Cầu hôn được xem là một trong những khoảnh khắc ghi dấu ấn trên chặng đường đời, song không phải ai cũng xem trọng nghi thức này, đặc biệt với người Việt. Những năm gần đây, với tư tưởng hội nhập, cởi mở, nhiều cặp đôi trẻ sẵn sàng lên kế hoạch để dành cho nhau màn cầu hôn lãng mạn và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, đây là điều hiếm thấy ở thế hệ trước. Gần 90% phụ nữ đã lập gia đình tham gia khảo sát của Zing News chia sẻ bản thân chưa nhận được lời cầu hôn từ chồng.
Chạnh lòng vì không được cầu hôn
Kết hôn năm 1996 và có một gia đình hạnh phúc với 2 người con, nhưng chị Hồng Nhung (48 tuổi, Hà Nội) vẫn cảm thấy “thiếu” khi chưa từng được chồng cầu hôn. Là bạn từ thuở nhỏ, chị Nhung và anh Hưng có một hành trình tình yêu tương đối “êm đềm” khi đồng hành cùng nhau qua gần như mọi cột mốc của cuộc đời. Việc cả hai về chung một nhà như được định sẵn, nên anh Hưng không có màn cầu hôn bất ngờ nào dành cho vợ.
Chị Nhung chia sẻ: “Chồng tôi là kiểu người ‘nói ít làm nhiều’. Anh sống tình cảm nhưng ít khi thể hiện điều đó kể cả với vợ hay bố mẹ, con cái. Năm đó, chúng tôi lấy nhau với ‘hai bàn tay trắng’. Cuộc sống khó khăn nên lễ cưới cũng chỉ làm vừa đủ các thủ tục truyền thống, nói gì đến cầu hôn”.
Cầu hôn là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. |
Cầu hôn có nguồn gốc từ phương Tây, nên không khó hiểu khi nghi thức này trở nên lạ lẫm với người Việt ở thời điểm 30 năm trước. Đến sau những năm 2000, với sự “đổ bộ” của các sản phẩm văn hóa, giải trí Âu - Mỹ như phim ảnh, âm nhạc… khái niệm cầu hôn mới trở nên phổ biến. Song, không phải ai cũng sẵn sàng thực hiện nghi thức này.
“Sau này, xem nhiều bộ phim tình cảm của Mỹ, tôi mới biết đến nghi thức cầu hôn. Nếu ngày xưa được chồng cầu hôn như vậy, chắc tôi cũng xấu hổ lắm. Thế nhưng, tôi thừa nhận bản thân có chút chạnh lòng và cảm thấy không trọn vẹn. Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi chồng ‘Tại sao hồi đó anh không cầu hôn em?’, anh chỉ cười rồi bảo ‘Vẽ chuyện’”, chị Nhung nói thêm.
Trong khi đó, chị Ngọc Ánh (35 tuổi, TP.HCM) từng có thời điểm cảm thấy tủi thân khi bạn bè đều được cầu hôn còn mình thì không. Anh Nguyên - chồng chị Ánh - là người trầm tính, lại có phần kém lãng mạn nên không nghĩ vợ sẽ chạnh lòng vì không “bằng bạn bằng bè”.
Nhiều phụ nữ Việt không được chồng cầu hôn trước khi làm lễ cưới. |
“Là phụ nữ, ai chẳng muốn được nâng niu, chiều chuộng. Tôi từng dỗi chồng nhiều ngày vì anh đã không cầu hôn trước khi cả hai về chung một nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận ra anh thể hiện tình cảm bằng sự ân cần chăm sóc. Gần đây, anh đã bù đắp ‘lỗi lầm’ trong quá khứ bằng việc bất ngờ cầu hôn tôi vào lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới”, chị Ánh nói và khoe chiếc nhẫn đính hôn “muộn” mới được chồng tặng.
Hành động “sến” không cần thiết
Nếu phụ nữ coi cầu hôn là hành động thể hiện sự chân thành và trân trọng mối quan hệ, không ít đàn ông, đặc biệt ở tuổi trung niên, xem đây như việc làm có phần rườm rà, phù phiếm. Định kiến này hình thành từ nhiều lý do như văn hóa, hoàn cảnh, tính cách…
Anh Quang Minh (38 tuổi, Đà Nẵng) cho biết: “Xem nhiều phim Mỹ nên tôi cũng biết đàn ông thường cầu hôn phụ nữ trước khi làm lễ cưới. Song, tôi không phải kiểu người lãng mạn và cũng thấy đây là hành động ‘sến’ không cần thiết. Mình nói với người ta nhiều lời đường mật thế nào mà không thể hiện bằng hành động thực tế thì chẳng có ý nghĩa gì. Trước đây, tôi không cầu hôn vợ, nhưng cả hai vẫn yêu thương và cùng nhau vượt qua sóng gió đến giờ”.
Việc không nhận được lời cầu hôn trước khi cưới có thể khiến phụ nữ chạnh lòng. |
Đa phần đàn ông trung niên Việt Nam là người trầm tính, không thích phô trương, khoe mẽ trong chuyện tình cảm. Họ coi những hành động như cầu hôn là “sến” và chỉ hợp với người trẻ hiện đại. Thay vào đó, họ thường chọn cách quan tâm, chăm sóc bằng hành động khi cả hai nên duyên vợ chồng. Ngoài ra, không ít người quan niệm nghi thức ra mắt gia đình, họ hàng mới là điều quan trọng nhất.
Nhớ lại khoảnh khắc lần đầu ra mắt gia đình vợ cách đây hơn 20 năm, anh Văn Hoàng (45 tuổi, Hà Nội) thừa nhận bản thân vẫn còn run. Có nhà ở thành phố với công việc ổn định, nhưng anh vẫn cảm thấy lo lắng vì sợ không để lại ấn tượng tốt với bố vợ tương lai. Anh Hoàng dành cả tháng để lên dây cót cho buổi gặp mặt, chuẩn bị mọi thứ từ trang phục, quà bánh… đến cả “kịch bản” nói chuyện trên bàn trà.
“Bố vợ tôi trước đây làm giáo viên nên rất khắt khe. Tôi lo lắng đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong sao nhận được cái gật đầu của ông. Với tôi, việc để lại ấn tượng ban đầu tốt, sau đó duy trì sự quan tâm, chăm sóc gia đình đôi bên là yếu tố quan trọng nhất trước khi cả hai tiến đến hôn nhân. Bởi lẽ vợ chồng không chỉ sống với nhau, mà vẫn phải làm tròn nghĩa vụ của con cháu trong nhà nữa. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ cách làm sao để ‘qua cửa’, chứ đâu để ý đến thủ tục cầu hôn rườm rà”, anh Hoàng cho biết.
Nhẫn kim cương là một trong những vật đính ước lý tưởng cho các cặp đôi. |
Có thể nói, việc cầu hôn dù là một trong những nhu cầu chính đáng của phụ nữ để ghi dấu chặng đường mới, phần nào đó vẫn chưa được phổ biến và xem trọng ở Việt Nam. Dù vậy, không thể phủ nhận khoảnh khắc người đàn ông quỳ gối, lồng chiếc nhẫn vào tay người phụ nữ họ yêu sẽ là giây phút thiêng liêng, đáng nhớ nhất cho hành trình yêu của cặp đôi. Những chiếc nhẫn kim cương PNJ với thiết kế tinh xảo, sang trọng được xem là sự lựa chọn lý tưởng để trở thành vật đính ước, đánh dấu khoảnh khắc đáng nhớ cho nhiều cặp đôi Việt.
Zing phối hợp cùng PNJ thực hiện tuyến nội dung “Trao nhau khoảnh khắc - Ghi dấu một đời” nhằm đưa đến góc nhìn và quan điểm của người Việt đối với khoảnh khắc cầu hôn.
Cầu hôn là khoảnh khắc ghi dấu một đời, mở ra hành trình hôn nhân bền vững mà một người đàn ông chân thành, trách nhiệm dành cho người phụ nữ của họ. Hãy cùng PNJ ghi dấu khoảnh khắc với một khởi đầu đẹp và ý nghĩa nhất qua tuyến bài “Trao nhau khoảnh khắc - Ghi dấu một đời” này nhé. Để tìm hiểu thêm thông tin về PNJ, độc giả truy cập https://www.pnj.com.vn/