính, chuyển giới tham gia.

Sự thành công của một số chương trình dành cho LGBT đã đem đến những cái nhìn cởi mở, tích cực hơn về thế giới thứ 3. Tuy nhiên, ngược lại, phần lớn chỉ sử dụng cộng đồng LGBT như yếu tố gây sốc để câu kéo người xem, khiến những định kiến giới xấu xí càng trở nên tồi tệ.

“Dối trá, kỳ dị, xéo xắt là tất cả những gì chương trình thực tế mô tả về LGBT. Tôi là người đồng tính nhưng xem những chương trình như thế này chỉ khiến tôi nổi da gà”, một khán giả nhận xét.

Nói dối, chơi khăm người đồng tính

Playing It Straight là một trong những show hẹn hò đầu tiên có sự tham gia của người đồng giới.

5 người đàn ông và 9 người đồng tính nam giả vờ là trai thẳng sẽ cùng cố gắng giành lấy trái tim của một phụ nữ. Cuối cùng, nếu cô gái chọn một người đàn ông để hẹn hò, mỗi người sẽ nhận được 500.000 USD. Nếu cô ấy chọn một người đồng tính, anh ta sẽ giành được 1 triệu USD còn cô gái sẽ tay trắng ra về.

Dù khá thành công tại Anh, chương trình không được đón nhận ở Mỹ và phải kết thúc sau 3 tập. Bill Bouvier, người đồng tính tham gia Playing It Straight, cho biết về lý thuyết, anh từng nghĩ chương trình sẽ là cơ hội để phá bỏ những định kiến ​​trên truyền hình về người đồng tính nam.

Tuy nhiên, trong thực tế, anh nói, trải nghiệm này "hoàn toàn khủng khiếp" khi phải cố gồng mình một lần nữa.

“Bạn có thể khiến những người không biết nhau kết hôn, hoặc biến nó thành một trò chơi. Nhưng với người đồng tính nam, điều đó như tự tát vào mặt”, Bouvier nói.

lgbt tren show thuc te anh 3

Những người đồng tính và dị tính cùng tham gia "Playing It Straight". Ảnh: E4.

Tương tự, chương trình thực tế Boy Meets Boy cũng từng bị chỉ trích vì biến LGBT trở thành “mồi nhử”, “trò đùa” để câu rating.

Tại show này, một người đồng tính sẽ tìm “một nửa hoàn hảo” trong số 15 thí sinh nam. Nhưng không phải tất cả thí sinh đều là người đồng tính, còn có những người dị tính đóng giả đồng tính. Tuy nhiên, người chơi chính hoàn toàn không biết điều này cho đến khi chương trình kết thúc.

Nếu lựa chọn đúng người đồng tính để kết đôi, người chơi và “một nửa hoàn hảo” có tiền thưởng và được tài trợ một chuyến nghỉ dưỡng ở New Zealand. Nếu chọn người dị tính, người chơi tay trắng trong khi thí sinh còn lại nhận 25.000 USD.

Trong khi nhà sản xuất chương trình nói rằng "đây là một chuyện tình đồng tính nam lãng mạn, đột phá trên truyền hình", những gì người xem chứng kiến lại chỉ là "một trò chơi khăm hèn hạ với người đồng giới".

“Chồng tôi không phải người đồng giới”

My Husband's Not Gay, chương trình lên sóng vào đầu năm 2017 trên kênh TLC, đã dừng phát sóng chỉ sau vài tập vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng LGBT.

Chương trình được thực hiện tại thành phố Salt Lake (bang Utah, Mỹ) kể về 3 người đàn ông không chỉ bị hấp dẫn tình dục bởi vợ mình mà còn cảm thấy bị thu hút với những người đàn ông khác.

Nhà sản xuất chương trình gọi đó là “sức hấp dẫn cùng giới tính", nhấn mạnh “không phải đồng giới”.

"Không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo. Chúng tôi cũng vậy. Nhưng với niềm tin vào Chúa, chúng tôi tin rằng mình có thể vượt qua bất cứ điều gì", một trong những người đàn ông nói trong chương trình.

Một người khác nói: “Tôi chắc chắn bị thu hút bởi vợ tôi. Nhưng tôi cũng bị thu hút bởi đàn ông".

lgbt tren show thuc te anh 4

Chương trình "My Husband's Not Gay" bị chỉ trích vì thông điệp lệch lạc. Ảnh: TLC.

Tiền đề của chương trình gây tranh cãi, đặc biệt bị phản đối bởi cộng đồng LGBT.

My Husband's Not Gay được cho gửi đi thông điệp sai lầm rằng đồng tính là điều gì đó có thể và cần phải thay đổi hoặc bạn có thể chống lại xu hướng tính dục của mình bằng cách kết hôn với người khác giới. Những người đàn ông tham gia chương trình thay vì được hiểu và chấp nhận lại bị coi như "người mắc kẹt đang cố vượt qua vấn đề của mình".

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GLAAD (tạm dịch: Liên minh đồng tính nam và đồng tính nữ chống phỉ báng) Sarah Kate Ellis nói: “Chương trình này hoàn toàn vô trách nhiệm. Không ai có thể thay đổi người mà họ yêu, và quan trọng hơn, không ai phải làm vậy. Bằng cách đầu tư vào chương trình nguy hiểm này, TLC đang khiến vô số người LGBT trẻ tuổi bị tổn hại”.

Một bản kiến ​​nghị trên trang Change.org yêu cầu TLC hủy bỏ My Husband's Not Gay đã thu hút 100.000 chữ ký sau vài ngày. Giữa tháng 1/2015, TLC tuyên bố dừng phát sóng chương trình này nhưng không giải thích lý do cụ thể.

Sỉ nhục có hệ thống

Theo The Atlantic, There Something About Miriam là show thực tế thất bại nhất lịch sử, trở thành ví dụ cảnh tỉnh những chương trình truyền hình cố gắng khai thác, lợi dụng cộng đồng LGBT.

Chương trình chỉ ra mắt đúng một mùa với sự tham gia của khách mời chính là người mẫu Mexico Miriam Rivera và 6 người chơi nam từ 20 đến 35 tuổi. Những thí sinh nam sẽ tham gia hàng loạt thử thách, cuộc đua để giành lấy trái tim người đẹp.

Trong phần cuối của chương trình, Rivera đã chọn kết đôi với Tom Rooke, 23 tuổi, nhân viên cứu hộ và cựu huấn luyện viên trượt tuyết. Tuy nhiên, lúc này, cô cũng công bố bí mật động trời rằng mình là người chuyển giới.

Sau khi biết thông tin này, Rooke đã từ chối nhận giải thưởng và cùng 5 thí sinh còn lại kiện nhà sản xuất chương trình, yêu cầu hủy phát sóng There Something About Miriam.

lgbt tren show thuc te anh 5

Người mẫu chuyển giới Miriam Rivera bị chế nhạo là "kẻ dối trá" sau chương trình "There Something About Miriam". Ảnh: Twitter.

Họ cáo buộc nhà sản xuất hàng loạt tội danh như âm mưu tấn công tình dục, phỉ báng, vi phạm hợp đồng và gây thương tích cá nhân dưới dạng tổn thương tâm lý và tình cảm.

Vụ bê bối đã khiến There Something About Miriam gián đoạn phát sóng vào tháng 11/2003. Những tập cuối của chương trình lên sóng vào đầu năm 2004 sau khi 6 thí sinh được bồi thường một khoản tiền không được tiết lộ cụ thể.

Khán giả và các nhà phê bình tại Anh đã kịch liệt phản đối chương trình lên sóng trở lại. “There Something About Miriam xúc phạm và thật vô nhân tính với người chuyển giới. Đó là nỗi kinh hoàng với cả khách mời, lẫn thí sinh”, một nhà phê bình nói.

Tuy nhiên bất chấp làn sóng chỉ trích của cộng đồng LGBT, chương trình được mua và phát sóng ở Australia, Argentina, Ba Lan và Mỹ vào những năm tiếp theo.

Khi There Something About Miriam lên sóng tại Mỹ vào đúng ngày tưởng nhớ người chuyển giới (20/11) năm 2007, tác giả chuyển giới Julia Serano nói: "Các chương trình như There Something About Miriam không chỉ củng cố định kiến ​​rằng giới tính khi sinh của người chuyển giới là 'thật' và giới tính được xác định lại chỉ là 'giả', mà còn là sự sỉ nhục có hệ thống, cổ vũ những dối lừa và bạo lực chống lại chúng ta".

'Tham gia show hẹn hò là sai lầm lớn nhất đời tôi'

Đằng sau những show hẹn hò, có thí sinh tìm thấy tình yêu nhưng cũng có nhiều người day dứt, hối hận, thậm chí trầm cảm dù chiến thắng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm