Khoảng 35 giáo viên, nhân viên cấp dưỡng trường Mầm non Ánh Dương (thị trấn Ngãi Giao) đã có buổi gặp gỡ, đối thoại cùng ông Nguyễn Tấn Bản - Chủ tịch UBND huyện Châu Đức - vào chiều muộn ngày 17/9.
Trước đó, sau khi những thông tin về “suất cơm của giáo viên mầm non 30.000 đồng nhưng chỉ có 2 miếng chả” lan truyền trên mạng xã hội, nhiều cô giáo tại trường đã làm đơn gửi chủ tịch huyện Châu Đức với mong muốn được đối thoại để nói lên những bức xúc, tâm tư của mình.
Tập thể giáo viên, nhân viên cấp dưỡng trường Mầm non Ánh Dương đối thoại cùng chủ tịch huyện Châu Đức. Ảnh: VietNamNet. |
Trong cuộc gặp gỡ, nhiều giáo viên và nhân viên không khỏi xúc động, bật khóc và khẳng định hình ảnh khay cơm lan truyền trên mạng xã hội là chính xác. Theo họ, việc suất ăn ít ỏi đã diễn ra trong thời gian dài, từ khi trường có hiệu trưởng mới là cô P.T.H.H.
“Đến khoảng tháng 9/2023, trường bắt đầu tổ chức ăn tập thể, mỗi người đóng 30.000 đồng/suất ăn bán trú. Thời gian đầu, suất ăn còn tạm được nhưng càng về sau càng tệ khi ngoài cơm trắng chỉ có một món chính nhưng rất ít, đỉnh điểm là đầu tháng 9 vừa qua. Thực sự nhìn khay cơm, ai cũng nghẹn ngào", một giáo viên chia sẻ.
Theo các giáo viên và nhân viên cấp dưỡng, sự việc kéo dài nhưng họ không dám lên tiếng vì sợ bị trù dập hay mất việc. Trong khi đó, một số giáo viên là tổ phó cho hay đã từng có ý kiến với hiệu trưởng, song không được chấp nhận.
“Từ việc lên thực đơn, đi chợ và nấu ăn đều phải tuân theo chỉ đạo của hiệu trưởng. Thực sự, có những món ăn mà chúng tôi không nghĩ tới nhưng buộc phải nấu theo, nếu không sẽ bị làm khó. Ai cũng vì miếng cơm manh áo, không làm khác được”, một nhân viên cấp dưỡng nói.
Cũng theo những người tham dự cuộc gặp gỡ, sau khi báo chí phản ánh sự việc và lãnh đạo huyện chỉ đạo xác minh, ngay trong tối 15/9 vừa qua, phía trường đã chuyển trả lại khoản tiền ăn đã đóng trước đó, trừ đi 5 ngày đầu của tháng. Đồng thời, trường thông báo chuyển sang đặt cơm bên ngoài.
Ông Nguyễn Tấn Bản - Chủ tịch UBND huyện Châu Đức. Ảnh: VietNamNet. |
Những bức xúc dồn nén trong thời gian qua cũng được giáo viên, nhân viên nhà trường chia sẻ với chủ tịch huyện. Đó là những vấn đề giữa giáo viên với hiệu trưởng, các khoản tài chính không được công khai, quá trình làm việc ngoài giờ, công việc nặng nhọc tại trường…
Cuối cùng, họ mong muốn qua buổi gặp gỡ này, các cấp lãnh đạo huyện sớm quan tâm, vào cuộc làm rõ. Trong trường hợp không được giải quyết đúng mức, họ nêu nguyện vọng được đồng loạt chuyển trường.
Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Bản đã thay mặt UBND huyện Châu Đức gửi lời xin lỗi đến tập thể giáo viên, nhân viên trường vì đã không kịp thời phát hiện sự việc khiến họ phải chịu đựng trong thời gian dài. Ông Bản ghi nhận những ý kiến được nêu ra, đồng thời cam kết sẽ quyết liệt trong xác minh, xử lý vụ việc và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan.
“Tôi giao Phòng Nội vụ chủ trì, tham mưu thành lập đoàn để thanh tra toàn diện trường Mầm non Ánh Dương từ thời điểm cô P.T.H.H. về làm hiệu trưởng. UBND huyện Châu Đức sẽ cung cấp kết quả xử lý vụ việc này trong thời gian sớm nhất”, ông Bản khẳng định.
Trao đổi với PV VietNamNet vào sáng nay (18/9), ông Nguyễn Tấn Bản cho biết vừa ký ban hành văn bản cung cấp số điện thoại đường dây nóng (0889886262) và địa chỉ email (thuhang191@gmail.com) để tiếp nhận phản ánh nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề tiêu cực, hạn chế, yếu kém… liên quan đến lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Châu Đức.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.