Hiện nay, các bạn Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) rất quan tâm đến ngoại hình. Ảnh: Pexels. |
Tròn 18 tuổi, chuẩn bị đi du học tại Hàn Quốc, Thùy Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội ) đã xin mẹ cho cô nâng mũi để gương mặt ưa nhìn hơn. Trước đó, mũi của Trang không thấp nhưng có phần gồ khiến cô gái trẻ mất tự tin.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc sau quyết định nâng mũi, gương mặt tôi hài hòa và có phần hiền hơn. Sau này, tôi đã sử dụng thêm các phương pháp khác như tạo hình môi với filler, tiêm botox vùng hàm", Thùy Trang nói.
Thẩm mỹ khi vừa tròn 18, 19 tuổi
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS.BS Lê Tôn Dũng, Chủ tịch Chi hội thẩm mỹ nội khoa Việt Nam (AMSV), cho biết ông đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trẻ, chỉ 18-19 tuổi đến thẩm mỹ như Thùy Trang.
"Hiện nay, các bạn Gen Z rất quan tâm đến ngoại hình. Họ quan tâm đến các thủ thuật nội khoa như botox hay filler. Về phẫu thuật thẩm mỹ, giới trẻ rất thích nâng mũi. Người châu Á có đặc điểm mũi tẹt, thấp nên phẫu thuật nâng mũi được ưa chuộng. Ngoài ra, đây cũng là bộ phận khiến khuôn mặt thay đổi rất nhiều sau khi can thiệp", bác sĩ Dũng nói.
Bên cạnh đó, tạo mắt hai mí, tiêm filler tạo hình môi và nâng ngực cũng là những hình thức phẫu thuật thẩm mỹ được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Một ca tiểu phẫu cắt mí được thực hiện tại bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Hồng, Phụ trách khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay tuổi làm đẹp hiện nay ngày càng sớm, không ít trường hợp ở độ tuổi thanh thiếu niên tìm đến bệnh viện vì muốn "sửa đủ thứ".
Vị chuyên gia cho hay chỉ trong 2 năm, các bác sĩ của đơn vị này đã thực hiện hơn 1.000 ca phẫu thuật cắt mí. Số lượng bệnh nhân đến nâng mũi và ngực cũng rất nhiều.
"Không phải trường hợp nào bác sĩ cũng thấy cần phẫu thuật. Chúng tôi cũng thuyết phục các bạn trẻ nên và không nên can thiệp gì, chỉ những khiếm khuyết rất cần thiết mới cần 'dao kéo'. Điều này để tránh việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ khi còn quá trẻ", bác sĩ Hoàng Hồng nói.
Tai biến thẩm mỹ nhiều không kém
Theo bác sĩ Hoàng Hồng, ở những bệnh nhân độ tuổi còn nhỏ, chưa va chạm với thẩm mỹ nên rất dễ bị dụ dỗ đến những cơ sở làm đẹp không an toàn. Vì vậy, tỷ lệ người trẻ thẩm mỹ bị biến chứng cao hơn. Thế nhưng, trong số này cũng có không ít những bạn thuộc thế hệ đầu Gen Z, đã đi làm, có sự tìm hiểu rất kỹ lưỡng trước khi làm đẹp.
Theo ông, phẫu thuật thẩm mỹ không có quy định được thực hiện từ bao nhiêu tuổi nhưng nên áp dụng khi cơ thể đã ổn định, trên 18 tuổi, thể trạng tốt. Người thẩm mỹ cũng cần nhận thức được rõ bản thân thực sự mong muốn gì.
Theo bác sĩ Hoàng Hồng, đa số các tai biến gặp phải đều rơi vào cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Ảnh: Việt Linh. |
"Đa số các tai biến, biến chứng gặp phải đều rơi vào cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Người thực hiện các can thiệp xâm lấn thậm chí chỉ là thợ cắt tóc, gội đầu, làm móng, học từ các khóa đào tạo ở những cơ sở không chính thống. Khi xảy ra biến chứng, hậu quả rất nặng nề, kéo theo hàng loạt tai biến", BS Hồng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, để một người có thể trở thành một bác sĩ tạo hình thẩm mỹ, ít nhất cần 6 năm học bác sĩ, cần thêm 6-8 năm học chuyên sâu hơn mới có thể phẫu thuật cho bệnh nhân. Những người tay ngang làm thẩm mỹ, không có chuyên môn và thẩm quyền để phẫu thuật cho bệnh nhân.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tỉnh táo, không nên tin những lời quảng cáo, chèo kéo trên mạng. Trước khi quyết định can thiệp, nên tìm hiểu người thực hiện là bác sĩ được đào tạo về chuyên ngành gì, đang công tác ở đâu, kinh nghiệm làm việc, càng tìm hiểu kỹ, rủi ro càng ít.
"Hiện nay, có hiện tượng bác sĩ 'mập mờ' về chuyên ngành đào tạo, thậm chí ngay những bác sĩ ở bệnh viện công cũng không rõ ràng về chuyên ngành mà vẫn thực hiện thẩm mỹ cho bệnh nhân. Chúng ta có rất nhiều bác sĩ giỏi để người dân lựa chọn. Các bạn cần trang bị kiến thức để biết cách bảo vệ mình, làm đẹp một cách thông minh", bác sĩ Hoàng Hồng chia sẻ thêm.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.