Sẽ lại vào vai phản diện, nếu được mời
- Sở hữu gương mặt điển trai, thư sinh được nhiều khán giả nhận xét là giống trai Hàn Quốc và đang gây ấn tượng qua nhiều vai chính diện, lý do nào khiến Thanh Sơn nhận vai phản diện Duy trong “Chỉ có thể là yêu”?
- Tôi không nghĩ mình đẹp trai kiểu Hàn Quốc. Nếu đẹp, tôi thích mình đẹp kiểu Việt Nam (cười). Còn về lý do nhận vai phản diện Duy, thú thật, lúc đó tôi nghĩ rất đơn giản. Cơ hội để thể hiện, trải nghiệm và tìm ra dạng vai hợp với bản thân không nhiều, vì thế phải nắm bắt lấy. Thời kỳ sinh viên là khoảng thời gian để thử nghiệm với nhiều dạng vai và tìm cho mình thứ phù hợp nhất.
Thanh Sơn vào vai phản diện trong Chỉ có thể là yêu. Ảnh: Peaceful Eden |
- Vậy sau vai phản diện Duy, tới giờ anh nghĩ mình phù hợp với mô-tuýp nhân vật nào?
- Thú thật, sau vai Duy trong Chỉ có thể là yêu, khán giả yêu mến và chú ý tới tôi hơn. Nhiều người nhận xét, tôi hợp với vai phản diện song chính người hâm mộ lại không muốn tôi hóa thân thành nhân vật ác. Bản thân tôi cũng thế. Khi được khán giả dành tình cảm sau một vai phản diện, tôi lại thấy hơi sợ. Nếu cứ đóng vai phản diện thế này thì chắc không ổn nhưng nếu được mời, tôi vẫn sẽ vào “vai ác” (cười).
- Lần đầu tiên vào vai phản diện, anh nghiền ngẫm và đầu tư thế nào cho nhân vật Duy?
- Vào thời điểm nhận vai Duy, tôi nhớ mình đang xem bộ phim Vượt ngục. Tôi đã xem đi xem lại và chú ý tới các nhân vật rất nhiều. Bởi suy nghĩ lúc đầu của tôi về vai phản diện là sẽ trở thành mấy anh xăm trổ, nuôi râu, cơ bắp, đầu cắt trọc. Nhưng khi đọc kịch bản, tôi mới thấy Duy không phải là nhân vật như thế. Anh ta là tuýp người rất giàu tình cảm, vì quá yêu mà mất đi lý trí. Nhận ra điều đó, tôi lại xem và tham khảo rất nhiều bộ phim tâm lý nước ngoài để có thể khắc họa được tâm lý của một vai phản diện.
Tôi vẫn nhớ, trong buổi quay đầu tiên, đạo diễn Minh Trí đã phải nhắc nhở rất nhiều lần. Nhưng đến buổi quay tiếp theo, tức sau đó một tuần, khi tôi đã hiểu nhân vật và có sự tham khảo, diễn xuất đã tiến bộ rõ rệt. Chính anh Trí cũng không thể ngờ tôi có thể làm tốt đến thế.
- Cảnh quay nào trong phim làm khó Thanh Sơn nhất?
- Đó chính là cảnh bị trói ngược tay lên, người treo lơ lửng và chân chỉ chạm nhẹ vào nền trong nhà kho. Đạo diễn Vũ Minh Trí coi đây là một trong những cảnh “đắt” nhất phim nên rất chú ý cách đặt ánh sáng cho tới góc máy và phải quay đi quay lại nhiều lần. Có thể nói suốt buổi tối hôm đó, chỉ tập trung quay cảnh tôi bị đánh. Nhiệm vụ của tôi không nhiều, chỉ là bị treo và “lắc lư” nhưng cảm giác lúc đó rất là đau vì tay bị trói lên cao. Mỗi lần được hạ xuống tôi có cảm giác như được sống lại. Cuối cùng, tôi quyết định để các võ sư đánh thật sự. Thà một lần đau mà cảnh quay đạt được hiệu quả tốt nhất và không bị treo lên tháo xuống nữa vẫn hơn. Quả nhiên, khi lên phim, cảnh quay đã gây được ấn tượng cho khán giả.
Không có chuyện được giao vai vì điển trai
- Ngoài “Chỉ có thể là yêu”, khán giả còn gặp Sơn trong “Chạm tay vào nỗi nhớ”. Đối với vai diễn lần này, anh đã nghiên cứu, nghiền ngẫm nhân vật thế nào để có bước chuyển mình ấn tượng từ Tài “đơ” thành Tài “không đơ”?
- Trước khi bắt tay vào làm phim Chạm tay vào nỗi nhớ tôi đã nghiền ngẫm kịch bản rất kỹ, đọc đi đọc lại nhiều lần. Bởi nhân vật lần này xuất hiện nhiều hơn, có sự thay đổi nội tâm và được đặt trong một hoàn cảnh đặc biệt. Sau đó, tôi phân chia giai đoạn tâm lý nhân vật, ghi rõ ở tập này nhân vật suy nghĩ thế nào, đến tập bao nhiêu sẽ thay đổi để tránh trường hợp nhầm lẫn tốt xấu. Khi đọc kịch bản, tôi muốn Tài “đơ” phải là một vai diễn thực sự ấn tượng, khác biệt hoàn toàn để không bị lép vế so với những nhân vật khác.
Thanh Sơn chụp ảnh với bạn diễn Baggio trong bộ phim Chạm tay vào nỗi nhớ. Ảnh: Facebook nhân vật |
- Nhiều người nhận xét, sở hữu gương mặt điển trai, vóc dáng cao to nên anh dễ dàng được các đạo diễn chú ý và "đắt show" trong thời điểm vừa qua. Anh thấy ý kiến này thế nào?
- Khi đọc kịch bản Chạm tay vào nỗi nhớ, nếu bạn là đạo diễn, bạn sẽ không chọn diễn viên cao to vào vai Tài “đơ” bởi anh ta là một người chăm học, cù lần, ngây ngô, thậm chí “đơ”. Nhưng cuối cùng tôi vẫn hoàn thành tròn vai nhân vật của mình. Đó có lẽ là lời giải đáp ngắn gọn nhất cho việc liệu có phải tôi được chọn cho vai diễn chỉ vì vẻ bề ngoài hay không.
Dùng cát-xê nuôi sống bản thân là điều bất khả thi
- Nhiều người nói, việc học tập qua trường lớp là lợi thế song cũng là bất lợi đối với người diễn viên. Khi đó, họ không còn cái mộc mạc, chân chất, bản năng như những người tay ngang, thay vào đó, lại sử dụng quá nhiều kỹ thuật khiến vai diễn bị “giả”. Là một diễn viên được đào tạo bài bản, anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Nếu để ý bạn sẽ thấy, tôi rất có duyên đối với những diễn viên tay ngang. Chưa có nữ chính nào tôi đóng cặp cùng là diễn viên chuyên nghiệp, từ bộ phim đầu tiên tôi tham gia là Nếp nhà – đóng cùng Hoài Anh Mango, cho tới Mùi cỏ cháy đóng với chị Yến học nhạc cụ dân tộc hay gần đây là Chỉ có thể là yêu với Linh Phương, Chạm tới vào nỗi nhớ với Diệp Anh và Trang…
Không phải là diễn viên tay ngang mà họ bị lép vế. Khi không được học tập, đào tạo bài bản, họ có một lợi thế là bản năng. Song đó là một con dao hai lưỡi. Nếu gặp vai diễn gần giống ngoài đời, họ sẽ diễn rất tốt. Còn khi gặp những vai diễn hoàn toàn trái ngược với tính cách, diễn viên tay ngang sẽ phải suy nghĩ xem họ phải làm sao để diễn cho đạt vai này. Lúc đó, những người được đào tạo bài bản lại có lợi thế khi có thể biến nhân vật thành của mình và biến mình thành nhân vật.
- Đóng cặp với nhiều hot girl, bạn diễn xinh đẹp, ai là người để lại ấn tượng cho Sơn nhất?
- Có thể nói nữ diễn viên tôi thích đóng cặp nhất chính là Lưu Đê Ly (Ly Balan). Sau Hoa nở trái mùa, tôi và Ly Balan tiếp tục trở thành cặp đôi trên màn ảnh trong bộ phim Viết bản tình ca. Ban đầu, tôi không phải là nam diễn viên đóng cặp cùng Ly. Tuy nhiên, khi đọc kịch bản, cùng với việc thấy bạn diễn ăn ý với mình, tôi đã nói với đạo diễn Vũ Minh Trí: “Em muốn thử sức với vai diễn này. Em muốn đóng cặp với Ly Balan”.
Qua Hoa nở trái mùa, chúng tôi đã hiểu nhau và rất dễ tung hứng. Ly là bạn diễn đầu tiên tôi không phải gọi bằng chị (cười). Tiếp đó, cô ấy là một diễn viên tài năng, cá tính mạnh, diễn xuất thông minh, linh hoạt. Khi diễn với Ly, tôi có cảm giác chúng tôi như hai người bạn, diễn rất thoải mái và dễ chịu.
- Vậy có bao giờ xảy ra chuyện “phim giả tình thật”?
- Chuyện “phim giả tình thật” có lẽ hơi khó, bởi chúng tôi quá hiểu nhau, quá thân nhau nên chỉ có thể coi nhau như những người bạn, đồng nghiệp. Đôi khi, cô ấy như một… thằng bạn của tôi vậy.
Khó có chuyện "phim giả tình thật" với Lưu Đê Ly. Ảnh: Lạ Studio |
- Sau thành công của “Chỉ có thể là yêu” và “Chạm tay vào nỗi nhớ”, cát-xê của anh thay đổi thế nào?
- Có tăng lên một chút (cười).
- Một đàn anh trong nghề từng chia sẻ, nghề diễn cứ ráo mồ hôi là hết tiền và cát-xê chẳng nuôi nổi bản thân. Đối với Sơn thì thế nào?
- Diễn viên là một nghề vất vả. Sự hào nhoáng mà khán giả thấy trên truyền hình, trong những buổi họp báo không giống với thực tế khi làm phim. Mỗi bộ phim, mỗi nhân vật lại có một sự khó khăn riêng mà không kể hết. Đối với những diễn viên trẻ như tôi, việc sử dụng cát-xê để nuôi sống bản thân mình và xa hơn nữa là chăm lo cho gia đình là điều rất khó, thậm chí bất khả thi. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích cái nghề này, như người ta nói là thích đâm đầu vào nỗi khổ và tôi nghĩ mình sẽ còn gắn bó với nghề dài lâu.