Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người mang nỗi sợ tình dục

Luôn cảm thấy bản thân không đủ “sạch sẽ”, cô lập bản thân với mọi người là những gì người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục phải chịu đựng mỗi ngày.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục tác động nặng nề đến tâm lý người bệnh. Ảnh: Freepik.

Người phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà. Sau điều trị một năm, chị vẫn không dám quan hệ với chồng vì sợ lây và cảm thấy bản thân không đủ “sạch sẽ”. Qua tư vấn của các bác sĩ, chị dần mở lòng, đủ can đảm để “gần gũi” với chồng. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, chị lại mắc bệnh lậu.

“Có lẽ cả đời này tôi sẽ không bao giờ dám làm chuyện đó nữa”, người phụ nữ ngậm ngùi nói với bác sĩ.

Đây chỉ là một trong số hàng triệu bệnh nhân phải đối mặt với các vấn đề về tinh thần sau khi mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tình huống trên được các bác sĩ chia sẻ tại Hội nghị khoa học Nhiễm khuẩn lây qua tình dục do Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tổ chức đầu tháng 12.

Ám ảnh tâm lý

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có hơn 1 triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), phần lớn trong số này không có triệu chứng.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, tính riêng năm 2023, tổng số lượt khám bệnh ngoại trú là 768.836 lượt, trong đó, 75.037 lượt khám liên quan đến nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chiếm khoảng 10% tổng số.

TS.BS Hoàng Thị Hoạt, khoa Da liễu và Bỏng, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng STIs thường được coi là “bệnh xã hội”, gây tác động lớn đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy xấu hổ, lo lắng, tự cô lập, sợ bị từ chối.

Một khảo sát trên 250 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tình dục cho thấy có 34% trong số đó có bệnh lý về mặt tinh thần. Cụ thể, cảm giác lo âu chiếm 11,2%; trầm cảm chiếm 8,4%; lạm dụng chất chiếm 6,8%; rối loạn chức năng tình dục chiếm 6,8%...

Không riêng người mắc bệnh, nhiều người dân khi có xét nghiệm HPV dương tính hoặc chỉ đến tầm soát các bệnh STIs cũng đã có biểu hiện tự ti, kỳ thị xã hội, thổ thẹn.

Theo TS Hoạt, sự kỳ thị của xã hội là yếu tố góp phần gây ra cảm giác đau khổ về mặt tâm lý ở người bệnh. Bên cạnh đó, tâm lý này cũng xuất phát từ cảm giác lo ngại lây nhiễm cho bạn tình. Sự không chắc chắn về tương lai, sức khỏe lâu dài cũng như kết quả điều trị cũng là một trở ngại mà người bệnh buộc phải vượt qua.

“Người nhiễm các STIs thường có cảm giác ghê tởm chính bản thân mình. Thậm chí, không ít người mắc bệnh trầm cảm nhưng không nhận ra”, TS Hoạt cho biết thêm.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Châu Quốc Khánh, phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, một trong những vấn đề về tâm lý lớn và lâu dài nhất mà người bệnh STIs phải đối mặt chính là rối loạn chức năng tình dục.

Ở nam giới, rối loạn chức năng tình dục sẽ có các biểu hiện giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm. Nữ giới sẽ xuất hiện triệu chứng giảm ham muốn, không đạt cực khoái, đau vùng chậu, âm đạo.

“Những sang thương luôn để lại trên bệnh nhân các hình ảnh xấu, khiến họ tự ti, mặc cảm về cơ thể, gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần bệnh nhân”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Luôn cảm thấy bản thân mắc bệnh

Một trường hợp khác là người đàn ông mắc bệnh mắc sùi mào gà. Dù đã khỏi bệnh, ông vẫn thường xuyên đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM yêu cầu bác sĩ thực hiện kiểm tra vì cảm thấy bản thân còn bệnh. Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, người bệnh cũng tìm mọi cách để hạn chế tiếp xúc với người nhà như giặt đồ riêng, đắp chăn riêng.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Nhật Nguyên, biểu hiện của người bệnh trên được gọi là Hypochondria, một chứng rối loạn lo sợ bệnh tật không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng điển hình của Hypochondria chính là bệnh nhân có thể không mắc bất cứ tình trạng y khoa nào nhưng vẫn cảm thấy bản thân mắc bệnh nặng. Họ đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu hoặc lo lắng dữ dội về việc có bệnh nhưng không được bác sĩ chẩn đoán.

Rối loạn lo sợ bệnh tật chiếm 0,1% ở dân số chung và 0,75% bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Đối với một số bệnh lý lây qua đường tình dục phổ biến như mụn cơm sinh dục, giang mai, bệnh lậu, người bệnh mắc Hypochondria càng nhiều.

Thường gặp nhất là ở tuổi vị thành niên, người không có nghề nghiệp và trình độ học vấn không cao. Tình trạng này có thể bắt gặp ở cả nam lẫn nữ và có thể tiến triển nặng hơn theo tuổi.

Người bệnh có thể biểu hiện thông qua hai dạng: Tìm kiếm điều trị và tránh né điều trị. Đối với người bệnh tìm kiếm điều trị, dù các chỉ số đều về âm tính, thế nhưng, người bệnh nhân luôn nghĩ bản thân mắc bệnh và loay hoay tìm kiếm giải pháp. Ngược lại, người né tránh điều trị thường xuyên từ chối việc làm các xét nghiệm, kiểm tra vì lo sợ sẽ phát hiện bệnh.

Theo bác sĩ Nguyên, để đối phó với các vấn đề tâm lý khi mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bên cạnh việc tìm đến các bác sĩ da liễu, người bệnh cũng cần sự phối hợp giúp đỡ từ bác sĩ tâm thần cũng như chuyên gia tâm lý.

Quan trọng hơn, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, hiểu rõ về mô hình lây nhiễm của loại bệnh mình mắc phải để tránh những lo lắng không cần thiết.

Tại sao tình dục lại thú vị

Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.

Nam thanh niên ở TP.HCM mắc giang mai ở mắt

Nam thanh niên có cảm giác chói mắt và đau quanh mắt, sau đó thì không nhìn thấy rõ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc giang mai.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm