Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp thầy giáo 'hot boy' dạy văn

Thầy giáo này đang rất “hot” với nhiều học sinh, khi bài dạy của thầy vô tình được đưa lên mạng.

 Đó là thầy Trương Minh Đức, hiện giảng dạy môn văn tại hai trường THPT Lê Quý Đôn và Quang Trung - Nguyễn Huệ (TP HCM).

Một tiết dạy văn đầy hào hứng của thầy Trương Minh Đức với học sinh lớp 11N Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.

- Chào anh, anh nghĩ sao khi nhiều người gọi anh là “hot boy dạy văn”?

- Tôi nghĩ “hot boy” là một mỹ từ dành cho những người đẹp trai, còn tôi thì già rồi (cười). Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường. Mà đã là nhà giáo thì không nên dùng một mỹ từ nào để gọi họ cả.

- Nghe đâu sau một bài giảng văn anh post trên Facebook được hàng ngàn giáo viên, học sinh copy và share, thì có hơn 300 học sinh THPT xin kết bạn với anh trên Facebook để hỏi bài?

- À, đó là một bài giảng tôi dạy theo sơ đồ tư duy. Theo đề nghị của một cán bộ quản lý, tôi hệ thống lại bằng bản vẽ của mình và một đồng nghiệp rồi đưa lên Facebook. Tôi không quan tâm đến số người like, share nhưng các học trò thì quan tâm. Riêng việc add Facebook của tôi thì đúng là nhiều thật, nhưng hầu hết đều là học sinh chứ không phải giáo viên.

- Học sinh của anh đã nhận xét rằng: “Tiết dạy của thầy Đức tràn đầy cảm xúc. Thầy cho học sinh đóng vai, thuyết trình theo suy nghĩ của mình, thầy giảng bài cứ như lên đồng: Hết diễn kịch đến ngâm thơ, hát dân ca... như một nghệ sĩ thực thụ”?

- Có những tiết dạy mà sự hưởng ứng của học sinh làm cho cảm xúc trong tôi dâng trào. Tôi có thể hát, ngâm thơ, diễn kịch để minh họa cho bài dạy. Tất cả xuất phát từ cảm xúc, chứ không phải theo một kịch bản có sẵn mà tôi nghĩ ra từ trước. Nhưng nói như thế không phải 100% tiết dạy của tôi đều thăng hoa, tôi cũng có những tiết dạy chỉ bình bình.

Có điều tôi may mắn vì Trường THPT Lê Quý Đôn là trường đi đầu thành phố về đổi mới, nên giáo viên được chủ động trong việc giảng dạy từ hơn 10 năm nay. Khi vào lớp, nếu thấy tâm lý học sinh có vấn đề, tôi sẽ đổi bài dạy cho phù hợp, chứ không dạy theo phân phối bài dạy như trong sách giáo khoa.

- Nghe kể nhiều em đã ra trường nhưng vẫn liên lạc thường xuyên với thầy. Có em bị đụng xe không gọi cho ba mẹ nhưng lại gọi cho thầy...

- Đó là một học sinh cũ của tôi (trước đây em làm lớp trưởng lớp tôi chủ nhiệm), mặc dù đã ra trường nhưng thầy - trò vẫn thường xuyên liên lạc. Bữa đó, khoảng hơn 19g tôi đang ở nhà thì em gọi: “Con bị đụng xe, đang nằm trong bệnh viện. Thầy có thể vô với con được không?”. Tôi chạy xe đến ngay. Xong xuôi em xuất viện, tôi chạy xe về nhà mà trong lòng thấy vui vì những lúc như vậy học trò có tin tưởng mới gọi cho mình.

Thực tế đã có rất nhiều học sinh hỏi tôi: “Sao thầy thương tụi con quá vậy?”, tôi trả lời ngay: “Ai nói thầy thương tụi con? Thầy thương thầy nên mới đối xử với tụi con như vậy”.

Tôi có thói quen không bao giờ hết giờ dạy là đi về cả. Ngoài việc nắm tình hình xem học sinh có tiếp thu được bài giảng của mình không, tôi còn quan tâm về cảm xúc, tình cảm, những vui, buồn của các em. Tôi rất thân thiện với học sinh nhưng không phải thân thiện kiểu “cá mè một lứa”. Có lúc tôi là bạn, nhưng cũng có lúc tôi rất nghiêm và khó khăn như một người thầy, một người cha. 

Cô giáo tiếng Anh nổi tiếng trên Facebook

Facebook của cô giáo trẻ Vũ Thị Mai Phương có gần 100.000 lượt theo dõi và gần 5.000 bạn bè. Nhiều học sinh gọi cô bằng cái tên trìu mến là "cô giáo Facebook".


http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160101/chat-voi-thay-hot-boy-day-van/1031035.html

Theo Hoàng Hương/Tuổi Trẻ​

Bạn có thể quan tâm