Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 50% người dân tại Hà Nội phơi nhiễm khói thuốc trong nhà

Thống kê về tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Hà Nội vẫn cho thấy tốc độ gia tăng đáng ngại.

Tỷ lệ sử dụng và phơi nhiễm khói thuốc lá tại Hà Nội ở ngưỡng cao. Ảnh: andres_siimon.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố đã thực hiện cuộc điều tra "Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại thành phố Hà Nội năm 2022" với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và Đại học Y tế Công cộng.

Điều tra đã chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người dân từ 15 tuổi trở lên là 19,1%, trong đó nam giới hút thuốc 38%; nữ giới 0,2%. Kết quả này cao hơn điều tra tương tự được thực hiện năm 2019 (tỷ lệ hút thuốc lá chung là 16,4%; nam giới 32,1%; nữ giới 0,8%).

Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu đang hút thuốc hàng ngày là 13,9%; thỉnh thoảng là 5,1%. Trung bình các đối tượng hút 1,5 điếu/ngày. Tuổi trung bình bắt đầu hút thuốc là 24,2 tuổi.

Đáng chú ý, kết quả điều tra cũng chỉ rõ có 44,2% đối tượng phơi nhiễm với khói thuốc trong nhà, 27,6% đối tượng có phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi làm việc.

Tỷ lệ đối tượng phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà hàng là cao nhất (73,2%), xếp sau là khách sạn (41,7%); quán bar/cà phê (41,2%); thấp nhất là trường học (16,4%). Song song với đó, phơi nhiễm khói thuốc tại cơ sở y tế vẫn ở mức khá cao (16,9%).

Điều tra cũng cho thấy 45,9% đối tượng từng nghe về thuốc lá điện tử. Trong đó, 3,5% đối tượng từng sử dụng và 0,6% đối tượng đang sử dụng thuốc lá điện tử.

Kết quả này cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã cao hơn so với giai đoạn trước (tăng từ 2,3% lên 3,5%).

TS Bùi Thị Minh Thái, khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, CDC Hà Nội, nhận định: "Có thể thấy thuốc lá điện tử không còn mới lạ đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ. Điều này làm gia tăng tỷ lệ người biết về thuốc lá và có khuynh hướng tăng sử dụng các loại thuốc lá này".

Vị chuyên gia cho rằng đây là các sản phẩm mới trên thị trường. Trong khi đó, Việt Nam chưa có những chính sách quản lý cụ thể về việc sử dụng, buôn bán, nhập khẩu...

Đồng thời, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) cũng chưa đề cập cụ thể về việc cấm các loại thuốc lá này.

Thống kê cho thấy Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Năm 2016, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines.

TS Thái thông tin thêm: "Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao hơn số người tử vong do HIV/AIDS (38.000 người) và tai nạn giao thông (13.000 người)".

Đại diện của CDC Hà Nội nhấn mạnh thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm ở người. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với những người không hút thuốc.

Việc tiếp xúc với khói thuốc lá (còn gọi là hút thuốc thụ động) cũng đã được khoa học chứng minh gây ra các bệnh chết người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không có một mức độ tiếp xúc với khói thuốc nào là an toàn đối với người hút thuốc lá thụ động.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

6 thực phẩm giúp cai thuốc lá

Cai thuốc lá là quá trình đầy gian nan và khó khăn. Việc ăn uống hàng ngày cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình này.

Suýt mất mạng vì dùng thuốc lá nam trị đau khớp

Tự ý dùng thuốc lá nam trong 2 tuần, bệnh nhân nữ nhập viện trong trạng thái sốt cao liên tục, loét bộ phận sinh dục và đỏ da toàn thân.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm