Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 400.000 thí sinh trượt đại học

Điểm sàn năm nay chủ yếu dựa vào phổ điểm (tổng điểm bình quân của các thí sinh) thay vì chỉ căn cứ vào chỉ tiêu như trước đây.

Sáng nay, Bộ GD – ĐT đã họp và thông báo điểm sàn đại học, cao đẳng của mùa thi năm 2013. Mặc dù năm nay kết quả của các thí sinh cao hơn năm ngoái, nhưng điểm sàn điểm sàn không tăng, thậm chí hệ đại học khối C còn giảm từ 14,5 xuống 14 điểm; hệ cao đẳng khối C và D giảm 0,5 điểm. .

Về quyết định này, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga  cho biết: “Năm nay, Bộ GD đã thay đổi cách xác định điểm sàn”.

Cụ thể, điểm sàn được tính dựa vào kết quả thi của thí sinh và phổ điểm theo đề thi chung đối với từng khối, chỉ tiêu tuyển sinh, chính sách ưu tiên theo đối tượng, khu vực tuyển sinh, cơ cấu vùng miền, xã hội và loại hình trường.

Như vậy, điểm sàn năm nay chủ yếu dựa vào phổ điểm (tổng điểm bình quân của các thí sinh) thay vì phương án chỉ căn cứ vào chỉ tiêu như  8 năm qua đã thực hiện.

Sự thay đổi này phù hợp với việc Bộ GD – ĐT ban hành Thông tư 57, yêu cầu các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên tiêu chí đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga còn nhấn mạnh: “Việc công khai phổ điểm sẽ giúp bất cứ ai cũng có thể tính và giám sát được việc xác định điểm sàn, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”.

Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học là 329.896 và 273.609 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Theo tính toán của Bộ GD - ĐT, cả nước có 394.627 thí sinh có kết quả thi đại học dưới điểm sàn. Đối với hệ cao đẳng, số lượng thí sinh dưới điểm sàn là 215.465.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD – ĐT cho biết so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh, cả nước còn dư hơn 400.000 thí sinh trên điểm sàn. Đây là cơ sở để các trường có thể đảm bảo nguồn tuyển.

Khi được hỏi, liệu động thái này của Bộ GD - ĐT để "cứu" các trường khó tuyển sinh, tiêu biểu là hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập, lãnh đạo Bộ GD - ĐT khẳng định: "Kết quả của tuyển sinh cao chứng tỏ đề thi phù hợp với năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, kết quả này chỉ tập trung ở một số trường top trên, còn các trường khác phổ điểm vẫn rải đều. Hơn nữa, khi đăng ký xét tuyển thí sinh không chỉ phụ thuộc vào điểm sàn mà còn do uy tín, chất lượng của các trường".

Năm nay, cả nước còn có 16.000 hồ sơ đăng ký dự thi liên thông. Theo quyết định của Bộ GD – ĐT, đối tượng này cũng có chung mức điểm sàn đại học, cao đẳng như hệ chính quy. Điểm trúng tuyển của các thí sinh này do hiệu trưởng quyết định và không nhất thiết phải bằng hệ chính quy.

Lãnh đạo Bộ GD – ĐT cũng cho biết: “Sau khi các trường hoàn thành công tác tuyển sinh, Bộ sẽ tiến hành thanh tra. Nếu bất cứ trường nào tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã đăng ký sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy chế”.

Vì vậy, trường hợp lãnh đạo ĐH Y Hà Nội đề nghị Bộ GD - ĐT tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngoài ngân sách, để tránh trường hợp thí sinh đạt 27 điểm vẫn trượt đại học, đã không được chấp nhận. Trường vẫn chỉ được tuyển sinh 1050 sinh viên như đăng ký ban đầu. Bộ GD – ĐT chỉ quản lý tổng số chỉ tiêu, còn số lượng từng ngành nhà trường hoàn toàn có thể tự cân đối và quyết định.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm