Gen Z dễ bị tổn thương hơn thế hệ trước, nguyên nhân một phần vì ngày nay bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp.
_______
Show: Healy Chilly
Host: Khánh Linh
Khách mời: Tiên Narci - Giám đốc sáng tạo
Độc giả có thể nghe bản Audio tại đây
Độc giả cũng có thể theo dõi Healy Chilly trên Spotify và Apple Podcast
Chị Tiên Narci - khách mời của Healy Chilly tuần này đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. Được coi là một trong những ngành nghề căng thẳng và bận rộn nhất, những người làm sáng tạo như Tiên luôn phải cố gắng tìm cách cân bằng giữa công việc đầy áp lực và cuộc sống bên ngoài.
Tiên chia sẻ thẳng thắn "mọi lời đồn về ngành agency đều đúng nhưng chưa đủ". Ngành này rất bận rộn, nhưng không phải quanh năm suốt tháng. Có những thời điểm "con sóng này chưa qua, con sóng khác đã tới", nhưng cũng có khi chơi dài.
Vậy dân sáng tạo làm gì để giữ ngọn lửa với nghề, không để mình bị căng thẳng triền miên?
Theo Tiên, người làm sáng tạo thường yêu cái đẹp nên rất thích mua sắm thời trang, phụ kiện để cuộc sống trở nên thú vị hơn. "Đẹp cũng là cách giữ tinh thần tích cực. Mọi người thấy chúng tôi hay thể hiện sự hào nhoáng trên mạng xã hội mà lầm tưởng người làm nghề này không biết buồn. Thực ra con người ai chẳng có lúc tiêu cực. Nhưng chúng tôi biết cách giải toả nỗi buồn, không để sự khó chịu nhấn chìm mình", Tiên phân tích.
Trải qua 10 năm thăng trầm với nghề, Tiên thú nhận mỗi lần gặp một khách hàng đòi hỏi vô lý, chị vẫn cảm thấy ức chế như ngày đầu tiên. Nhưng Tiên cho rằng làm trong ngành càng lâu bạn sẽ quen dần với áp lực. Đặc biệt khi bạn làm sếp sẽ có thể chủ động điều chỉnh với khách, để giãn bớt thời hạn nộp bài, yêu cầu cung cấp thêm thông tin và công cụ hỗ trợ... Luôn luôn có cách để công việc trở nên dễ thở, quan trọng là chúng ta có biết thương thuyết với khách hàng hay không.
Khi được hỏi "có phải người làm sáng tạo thường điên?", Tiên cho rằng không nên dùng từ "điên", mà là "khác người". Mỗi người dù sáng tạo hay không đều có góc nhìn, quan điểm khác nhau về một vấn đề. Sự "điên" của mình thể hiện qua cách mình giải quyết vấn đề đó.
Tiên thừa nhận Gen Z hiện tại dễ bị tổn thương hơn thế hệ của chị. Nguyên nhân bởi ngày nay các bạn trẻ có rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, không làm nơi đây thì làm nơi khác. Bởi vậy những người quản lý như Tiên luôn phải lựa chọn cách cư xử mềm mỏng với các bạn. "Ngày xưa hồi mới đi làm tôi rất sợ bị đuổi việc. Đó là áp lực nhưng đồng thời tôi rèn cho mình ý chí vươn lên rất lớn", Tiên phân tích.
Tiên cho biết dù ở vị trí nhân viên hay sếp, người làm sáng tạo có những căng thẳng giống nhau. Cách hiệu quả nhất để mọi người giải quyết vấn đề là cùng nhau ba mặt một lời, hay viết tâm thư cho nhau.