Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Drag queen Hàn Quốc đấu tranh với nạn phân biệt đối xử LGBT

Mặc cho những lời lẽ chê bai, cay nghiệt, nghệ sĩ drag queen cũng nhận được nhiều sự yêu mến, động viên và hơn hết là khâm phục từ các khán giả.

Zing trích dịch bài đăng trên CNNThe Korea Times, phản ánh việc những nghệ sĩ drag queen ở Hàn chịu đựng nhiều bất công, khinh miệt do văn hóa bảo thủ nơi đây.

Với chiếc đầm dạ hội đính kim tuyến, mái tóc giả bồng bềnh màu bạch kim cùng lớp trang điểm đậm được chau chuốt, Heezy Yang, nghệ danh Hurricane Kimchi, đang trình diễn ca khúc Nobody của nhóm nhạc nữ Wonder Girls, tại một quán bar ở khu phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc).

Những màn biểu diễn của giới drag queen như trên vẫn luôn là cảnh tượng hiếm được công khai tại xứ sở kim chi, cho dù đã hơn nửa thế kỷ từ khi văn hóa này du nhập vào Hàn Quốc.

drag queen o Han Quoc anh 1

Xuất hiện với vẻ ngoài lộng lẫy trên sân khấu, drag queen luôn chịu những lời lẽ miệt thị, xúc phạm về nghề nghiệp và giới tính của mình. Ảnh: Pinterest.

Drag queen có nguồn gốc từ phương Tây, với “drag” được viết tắt của cụm từ “dressed as girl” (tạm dịch: ăn mặc giống con gái - PV). Trong môn nghệ thuật này, những nghệ sĩ nam sẽ trang điểm, mặc trang phục của phụ nữ để biểu diễn trên sân khấu, đặc biệt là diễn hát lip-sync.

Trước khi Internet bùng nổ, nghề drag queen luôn chịu bó hẹp bên trong những câu lạc bộ, quán bar, đơn thuần nhằm kiếm thêm thu nhập từ việc múa hát mua vui vì ít được đón nhận.

Thế nhưng, với vai trò là nhà hoạt động xã hội, Heezy Yang cùng các đồng nghiệp của mình đang từng bước thay đổi góc nhìn của người dân về văn hóa drag queen nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung.

Giả nữ để giải tỏa áp lực và được là chính mình

Chia sẻ với The Korea Times, Kim Young-rong, một nghệ sĩ drag queen với nghệ danh là Nana, cho biết: “Công việc này giúp tôi khẳng định tôi thực sự là ai. Trong bộ trang phục giống phụ nữ, tôi cảm thấy thoải mái và tự tin thể hiện nét duyên dáng, quyến rũ của mình”.

14 năm trước, Nana bắt đầu trở thành gương mặt drag queen nổi tiếng trong giới và trên các phương tiện truyền thông.

Anh từng xuất hiện trong nhiều quảng cáo, MV của các nhóm nhạc Kpop nổi tiếng như Brown Eyed Girls và Mamamoo. Năm ngoái, thương hiệu thời trang Lang&Lu còn mời anh làm “nàng thơ” cho bộ sưu tập mới nhất của hãng, đưa anh bước lên sàn diễn trong Tuần lễ Thời trang.

“Với các nghệ sĩ trong lĩnh vực này, chúng tôi luôn chia sẻ những cách làm cho drag queen trở nên thú vị, khiến mọi người có thể gạt bỏ định kiến và thoải mái thưởng thức buổi biểu diễn”, anh chia sẻ.

Ali Zahoor, người sáng lập Seoul Drag Parade (Ngày hội diễu hành của các nghệ sĩ giả nữ ở Seoul), cho biết: “Xã hội Hàn Quốc luôn ẩn chứa những áp lực ngầm. Thanh niên làm việc nhiều giờ mỗi ngày, lớp trẻ phải ôn thi, học tập thâu đêm vì áp lực điểm số, do đó họ rất cần một ‘lối thoát’ tinh thần. Việc giả nữ là phương thức giúp họ thoát khỏi nhịp sống hối hả thường nhật và được sống đúng với chính mình”.

Serena 303, nghệ sĩ drag queen kiêm YouTuber người Hàn, dùng âm nhạc Kpop và xu hướng thời trang thập niên 70 như nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều bộ trang phục giả nữ cuốn hút của mình. Trong video, cô gợi ý các mẹo trang điểm, chia sẻ về cuộc sống, những câu chuyện “bên lề” ít ai biết về công việc của mình, đồng thời mang giá trị động viên đến một số bạn trẻ đang băn khoăn về hình ảnh cá nhân và định kiến xã hội.

“Tôi muốn truyền đạt đến khán giả rằng ai cũng có quyền được sống với chính con người thật của họ, cũng như bất kỳ ai cũng có thể thử sức trong loại hình drag queen này. Điều quan trọng hơn cả là hãy tin mọi người đều yêu thương bạn”.

Từng bước tìm kiếm sự chấp nhận

Năm 2017, một cuộc thăm dò ý kiến của Hiệp hội Chính sách và Điều luật về Bản chất - Định hướng Giới tính, tổ chức nhân quyền đấu tranh cho cộng đồng LGBT Hàn Quốc, cho thấy 92,6% người đồng tính tại Hàn sợ hãi trước nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ thù ghét, và 49,3% tiết lộ từng trải qua khủng hoảng tinh thần sau khi hứng chịu những hành vi khinh miệt một cách công khai.

“Bất kể bạn là người đồng tính nam, đồng tính nữ hay chuyển giới, việc thuộc về một cộng đồng thiểu số ở đây luôn là điều khó khăn”, Hezzy Yang nói.

drag queen o Han Quoc anh 4

Đến nay, nhiều người Hàn Quốc vẫn giữ quan điểm bảo thủ, phản đối hôn nhân đồng giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Ảnh: Getty.

Nana cho biết: “Tại đất nước còn nhiều bảo thủ như Hàn Quốc, nếu một văn hóa mới xuất hiện và không giống với những văn hóa cũ trước đó, văn hóa mới đó dễ bị kỳ thị, tẩy chay hoặc cần khoảng thời gian rất lâu để mọi người có thể chấp nhận nó”.

Tháng 5 vừa qua, một người đàn ông 29 tuổi đã đến khu Itaewon, nơi có nhiều quán bar và câu lạc bộ đồng tính, thường là địa điểm tổ chức biểu diễn drag queen, vào đêm trước khi được xét nghiệm dương tính với Covid-19. Chính vì thế, cộng đồng LGBT vô tình trở thành đối tượng tiếp tục hứng chịu những chỉ trích, bình luận phỉ báng từ xã hội, thậm chí là sự căm ghét tột độ từ bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng.

“Mày là đồ virus”, “Mày là mầm bệnh dễ lây lan” là nội dung của những tin nhắn mà Nana và các đồng nghiệp khác liên tục nhận được trong suốt thời gian dài.

“Việc cố gắng để được mọi người yêu mến ngày càng khiến tôi áp lực và mệt mỏi. Đôi lúc tôi đã nghĩ tôi không cần phải làm hài lòng người khác hoặc yêu cầu họ chấp nhận tôi, bởi vì có những người ủng hộ và yêu thương tôi là quá đủ”.

drag queen o Han Quoc anh 5

Nghệ thuật giả nữ dần nhận được sự quan tâm của xã hội nhờ vào các viral video trên YouTube, các hoạt động diễu hành ngoài đường phố và hơn hết là sự chân thành của các nghệ sĩ. Ảnh: Jun Michael Park.

Hiện tại, với sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, các nghệ sĩ drag queen có thể tự tìm tòi phong cách thời trang, xây dựng cá tính riêng của mình, đồng thời mang văn hóa giả nữ này tiếp cận đến nhiều cá nhân hơn.

Đối với Hezzy Yang, drag không chỉ là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, hơn hết, đó là cách giúp anh phá vỡ định kiến giới, cũng như khuyến khích mọi người khám phá con người thật của bản thân.

“Tôi không phải drag queen đẹp nhất, cũng không phải nghệ sĩ trình diễn xuất sắc. Hơn hết, tôi mong muốn kết hợp văn hóa giả nữ với các hoạt động xã hội và nghệ thuật đại chúng, đem đến cho những drag queen một không gian biểu diễn an toàn để tự tin thể hiện bản thân”, Yang nói.

Drag queen - con đường bước ra ánh sáng của LGBT Trung Quốc

Sự tự ti, rụt rè đã nhường chỗ cho vẻ duyên dáng, quyến rũ khi Yan được khoác lên mình những bộ váy anh yêu thích và lấy nghệ danh là Miss Cream trên sân khấu.

Mẫn Nhi

Bạn có thể quan tâm