Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp gỡ 6 cựu du học sinh New Zealand sở hữu thành tích nổi bật

Giải thưởng “New Zealand Outstanding Alumni Award” tôn vinh thành tích, nỗ lực của 6 cựu du học sinh trong hành trình phát triển, khẳng định bản thân ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.

Ngày 26/11, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán New Zealand tổ chức lễ vinh danh “New Zealand Outstanding Alumni Award” dành cho các cựu du học sinh New Zealand nổi bật năm 2020.

Sau khi thụ hưởng nền giáo dục tiêu chuẩn thế giới của xứ sở Kiwi, 6 cá nhân ưu tú này đã trở về cống hiến cho quê hương, gặt hái thành công trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.

Thụ hưởng kiến thức đa dạng, được tạo điều kiện tối đa

Là một trong 6 cựu du học sinh New Zealand được vinh danh, chị Lê Thị Mỹ Hạnh - Đại diện quốc gia, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu GGGI - kể lại quá trình học tập đa dạng tại New Zealand, nơi chị được tạo điều kiện để phát triển các thế mạnh của bản thân.

ENZ anh 1

Chị Hạnh chuyển hướng phát triển từ lĩnh vực tài chính sang bảo vệ môi trường.

Chị cho biết: "Ban đầu, tôi theo học ngành tài chính, kinh tế, sử dụng các công cụ kinh tế để điều tiết nền kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Tôi đã sử dụng kiến thức cùng các công cụ này để điều tiết và thay đổi hành vi của người tiêu dùng nhằm đạt được mục đích và chính sách của chính phủ".

Sau đó, chị quyết định chuyển hướng và học thêm về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chị giải thích lý do: “Việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã ăn sâu trong ý thức của những người sống tại New Zealand. Thiên nhiên nơi đây rất đẹp, con người đều có ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tôi lớn lên trong thời kỳ đổi mới với tâm huyết có thể đem kiến thức của mình hỗ trợ Việt Nam và các nước đang phát triển”.

Những tâm huyết của chị dần trở thành hiện thực khi Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu GGGI đã và đang hỗ trợ đưa ra các chính sách để thúc đẩy Việt Nam giới thiệu nhiều dự án xanh như năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải… Bên cạnh đó, tổ chức này cũng hỗ trợ tư vấn xây dựng báo cáo, mô hình tài chính để doanh nghiệp và các chủ dự án xanh thu hút giới đầu tư.

Một gương mặt khác cũng có con đường học tập đa lĩnh vực như chị Hạnh là anh Nguyễn Minh Dũng - Bếp trưởng tại Mia Saigon Luxury Boutique Hotel, người sáng lập Công ty Tư vấn Coco Consulting Limited tại Auckland, New Zealand. Anh chia sẻ mình đi học chứng chỉ kinh doanh, đỗ vào Đại học Auckland ngành dược rồi quyết định rẽ hướng học nấu ăn theo tiếng gọi của đam mê.

Anh kể lại: “Có lần giáo sư trong trường từng là đầu bếp ở Anh hỏi tại sao tôi lại đam mê nấu ăn, tôi trả lời đó là vì đam mê cuộc sống. Giáo sư mới hỏi tôi có muốn đi giảng dạy không, vì có những lúc tôi hỗ trợ thầy giảng lại bài cho các bạn trong lớp bằng ngôn ngữ dễ hiểu từ kiến thức, trải nghiệm khi đi làm. Sau đó, tôi được làm trợ giảng và giáo sư đề nghị tôi học lên tiến sĩ. Tại New Zealand, tôi tốt nghiệp 2 bằng đại học trong 3 năm. Nơi đây dạy cho tôi dám nghĩ dám làm, dám nghĩ đến những điều không thể tưởng tượng, những điều to tát để thử thách và liên tục đẩy cao giới hạn của bản thân”.

Học hỏi kỹ năng để áp dụng suốt đời

Ngoài kho tàng kiến thức đồ sộ, nền giáo dục New Zealand còn được nhiều bạn trẻ yêu thích khi đào tạo các kỹ năng cần thiết và mở ra hàng loạt trải nghiệm thú vị cho học sinh, sinh viên trong suốt những năm tháng trên giảng đường.

Anh Lê Bá An Bình, một trong 6 sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận học bổng Chính phủ New Zealand (NZS) vào năm 2000, cũng là một trong 6 cá nhân ưu tú nhận được giải thưởng vinh danh từ ENZ. Hiện tại, anh giữ vai trò là Giám đốc điều hành nền tảng tiếp thị di động Adtima.

Theo anh Bình, kỹ năng quan trọng nhất anh học được tại New Zealand là tư duy phản biện, luôn khuyến khích người học đặt câu hỏi tại sao, ngay cả với các kiến thức được chia sẻ từ giáo sư, giảng viên.

Anh Bình nhớ trong buổi học đầu tiên, giáo sư đứng lớp đã giới thiệu: “Tôi không phải là thầy của các bạn, đơn giản tôi chỉ là người học và làm trước các bạn vài năm, nên kiến thức của tôi có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời bởi chính các bạn. Vì vậy đừng ngần ngại thử thách mọi kiến thức mà chúng ta học ở đây”. Với anh Bình, đó là một góc nhìn rất mới khi thường giáo dục ở nhiều quốc gia vẫn là một chiều cho nhận.

Kỹ năng quan trọng thứ hai là tư duy hệ thống - cách nhìn và tối ưu hóa toàn cục thay vì chỉ nhìn vào một vài thành phần quan trọng nhất. Đây cũng điều anh Bình học được nhiều nhất trong 4 năm đào tạo chuyên ngành Khoa học máy tính.

“Bản chất ngành nghề nào cũng cần đến tư duy hệ thống. Cho dù bạn làm công việc nào, phòng ban nào, bạn cũng cần biết tư duy và tác động đúng cách, nhằm mang về kết quả tốt nhất cho toàn doanh nghiệp”, anh khẳng định.

Bài học thực tiễn từ giáo dục New Zealand

Còn với chị Nguyễn Bảo Trâm - Phó chủ tịch Chiến lược và Kế hoạch tăng trưởng người dùng tại Lazada Việt Nam, chị dùng từ “thực tiễn” để miêu tả về nền giáo dục tại đất nước Kiwi.

Chị kể: “Tôi từng được học môn High Performance Team nói về việc quản lý những người đồng cấp trong công ty, cũng quan trọng không kém việc sếp quản lý nhân viên. Chúng tôi được học không phải trong lớp, mà trong bối cảnh là hồ tự nhiên Takapuna xinh đẹp ở ngoại ô Auckland”.

Bài học đầu tiên của chị là thử thách nhảy xuống hồ sâu 3 m dưới thời tiết 12 độ C của mùa chớm thu lúc 18h. Bài học này để thử thách lòng can đảm phải có của các sinh viên MBA - người được đào tạo giữ các chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp.

“Sau thử thách này, bài học rút ra cho chúng tôi là trong bất kỳ thử thách, hoàn cảnh khó khăn nào, người quản lý phải luôn can đảm và quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình”, chị đúc rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn.

Bài học tiếp theo chị phải trải qua là chèo thuyền kayak trên hồ sau khi được hướng dẫn cách chèo trên cạn, mỗi đội 8 người.

“Nhìn có vẻ dễ nhưng thực tế ở trên hồ và giữ cho thuyền thăng bằng, lèo lái đưa thuyền về đích thực sự khó. Chúng tôi phải thảo luận rất nhanh trên thuyền để liên tục đổi chiến thuật, cũng như nhận biết và tận dụng điểm mạnh của mỗi thành viên để phối hợp hiệu quả với nhau vì mục tiêu chung. Trải nghiệm này giống hoạt động của doanh nghiệp, nơi các bộ phận khác nhau phải biết phối hợp chặt chẽ, đồng lòng, chung sức mới vượt qua trở ngại để phát triển vững mạnh”, những câu chuyện vừa là bài học, vừa là trải nghiệm đáng nhớ đồng hành cùng chị Trâm trong suốt hành trình phát triển sự nghiệp về sau.

Khắc sâu trong tâm trí về sự tử tế của con người

Khi được hỏi về những năm tháng du học, anh Nguyễn Quang Đạt - cựu du học sinh New Zealand trở thành cơ trưởng ở tuổi 23 tại Pacific Airlines - lại ấn tượng nhất về sử tử tế của con người Kiwi.

Anh chia sẻ: “Tôi từng đi nhiều nơi trên thế giới, người dân New Zealand nằm trong số những người thân thiện và mến khách nhất tôi từng gặp. Với một cậu bé 19 tuổi lần đầu đi du học, sự tử tế của con người nơi đây là điều tới giờ tôi vẫn cảm thấy biết ơn. Sự tử tế ấy đã giúp giảm đi nhiều khó khăn mà tôi gặp phải trong quá trình huấn luyện”.

Anh Đạt cũng dành niềm trân trọng tới sự huấn luyện và dạy dỗ “tử tế” từ các giáo viên nơi đây.

“Hiện tại, tôi cũng là một giáo viên và tôi hiểu một người cần nhiều điều để có thể trở thành người thầy giỏi. Sự phấn đấu để làm công việc ấy theo cách “tử tế” là một trong những điều quan trọng bậc nhất”, anh cho biết.

Trong khi đó, chị Trịnh Thị Thúy Liên - Nghiên cứu sinh tiến sĩ, khoa Giáo dục và Giáo dục sau đại học, Đại học Otago - lại cho rằng quãng thời gian sinh sống và học tập tại New Zealand đã ảnh hưởng nhiều tới phong cách sống, cách kết nối với mọi người xung quanh và cách xử lý công việc của chị.

Chị kể lại: “Điều tôi học được nhiều nhất là tình người, sự khiêm tốn giản dị, sự cầu toàn và sáng tạo trong công việc của người Kiwi. Người Kiwi chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này rất quan trong đối với các nghiên cứu sinh, sinh viên cao học khi họ có gia đình".

Cụ thể, trường đại học và thầy cô hướng dẫn cảm thông với diễn biến tâm lý của những sinh viên học chương trình sau đại học. Họ cùng đồng hành với sinh viên, đặc biệt sinh viên quốc tế, để những sinh viên này hoàn thành khóa học mà vẫn có thể dành thời gian cho gia đình. Tôi đã học được từ họ cách phân bổ thứ tự ưu tiên trong công việc và cuộc sống”.

Nhận xét về 6 gương mặt ưu tú nhận giải thưởng vì những thành tựu nổi bật và đóng góp cho quê hương, ông Ben Burrowes - Giám đốc khu vực Đông Á của ENZ - cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về các cựu du học sinh, đồng thời vui mừng khi nhận thấy những giá trị tích cực mà trải nghiệm du học tại New Zealand đã mang lại cho sự nghiệp và cuộc sống của họ.

Họ là những đại diện xuất sắc của tư duy ‘Think New’ của New Zealand với các phẩm chất nổi bật như luôn phát triển, không ngừng học hỏi, thích ứng để phát triển trong một thế giới không ngừng thay đổi và được chuẩn bị sẵn sàng để kiến tạo tương lai”.

New Zealand hiện là quốc gia sở hữu nền giáo dục đẳng cấp thế giới:

- Quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.

- Cả 8 trường đại học đều nằm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới.

- Cơ hội visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.

Để tìm hiểu thêm về giáo dục New Zealand và tra cứu các ngành học tại các trường cụ thể, độc giả truy cập tại đây.

Hà Minh

Ảnh: Thuận Thắng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm