Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không chấp nhận các thầy cô giáo vi phạm đạo đức

Giáo viên dạy chưa giỏi có thể kèm cặp, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn thêm, nếu vi phạm đạo đức, đề nghị hiệu trưởng phải xử lý.

Đây là yêu cầu được ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đặt ra tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020 của cấp tiểu học diễn ra vào chiều 16/8.

thay co giao vi pham dao duc anh 1
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (thứ năm từ trái sang), tặng bằng khen cho các đơn vị. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong năm qua, chất lượng giáo dục tiểu học luôn giữ vững. Hiện nay, toàn thành phố có 62,96% học sinh được học tin học, 94,9% học sinh được học môn Tiếng Anh ở 5 khối lớp. Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được đẩy mạnh. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn đã ngày càng cụ thể, hiệu quả….

Tuy nhiên, theo bà Thúy, giáo dục tiểu học cần rút kinh nghiệm và khắc phục những vấn đề sau như có giáo viên chưa chuẩn bị bài tốt khi lên lớp; công tác an toàn trường học cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo thường xuyên trong mọi trường hợp, các vật dụng (bàn, ghế, tủ, kệ…) còn đặt nhiều nơi, có thể gây nguy hiểm cho học sinh. Đặc biệt, còn có giáo viên xử phạt học sinh phản sư phạm.

Đề cập đến vấn đề trên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh: “Giáo viên có thể dạy chưa giỏi nhưng phạt học sinh không đúng mực là không thể chấp nhận. Tôi đề nghị chúng ta phải nghiêm cấm những hành vi trên. Giáo viên dạy chưa giỏi, có thể kèm cặp, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn thêm nhưng nếu vi phạm đạo đức nhà giáo thì đề nghị hiệu trưởng phải xử lý. Chúng ta không chấp nhận các hành vi phản giáo dục của các thầy cô giáo”.

Cũng theo ông Hiếu, thầy cô là người giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống và yêu cầu học trò nghiêm túc thực hiện, giáo viên phải mẫu mực, phải nâng niu, yêu thương trò, không thể phạt học sinh kiểu phản giáo dục.

“Tôi nghĩ chúng ta nên rà soát và ngay trong sinh hoạt ngày đầu năm học cần phải nhấn mạnh vấn đề này. Có thể chúng ta thiếu đội ngũ giáo viên nhưng không chấp nhận các thầy cô giáo vi phạm đạo đức”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM bày tỏ.

Ông Hiếu cho biết thêm công tác an toàn trường học cần được đề cao. Sau sự việc ở trường Gateway, vấn đề này lại khiến dư luận lo lắng.

“Tai nạn, thương tích xảy ra là do bất cẩn và không thực hiện đúng quy trình. Cho nên, tôi đề nghị trường học luôn luôn xây dựng quy trình và kiểm tra nghiêm ngặt quy trình đó để đảm bảo các bước đều đã được triển khai ai toàn. Chúng ta đừng bao giờ chủ quan, cho rằng phương án của mình là an toàn tuyệt đối mà hãy cố gắng kiểm tra một cách cẩn thận”, ông Hiếu nói.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ nay đến tháng 12-2019, các địa phương phải tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy chương trình phổ thông 2018. TP.HCM với hơn 4.000 lớp học ở lớp 1, phòng giáo dục tiểu học phải tính toán kế hoạch thực hiện, dự trù kinh phí như thế nào. Đặc biệt, chúng ta sẽ tiến hành bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên đứng lớp. Công việc này cần phải được triển khai ngay.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm việc tổ chức đưa đón học sinh

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, hiệu trưởng hoặc người đại diện pháp luật của trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh.


https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-chap-nhan-cac-thay-co-giao-vi-pham-dao-duc-852607.html

Theo Nguyễn Quyên / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm