Gánh nặng của con cả trong gia đình là chủ đề không chỉ giới hạn ở phạm vi Hàn Quốc. Đó là vấn đề được nghiên cứu bởi các nhà tâm lý học trên toàn thế giới, theo Korea Herald.
Tuy nhiên, trong một xã hội mà những tập tục gia trưởng đã ăn sâu trong quá khứ liên tục xung đột với các giá trị hiện đại về bình đẳng giới và chủ nghĩa cá nhân, dường như nhiều cô con gái đầu lòng ở xứ kim chi nhận ra rằng họ cần đặt bản thân lên hàng đầu mà không cảm thấy tội lỗi.
"K-jangneo" là cách họ tự gọi mình, với "jjangneo" nghĩa là đứa con đầu trong tiếng Hàn.
Các bé gái được sinh đầu tiên trong gia đình xứ củ sâm thường phải hy sinh nhiều hơn những thành viên còn lại. Ảnh: Cup of Jo. |
Áp lực vô hình
Có một câu ngạn ngữ cổ của Hàn Quốc cho rằng “con gái lớn là nền tảng sinh kế của gia đình”. Bề ngoài, đó có vẻ là một lời khen thật thà dành cho các chị cả. Nhưng ẩn sâu bên trong, đây lại là một câu chuyện về sự hy sinh và phân biệt đối xử.
“Trước đây, các bé gái được sinh đầu tiên trong một gia đình Hàn Quốc luôn phải giúp mẹ làm việc nhà và lao động tại nhà máy để kiếm tiền gửi anh chị em của mình vào đại học. Thế nhưng, họ không được hưởng nền giáo dục và cơ hội như nhau”, Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý học pháp y, cho biết.
Cô đề cập đến xu hướng gửi con gái đến các nhà máy dệt vải và làm tóc giả thay vì đi học từ những năm 1960 - 1980 khi lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này.
Theo hãng tin địa phương Hankook Ilbo, khoảng 70% trong số 30.000 nữ công nhân tại xí nghiệp may ở khu vực Dongdaemun (Seoul) vào những năm 1960 đã không tốt nghiệp tiểu học. Hơn 80% lực lượng lao động tại đó ở độ tuổi 10 và 20.
“Các cô con gái lớn không bao giờ có thể thoát khỏi áp lực mà họ đang gánh vác trong gia đình”, Lee nói thêm.
Những cô con gái đầu lòng thường thực hiện ước mơ của mình vì phải ưu tiên chăm lo gia đình trước. Ảnh: Korea Times. |
Trách nhiệm là một từ khóa phổ biến với các nhân vật là con cả được khắc họa trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Họ thường bị buộc phải trưởng thành quá nhanh và chăm sóc đàn em của mình thay cho cha mẹ bận rộn hoặc vắng mặt.
Hong Seol, nữ chính của bộ phim "Cheese in the Trap" (sản xuất năm 2016) cũng do Kim Go-eun thủ vai, phải nghỉ học đại học và vật lộn để kiếm được học bổng vì cha mẹ cô chỉ hỗ trợ tài chính cho em trai.
Cuộc sống của Ahn Young-yi, một nhân viên văn phòng xinh xắn và tài năng trong “Misaeng: Incomplete Life” (năm 2014) của đài tvN, mệt mỏi từng ngày vì bị người cha liên tục cằn nhằn, yêu cầu cô trả hết nợ cho ông.
Các tác phẩm truyền hình có thể không miêu tả chính xác thực tế. Nhưng nó cũng phản ánh phần nào hoàn cảnh mà các cô con cả của Hàn Quốc đang gặp phải.
"Nói không với khuôn mẫu cũ"
“Một đặc điểm chung của họ ngoài đời thực là luôn có vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ, nhưng hiếm khi nhận được phần thưởng”, nhà tâm lý học Lee Seul-ki viết qua email.
Khoảnh khắc Lee Yoon-ju (44 tuổi) nhận ra điều đó là cách đây vài năm khi em trai cô - con trai duy nhất trong gia đình - kết hôn.
“Tất cả những gì bố mẹ dành dụm đều được giao cho em ấy vì nó cần mua một căn nhà để lập gia đình. Tôi phụ giúp tiền bạc cho nhà hơn 10 năm và dường như họ không nghĩ rằng tôi có phần nào trong đó. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn là người mua những thứ nhỏ nhặt cho cha mẹ như khẩu trang, mỹ phẩm và giày ấm”, cô than thở.
Lee tự gọi mình là "K-jangneo ngốc nghếch điển hình".
Trách nhiệm giúp đỡ gia đình của chị cả có thể kéo dài đến khi kết hôn. Ảnh: Reuters. |
Như đã thấy trong cách sử dụng thuật ngữ của Lee, "K-jangneo" mang một cảm giác cay đắng được chia sẻ bởi thế hệ con gái đầu lòng mới, những người, trong cuộc hôn nhân của chính họ, tại văn phòng hoặc các lĩnh vực xã hội khác, lên tiếng đòi quyền bình đẳng.
Trên các trang blog, YouTube hoặc hiệu sách địa phương, mọi người dễ dàng tìm thấy nội dung phục vụ cho "K-jangneo", thường chứa những lời khuyên về cách chống lại khuôn mẫu cũ.
Nhà tâm lý học họ Lee cho hay tiêu điểm mới nhất về những người chị cả đã phản ánh sự thay đổi của thời gian: tâm lý ưa thích con trai đã tồn tại hàng thế kỷ của xứ củ sâm mất dần, các gia đình trở nên hạt nhân hơn và con gái đầu lòng có thể bỏ lại vai trò cũ của mình.
“Trước đây, khi chế độ phụ hệ còn phổ biến, nghĩa vụ của con trai lớn là chăm sóc cha mẹ khi họ già đi vì con gái phải hy sinh nhiều việc khác cho đến khi kết hôn. Ngày nay, phụ nữ kiếm được tiền và có thể đảm đương phần này. Nhưng đối với nhiều người, phần thưởng cho sự hy sinh của họ vẫn ít ỏi, ngay cả khi họ đôi khi trở thành trụ cột của gia đình”, Lee nhận định.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.