Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tham gia show hẹn hò là sai lầm lớn nhất đời tôi'

Đằng sau những show hẹn hò, có thí sinh tìm thấy tình yêu nhưng cũng có nhiều người day dứt, hối hận, thậm chí trầm cảm dù chiến thắng.

Ngày 15/2/2000, một người đàn ông mặc lễ phục, quỳ gối, cầu hôn một cô gái hoàn toàn xa lạ trong bộ váy cưới. Cô gái ấy rơi lệ chấp nhận trong khi 4 người phụ nữ khác, cũng mặc váy cưới, lặng lẽ rời khỏi sân khấu.

Đó là cảnh tượng trong đêm chung kết của show hẹn hò Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?. Tập phim đã thu hút hơn 23 triệu người chăm chú theo dõi qua vô tuyến truyền hình và được xem là khởi nguồn cho một thể loại mới, "chương trình hẹn hò thực tế" tại Mỹ, theo Washington Post.

Từ năm 2000 đến nay, hàng chục show hẹn hò đã ra mắt tại xứ cờ hoa. Nhiều chương trình như The Bachelor có tuổi thọ gần 20 năm nhưng cũng có những cái tên “chết yểu” chỉ sau vài tập phát sóng.

Đằng sau đó, có những người tham gia tìm thấy tình yêu nhưng cũng có những người hối tiếc về mọi thứ. Nhiều nhà sản xuất tự hào về nội dung mà họ tạo ra song cũng nhiều người khác không bao giờ muốn làm thể loại này nữa.

chuong trinh hen ho anh 1

Đêm chung kết chương trình "Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?". Ảnh: Fox.

Sai lầm lớn nhất cuộc đời

Who Wants to Marry a Multi-Millionaire? được coi là chương trình hẹn hò thực tế đầu tiên của Mỹ. Tuy chỉ ra mắt đúng một mùa vào năm 2000, Who Wants to Marry a Multi-Millionaire? đã truyền cảm hứng cho hàng chục show hẹn hò khác nở rộ trên truyền hình vào những năm tiếp theo.

Nhà sản xuất truyền hình Mike Darnell xem chương trình này là một phiên bản khác của game show Who Wants to Be a Millionaire?.

“Chương trình của tôi sẽ hiện thực hóa 2 giấc mơ lớn của người Mỹ: Tiền bạc và tình yêu”, Darnell nói.

Mô tả một cách đơn giản, Who Wants to Marry a Multi-Millionaire? là một cuộc thi nhan sắc, nơi những cô gái trẻ đẹp thi thố để tranh giành giải thưởng cuối cùng là kết hôn với một triệu phú tên Rick Rockwell.

Trong khi khán giả say mê đón chờ từng tập phát sóng để tìm ra cô gái may mắn “đăng quang”, các nhà phê bình phẫn nộ, thậm chí nhận xét show hẹn hò này không khác gì một hình thức mại dâm trá hình.

Tuy nhiên, không dừng lại ở những tranh cãi về format, chương trình còn tiếp tục dính hàng loạt phốt hậu phát sóng. Năm 2011, tức 11 năm sau khi Who Wants to Marry a Multi-Millionaire? lên sóng tập cuối, triệu phú Rick Rockwell, người tham gia chương trình với tư cách nam chính, bị bạn gái cũ kiện vì cáo buộc lạm dụng thể chất.

Dù Rockwell phủ nhận thông tin này, y tá phòng cấp cứu Darva Conger, cô gái được triệu phú chọn kết hôn ở Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?, nói rằng cuộc hôn nhân với Rockwell khiến cô mất ngủ và khóc hàng đêm.

“Tham gia và giành chiến thắng trong cuộc thi là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi”, Conger nói.

chuong trinh hen ho anh 2

Người chơi "Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?" bị cáo buộc lạm dụng bạn gái cũ. Ảnh: Washington Post.

Vụ bê bối này khiến Who Wants to Marry a Multi-Millionaire? không thể có mùa 2. Chương trình và các nhà sản xuất bị nhà đài điều tra vì cẩu thả trong khâu kiểm tra lý lịch người chơi.

Ra mắt một năm sau Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?, chương trình Temptation Island (2001) thậm chí từng bị chính người tham gia kiện vì tội phỉ báng.

Cụ thể, Taheed Watson và Ytossie Patterson đã đồng ý tham gia Temptation Island nhưng không được biết trước kịch bản. Cùng các đôi tình nhân khác, họ được đưa đến một hòn đảo có rất nhiều người độc thân nóng bỏng để “thử thách lòng chung thủy” của nhau.

Sau vài tập phát sóng, Watson và Patterson bị phát hiện là vợ chồng đã có một con, điều này vi phạm luật chơi của Temptation Island. Tuy nhiên, thay vì lặng lẽ rút 2 thí sinh này khỏi cuộc chơi, đội ngũ sản xuất đã phát sóng đoạn phim thông báo Watson và Patterson bị loại và có những lời lẽ không hay về họ để câu kéo người xem.

Patterson nói rằng những trải nghiệm ở chương trình đã “hủy hoại” cô. “Tôi cảm thấy như bị họ che mắt vì nếu biết mục đích thực sự tôi sẽ không bao giờ đồng ý tham gia. Giờ đây, tôi còn không muốn xem bất kỳ chương trình hẹn hò nào nữa”, Patterson nói.

Cú lừa ngoạn mục đến từ nhà sản xuất

Chỉ ra mắt đúng một mùa nhưng Joe Millionaire (2003) có lẽ là show hẹn hò được nhắc đến nhiều nhất từ trước đến nay. Tại chương trình, 20 cô gái tham gia cuộc đua tranh giành tình yêu của Evan Marriott, người được giới thiệu thừa kế khối tài sản 50 triệu USD nhưng thực tế lại là một công nhân xây dựng kiếm được 19.000 USD/năm.

Các thí sinh bị nhà sản xuất đánh lừa trong khi khoảng 40 triệu người đã theo dõi đêm chung kết, háo hức muốn thấy Marriott tiết lộ thân phận thật và liệu người phụ nữ chiến thắng có hét lên và bỏ chạy vì cú lừa ngoạn mục hay không.

Cuối cùng, kết quả có lẽ không như nhiều người mong đợi khi Marriott và người chiến thắng Zora Andrich chia nhau giải thưởng 1 triệu USD và nắm tay nhau ra về nhưng đã chia tay êm đẹp ngay sau đó.

Dù chương trình tạo ra cơn sốt, được nhắc đi nhắc lại trên tờ New Yorker cho đến Saturday Night Live, Showrunner Liz Bronstein, nhà sản xuất Joe Millionaire, nói rằng không còn muốn làm các chương trình hẹn hò thực tế nữa.

“Tôi không muốn dành cả sự nghiệp của mình để nói dối, lừa gạt mọi người”, bà Bronstein nói.

Trong khi đó “triệu phú rởm” Marriott bày tỏ sự hối hận về việc tham gia chương trình. Anh đã gọi điện và nói với bà Bronstein cách những chương trình thực tế hủy hoại cuộc đời người chơi.

chuong trinh hen ho anh 3

Chàng công nhân xây dựng Evan Marriott vào vai người thừa kế trong show hẹn hò "Joe Millionaire". Ảnh: Getty.

Tương tự Joe Millionaire, Playing It Straight (2004) cũng là một show hẹn hò được xây dựng trên những lời nói dối. 5 người đàn ông và 9 người đồng tính nam giả vờ là trai thẳng sẽ cùng cố gắng giành lấy tình cảm của một phụ nữ.

Cuối cùng, nếu người phụ nữ chọn một người đàn ông để hẹn hò, mỗi người sẽ nhận được 500.000 USD. Nếu cô ấy chọn một người đồng tính, anh ta sẽ giành được 1 triệu USD còn cô gái sẽ tay trắng ra về.

Dù khá thành công tại Anh, chương trình không được đón nhận ở Mỹ và phải kết thúc sau 3 tập. Bill Bouvier, người đồng tính tham gia Playing It Straight, cho biết về lý thuyết, anh từng nghĩ chương trình sẽ là cơ hội để phá bỏ những định kiến ​​trên truyền hình về người đồng tính nam. Tuy nhiên, trong thực tế, anh nói, trải nghiệm này "hoàn toàn khủng khiếp” khi phải cố gồng mình một lần nữa.

“Bạn có thể khiến những người không biết nhau kết hôn, hoặc biến nó thành một trò chơi. Nhưng với người đồng tính nam, điều đó như tự tát vào mặt”, Bouvier nói.

Trầm cảm, bị dọa giết sau khi tham gia show hẹn hò

Chương trình Catching Kelce (2016) với sự tham gia của ngôi sao bóng bầu dục Travis Kelce, là một trong những show hẹn hò gây nhiều tranh cãi. Người chiến thắng cuối cùng, được Kelce bấm nút chọn lại là cô nàng sắm vai ác trong suốt chương trình - Benberry.

Nhiều khán giả tức giận vì cho rằng kết quả này đã được dàn xếp vì các nhà sản xuất thường thích để nhân vật phản diện chiến thắng nhằm tạo tranh cãi.

Bị miêu tả là “một nàng da đen tức giận, tiêu cực, phản diện”, Benberry đã phải nhận vô số chỉ trích, bình luận miệt thị, phân biệt chủng tộc và cả những tin nhắn dọa giết sau chương trình.

Benberry giải thích rằng nhà sản xuất đã cố cắt ghép để biến cô thành một “ác nữ màn ảnh”. “Khán giả nghĩ rằng tôi không được phép giành chiến thắng vì tôi chỉ là một cô gái xấu xa, cay nghiệt, nhưng trong khi thực tế tôi không như vậy”, Benberry phân trần.

Benberry cũng không phải thí sinh duy nhất của các chương trình hẹn hò bị khán giả dọa giết. Jen Hawke, người chơi từng vào “vai ác” trong show hẹn hò The Bachelor 2017 phiên bản Australia, cũng nhận hàng loạt tin nhắn đe dọa sau khi chương trình phát sóng.

“Mọi người ngoài kia ước gì tôi chết. Tôi đã phải chặn nhiều người dùng trực tuyến liên tục gửi tin nhắn đe dọa”, Hawke nói.

chuong trinh hen ho anh 4

Show hẹn hò "Megan Wants a Millionaire" của người mẫu nội y Megan Hauserman. Ảnh: VH1.

Megan Hauserman, người mẫu Playboy, gặp không ít rắc rối sau khi tham gia chương trình Megan Wants a Millionaire (2009). Show hẹn hò này bị gọi là “phần đen tối nhất” của lịch sử truyền hình thực tế nước Mỹ khi phát giác một trong những thí sinh, Ryan Jenkins, có tiền án bạo lực gia đình và là nghi phạm trong vụ giết vợ cũ.

3 ngày sau khi bị cáo buộc, Jenkins được tìm thấy đã chết do tự sát. Ngay lập tức, Megan Wants a Millionaire bị hủy bỏ sau 3 tập lên sóng. Công ty sản xuất nhận chỉ trích vì sai sót trong quá trình kiểm tra lý lịch thí sinh.

“Đó là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với tôi trong sự nghiệp”, Giám đốc sản xuất Mark Cronin nói với Entertainment Weekly. Còn đối với người mẫu Megan Hauserman, Megan Wants a Millionaire đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp truyền hình của cô.

“Trong rất nhiều năm, tôi bị trầm cảm. Một người thân thiết với tôi đã làm điều quá kinh khủng. Tôi rất buồn vì chương trình bị hủy. Và mọi cơ hội cũng kết thúc ở thời điểm đó”, Hauserman nói.

Biết là diễn mà vẫn xem, vì sao khán giả thích show hẹn hò

Thừa biết các show hẹn hò không phản ánh cuộc sống thực, song đa số khán giả vẫn chăm chú theo dõi, hăng say thảo luận khi từng tập chương trình phát sóng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm