Sự việc bé trai 6 tuổi trường Gateway bị bỏ quên trên xe tử vong khiến dư luận quan tâm về mác "quốc tế" của một số trường tư thục.
Bỏ mác "quốc tế" trên mạng
Trước khi xảy ra sự việc, trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway thu học phí năm học 2019-2020 cấp tiểu học là 117,7 triệu đồng/năm. Hiện tại, trên website của mình, trường đổi từ "quốc tế" thành "Tiểu học & THCS". Tuy nhiên, logo của trường vẫn là "Gateway International School".
Website của trường Gateway đổi tên thành Hệ thống trường Phổ thông Liên cấp Gateway. |
Phần giới thiệu của trường vẫn mang tinh thần "quốc tế": Gateway là hệ thống trường Phổ thông liên cấp hàng đầu tại Việt Nam mang đến một nền giáo dục quốc tế đẳng cấp thế giới cho các thế hệ học sinh.
Trưa 17/8, phóng viên Zing.vn có mặt tại cổng trường Gateway, thấy tên vẫn được giữ như cũ: Gateway International School.
Cổng trường Gateway vẫn để tên như cũ, không thay đổi như trên trang web. Ảnh chụp trưa 17/8: H.A. |
Trước đó, trong buổi họp báo ngày 7/8, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh khẳng định trên địa bàn quận không có trường nào là “quốc tế”.
"Tên trường tiểu học quốc tế Gateway là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Theo VTC News, một số trường ở Hà Nội cũng bỏ chữ "quốc tế" như: Mầm Non Montessori, trường Quốc tế Việt - Hàn Montessori (tòa nhà Hyundai Hillstate, số 5 Tô Hiệu, Hà Đông), trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học Quốc tế IQ (số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội), trường Alaska (địa chỉ số 25 đường Thọ Tháp, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), trường Global (khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy).
Dòng chữ "International" của trường Viet-Han Montessori cũng bị xóa bỏ mới đây. Ảnh: VTC News. |
Ngoài ra, xe đưa đón của trường Phổ thông quốc tế Newton đổi tên thành trường Phổ thông Liên cấp Newton. Trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học quốc tế IQ (địa chỉ số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội) cũng mới dán lại biển chỉ dẫn tên trường và bỏ hoàn toàn danh xưng quốc tế.
Chưa có chế tài xử lý trường mạo danh quốc tế
Trước đó, trả lời bên lề hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 sáng 12/8, ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - thông tin hiện thành phố có 11 trường quốc tế được thành lập theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường khác là có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế.
Thời gian tới, sở sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết. Những trường có sai phạm, sở sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay tên gọi của trường quốc tế phải đúng theo quy định của luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ "quốc tế", trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm. Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh hiểu lầm của cha mẹ và học sinh.
Phó giám đốc Lê Ngọc Quang cho rằng cần luật hóa chế tài xử phạt về việc này. Hiện nay, định nghĩa về trường quốc tế chưa đầy đủ và chưa có chế tài vận dụng để xử lý, vì vậy cần vận dụng các điều kiện của địa phương trong vấn đề này.
Liên quan chủ đề này, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT - khẳng định trường tự gán mác quốc tế là không đúng so với quy định. Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn thành phố.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Tối 6/8, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, tiến hành điều tra vụ bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón học sinh của cơ sở giáo dục này. Nạn nhân là cháu Lê Hoàng Long (6 tuổi).
Sáng 7/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án Vô ý làm chết người để điều tra làm rõ. Trưa cùng ngày, quận Cầu Giấy tổ chức họp báo thông tin về vụ việc.
Sau khoảng 30 phút, buổi làm việc kết thúc với hàng loạt câu hỏi bị bỏ ngỏ. Cơ quan công an từ chối công bố nguyên nhân khiến bé trai tử vong. Đến nay, vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.