Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Gen Z không còn 'cày cuốc' để làm sếp

Thế hệ lao động trẻ nhất hiện nay có xu hướng tránh vai trò quản lý gấp 1,7 lần thế hệ trước. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại thiếu hụt đội ngũ lãnh đạo tương lai.

Gen Z không còn mặn mà với vị trí lãnh đạo. Ảnh minh họa: Felicity Tai/Pexels.

Khi những Gen Z (sinh năm 1997-2012) lớn tuổi nhất đang tiến gần đến ngưỡng 30, họ đang định hình lại cách tiếp cận với công việc theo một hướng hoàn toàn mới.

Thay vì “ly hôn có ý thức” như cách Gwyneth Paltrow từng mô tả về cuộc chia tay của nữ diên viên và chồng, các chuyên gia văn hóa nơi làm việc nhận định rằng Gen Z đang thực hành “từ chối làm sếp có ý thức” (conscious unbossing) tại văn phòng, theo Business Insider.

'Vết xe đổ' Gen Z ngại đi qua

Khác với thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964), vốn quen thuộc với mô hình lãnh đạo phân cấp và gắn bó lâu dài với một nơi làm việc, Gen X (1965-1980) đã tạo cầu nối với phong cách làm việc tự chủ hơn và cấu trúc doanh nghiệp phẳng hơn.

Millennials (sinh năm 1981-1996), dù ưu tiên sự hợp tác, vẫn miễn cưỡng đảm nhận vai trò lãnh đạo. Nhưng với Gen Z, câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo nghiên cứu từ công ty tư vấn quản lý Development Dimensions International, Gen Z có khả năng tránh các vai trò quản lý cao gấp 1,7 lần so với các thế hệ trước để bảo vệ sức khỏe tinh thần.

“Họ đang đặt ra những câu hỏi mà chúng ta đã âm thầm tự hỏi trong nhiều thập kỷ, nhưng chưa bao giờ dám thừa nhận", Megan Dalla-Camina (Australia), CEO sáng lập chương trình Women Rising, chia sẻ. Bà cho rằng thế hệ này sẽ không đánh đổi cuộc sống, sức khoẻ để phù hợp với mô hình lãnh đạo cũ kỹ.

Song, điều này cũng dễ hiểu. Thời gian qua, thị trường việc làm đã chứng kiến hàng loạt nhà quản lý bị quá tải, vị trí dễ bị cắt giảm. Thậm chí một số nhân viên thừa nhận mức lương được trả không đủ bù đắp cho áp lực khi giám sát người khác.

“Gen Z đang lùi lại một bước để tìm cách xây dựng sự nghiệp bền vững. Họ nhận thấy tỷ lệ kiệt sức đang ở mức đáng báo động và không muốn lặp lại vòng xoay đó", nhà tâm lý học lâm sàng Julie Lee (Mỹ) nhận định.

gen z lam sep,  gen z quan ly,  cong viec van phong anh 1

Gen Z không muốn đi vào "vết xe đổ" của thế hệ trước. Ảnh minh họa: Artempodrez/Pexels.

Kathryn Landis, huấn luyện viên lãnh đạo kiêm giáo sư marketing và quan hệ công chúng tại Đại học New York (Mỹ), cho biết Gen Z đánh giá cao sự tự chủ và linh hoạt trong công việc. Họ ưu tiên sự minh bạch, hợp tác và không mặn mà với việc leo thang trong sự nghiệp.

Đặc biệt, thế hệ này bị thúc đẩy bởi trách nhiệm xã hội và mong muốn làm những công việc mang lại cảm giác đóng góp cho cộng đồng. Điều này khiến các vị trí lương cao trở nên kém hấp dẫn nếu công việc thiếu ý nghĩa.

“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không nỗ lực hay không sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm", Landis nhấn mạnh. Thay vào đó, Gen Z sẽ không ở lại văn phòng 8 tiếng nếu có thể hoàn thành công việc trong 5 tiếng, và họ cũng không yêu cầu đồng nghiệp làm điều đó.

Dalla-Camina nhận định đây là cơ hội để các doanh nghiệp cải tổ mô hình quản trị, nếu muốn giữ chân và phát triển thế hệ lãnh đạo tương lai.

Doanh nghiệp bắt buộc thích nghi

Dự báo từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho thấy Gen Z sẽ chiếm 30% lực lượng lao động vào năm 2030. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp nếu thế hệ lãnh đạo tương lai không được trang bị kỹ năng để điều hành.

Tony Davis (Mỹ), chuyên gia đào tạo lãnh đạo tại Crestcom International, cảnh báo rằng nếu các nhà lãnh đạo không chủ động thúc đẩy, trao quyền và thu hút nhân viên Gen Z bằng cách thích nghi với phong cách làm việc của họ, doanh nghiệp sẽ khó xây dựng đội ngũ lãnh đạo đủ mạnh để mở rộng quy mô và phát triển.

Davis nhấn mạnh đây là thời điểm mang tính sống, nếu doanh nghiệp không thay đổi, họ sẽ bị tụt hậu.

gen z lam sep,  gen z quan ly,  cong viec van phong anh 2

Doanh nghiệp cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thế hệ mới, những người sẽ định hình tương lai của thị trường lao động. Ảnh minh họa: Felicity Tai/Pexels.

Để thu hút và giữ chân Gen Z, các doanh nghiệp cần điều chỉnh cách tiếp cận tùy theo ngành và đặc thù nơi làm việc. Một số giải pháp bao gồm cung cấp giờ làm việc linh hoạt, tạo thêm cơ hội tham gia các hoạt động tình nguyện, và thiết kế lộ trình thăng tiến rõ ràng, tập trung vào mục tiêu dài hạn của từng cá nhân đồng thời đảm bảo sự cân bằng bền vững.

Việc thích nghi với phong cách làm việc thoải mái của Gen Z không hề đơn giản, đặc biệt khi văn hóa “cày cuốc” và chế độ làm việc khắc nghiệt từ lâu đã là đặc trưng của lực lượng lao động Mỹ, thậm chí vẫn được một số lãnh đạo Gen X như Elon Musk cổ xúy.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự thay đổi này là không thể tránh khỏi.

"Những tổ chức và lãnh đạo nào thích nghi được sẽ phát triển. Còn những ai không thay đổi sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân không chỉ Gen Z, mà cả những người lao động sẵn sàng cho sự đổi mới", Dalla-Camina khẳng định.

CEO Lead The Change: ‘Cần tỉnh táo trước khi nhảy việc’

Theo CEO Hoàng Linh, trong bối cảnh AI lên ngôi và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người trẻ Việt cần trau dồi năng lực, tỉnh táo trước khi nhảy việc để tránh đánh mất lợi thế.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm