Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gắp 60 con giun đũa trong ruột của bé 4 tuổi

Trẻ được đưa vào bệnh viện trong thể trạng còi cọc, da mẩn ngứa vì nhiều nốt sẩn, đau bụng nhiều kèm nôn mửa.

Búi giun 60 con được gắp ra từ cơ thể bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam.

Đại diện Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho hay thời gian gần đây, đơn vị này liên tục tiếp nhận nhiều trẻ đến khám, cấp cứu liên quan đến đau bụng do giun.

Gần đây nhất, bé H.Q.B. (4 tuổi, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng nôn mửa nhiều, đau bụng từng cơn, bụng chướng căng, đi cầu phân lỏng, thể trạng còi cọc, da nổi nhiều nốt sần, mẩn ngứa.

Tại đây, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm, bé B. được phát hiện có giun ký sinh trong các quai ruột, được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để gắp giun. Ca mổ kéo dài trong một giờ. Các bác sĩ gắp được 60 con giun đũa ra khỏi đường ruột bệnh nhi.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, người trực tiếp phẫu thuật gắp giun cho bé H., triệu chứng đau bụng do nhiễm giun có những dấu hiệu đặc trưng, khác vỡi những cơn đau bụng thông thường.

"Cơn đau có thể phát triển thành từng cơn quanh rốn kèm theo biểu hiện buồn nôn, có cảm giác lợm giọng. Đặc biệt, người bệnh khi đói sẽ đau nhiều hơn ở cả thượng vị và bụng dưới cùng với các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, chán ăn, rối loạn tiêu hoá…", bác sĩ Sơn phân biệt.

Ông cho hay nguyên nhân chính khiến giun sán dễ dàng xâm nhập và ký sinh trong cơ thể, khiến người bệnh bị nhiễm giun và đau bụng do giun là thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh như ăn thức ăn chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi, không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn…

Ngoài ra, những người sống ở khu vực nông thôn thường có nguy cơ nhiễm giun cao hơn do thường xuyên tiếp xúc đất ẩm, ăn rau sống, tắm nước sông...

Bác sĩ Sơn nhấn mạnh ở trẻ nhỏ, việc dự phòng nhiễm giun là rất cần thiết và rất quan trọng. Trẻ em hay người lớn đều cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần và sử dụng thuốc tẩy giun theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, mọi người cũng cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; xây dựng thói quen ăn chín, uống sôi; rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, sau khi sử dụng đồ chơi; khi tiếp xúc với đất ẩm cần đi giày, dép, mang găng tay.

Khi nghi ngờ có những biểu hiện của nhiễm giun, sán, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám kịp thời.

Cuốn sách "Câu chuyện nơ hồng" được viết dựa trên những nhân vật có thật - những người đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú trong thời gian dài. Ở đây, độc giả có thể cảm nhận được thách thức, khó khăn của những người bệnh ung thư nhưng họ vẫn vượt qua nghịch cảnh để sống vui vẻ, viết lên câu chuyện nơ hồng cho chính họ và cuộc đời của họ.

Hoại tử da thịt trong một ngày vì đi chân trần lội nước

Người đàn ông đi chân trần lội nước bẩn (bùn), chỉ một ngày sau, cẳng chân phải đau nhức, sưng đỏ và vùng da tổn thương lan nhanh lên tới đùi.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm