Đám đông vây kín gây náo loạn sân bay, cản đường di chuyển của xe chở các nhóm nhạc, làm lực lượng an ninh bất lực. Thậm chí, để tỏ lòng yêu mến, có bạn còn... ôm hôn chiếc ghế thần tượng ngồi.
Nhiều bình luận trên các diễn đàn chê trách các bạn trẻ là thái quá. Như bạn Thành Duy bình luận: “Làm quá khiến các ca sĩ nước ngoài coi thường người Việt Nam”.
Minh Thu (du học sinh Hoa Kỳ) nhận xét: “Hâm mộ thần tượng là nguyện làm mọi điều tốt nhất cho họ. Nhưng yêu đến nỗi chen lấn khiến họ phải bỏ chạy, cản đường xe thì quá khó hiểu”.
Bà Dương Thùy Mai (quận 3, TP HCM) nói: “Ngày xưa chúng tôi cũng có thần tượng nhưng không biểu lộ như bây giờ. Khi gặp họ thì xin chữ ký, tặng hoa, không có những biểu hiện quá khích”.
Chen lấn, gào thét tên thần tượng đến mệt lả. |
Nên tôn trọng sở thích người khác
Song, ở khía cạnh khác, nhiều bạn trẻ nói rằng thần tượng ai đó không có gì là xấu. Mai Phương (phường 13, Tân Bình, TP HCM) nêu ý kiến: “Tôi cũng có thần tượng, không chỉ một mà nhiều người”. Phương cho biết, các thần tượng của bạn xuất hiện trong lĩnh vực học tập và giải trí.
“Trong ca nhạc tôi hâm mộ một số nhóm nhạc K-pop vì họ hát hay. Tôi nghĩ, việc thần tượng không xấu, nó giúp tôi đặt ra những mục tiêu học tập và cố gắng đạt được để chứng tỏ với bố mẹ mình rằng, dù tôi có nhiều thần tượng nhưng vẫn học tốt” - Phương nhấn mạnh.
Đồng ý với Mai Phương, Anh Thy (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) chia sẻ: “Mình yêu nhóm nhạc Hàn Quốc DBSK từ năm lớp 8, đến nay là sinh viên năm hai. Để có được tấm vé đi xem họ biểu diễn, mình phải tiết kiệm và cố gắng đạt điểm cao”.
Theo Mai Phương, mọi người nên có góc nhìn thoáng hơn với hiện tượng giới trẻ hò hét, phấn khích khi thấy thần tượng.
Phương cho rằng, mỗi người đều có những lúc bộc lộ cảm xúc phấn khích. Trường hợp hôn ghế mang tính tiêu cực, tuy nhiên, đây là tình huống hiếm gặp. “Nếu để ý, bạn sẽ thấy đó chỉ là số ít trong những người hâm mộ nói chung” - Phương cho hay.
"Mọi người nên tôn trọng sở thích của người khác. Bạn có thể thích thần tượng ở Nhật, Trung Quốc, Thái Lan... thì vì sao chúng tôi không thể thích nghệ sĩ Hàn Quốc? Không nên lên án việc hâm mộ thần tượng là xấu vì nếu nó xấu thì tự thân nó đã không thể lan tỏa đến các quốc gia khác” - Phương nói.
Thần tượng là động lựcPhó giáo sư Văn Như Cương (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) nói: “Ai cũng có thần tượng, ví dụ sẽ có người hâm mộ ông Lý Quang Diệu vì những việc làm, cống hiến của ông. Riêng tôi, tôi từng thần tượng Chủ tịch Fidel Castro và tổng thống Putin”.
"Mỗi thời, mỗi người có một thần tượng khác nhau, chỉ là họ không thể hiện ra. Sau mỗi giai đoạn, thần tượng trong mỗi người có thể thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh", PGS Cương chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Minh Huệ tâm sự: “Thời học sinh thì thần tượng của mình là các thầy cô, đi làm thì hâm mộ chuyên gia, thậm chí là những tác giả của sách về chuyên ngành bản thân thường đọc. Tất nhiên, mình yêu mến họ không đến mức mù quáng để mất kiểm soát”.
“Thời cấp 3 tôi từng ngưỡng mộ một người thầy tâm lý học. Chính người thầy này là động lực để tôi theo đuổi ước mơ” - thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.
Thạc sĩ Hòa An cho biết các bạn ở lứa tuổi cấp 2 bắt đầu có những thần tượng của riêng mình. Đó là những người có tài năng, ưu điểm đặc biệt.
"Có những em sưu tầm hình ảnh, đoạn video clip của thần tượng và để khắp ở căn phòng của mình. Độ tuổi nhỏ thì có những người nổi tiếng, trong giới showbiz, có vẻ đẹp, có bài hát hay. Lớn lên thì thần tượng chuyển từ nhu cầu giải trí sang lĩnh vực mà họ quan tâm", thạc sĩ Hoà An nói.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ định nghĩa: “Thần tượng là một người cụ thể có những tố chất, thành tích mà người khác cảm phục và mong muốn có được như họ. Mỗi người sẽ có định nghĩa, đánh giá về thần tượng khác nhau. Chung quy, họ là đích mỗi người phấn đấu hướng đến”.
Một fan nữ ngất xỉu được lực lượng bảo vệ đưa ra ngoài. |
Phải công bằng với bạn trẻ
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An cho rằng, xét về góc độ tâm lý học thì trong giai đoạn tuổi trẻ, ai cũng có nguồn năng lượng dồi dào trong cơ thể mình, ước mơ gặp được thần tượng của mình quá lớn, nhưng cơ hội được gặp thần tượng lại rất là nhỏ làm cho các bạn có những phản ứng thái quá.
"Về giai đoạn độ tuổi thì nó là biểu hiện rất bình thường. Có nghĩa là nó đặc trưng cho tuổi trẻ. Khi bước qua giai đoạn này chúng ta sẽ không bắt gặp được hình ảnh như vậy nữa", Thạc sĩ An nói.
Chuyên gia tâm lý Minh Huệ phân tích: “Nếu chỉ nhìn vào các bạn trẻ hâm mộ ngôi sao trong làng giải trí mà cho là đua đòi thì chưa phù hợp. Phải công bằng hơn với bạn trẻ".
Bà Minh Huệ nói thêm: "Phải xác định các hình ảnh thần tượng đó là những người lao động cật lực cho nghệ thuật và đạt được những thành tựu lớn thì điều đó hoàn toàn tốt”.
"Chúng ta cần quan tâm giới trẻ học và làm được gì từ thần tượng của mình. Riêng các bạn trẻ nên tỉnh táo để xác định đó có phải thần tượng hay chỉ vì người khác thích thì mình cũng đua theo", bà Minh Huệ nói.