Ngày 12/1, thạc sĩ, bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết đơn vị này cấp cứu cho bé P.H.A. (5 tuổi, ngụ tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị kẹt dị vật trong âm đạo.
Gia đình bệnh nhi cho biết cách nhập viện một giờ, người nhà thấy bé cầm chơi mặt dây chuyền. Sau đó, bé đột nhiên khóc lên, vùng âm đạo rỉ ít máu đỏ tươi. Bé kêu đau khi đi tiểu và quấy khóc liên tục nên người nhà cho con đến bệnh viện.
Dị vật là mặt dây chuyền được các bác sĩ lấy ra ngoài. Ảnh: BVCC. |
Theo bác sĩ Thanh, thời điểm nhập viện, vùng âm đạo của bé không còn chảy máu nhưng bị trầy xước nhẹ. Các bác sĩ chụp phim X-quang vùng bụng chậu và phát hiện dị vật cản quang vùng tiểu khung dạng mặt dây chuyền.
Thám sát thấy vùng tiền đình và màng trinh, các bác sĩ ghi nhận khu vực này bị trầy xước. Dị vật nằm sâu trong âm đạo khoảng 3-4 cm không làm rách màng trinh. Sau 30 phút, các bác sĩ dùng dụng cụ gắp dị vật ra ngoài, khéo léo không làm tổn thương âm đạo và màng trinh.
Theo các nghiên cứu, kẹt dị vật là một trong những cấp cứu điển hình ở trẻ em, thường gặp nhất là dị vật tiêu hóa, chiếm 80-90% ca nhập viện. Đứng thứ 2 là dị vật đường hô hấp, đa phần gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi trẻ bị kẹt dị vật âm đạo, nếu không phát hiện sớm, bé có thể bị chảy dịch, viêm âm đạo, nghiêm trọng hơn, điều này có thể dẫn đến viêm phần phụ ở trẻ em.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên chú ý đến những vật nhỏ, không để gần tầm tay trẻ em, nhất là độ tuổi 3-6. Nếu phát hiện con gặp nạn, người lớn hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu kịp thời.