Sự phát triển của nền kinh tế và thị trường việc làm Trung Quốc đã tạo nhiều cơ hội mới cho lao động trẻ nước này. Nhiều người muốn tránh khỏi áp lực và sự ảm đạm của công việc truyền thống trong các công ty tư nhân.
Những ngành nghề mới là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tập trung vào văn hóa nội địa. Xu hướng này cũng thể hiện cách nhìn của giới trẻ về cuộc sống và xã hội, theo South China Morning Post.
Những ngành nghề mới
Bai Ling, người sáng lập công ty Mao's Memory Castle ở Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2019, thực hiện dịch vụ mai táng thú cưng. Bai chỉ ra 2 xu hướng quan trọng khiến nghề của cô hấp dẫn: giới trẻ xứ tỷ dân không muốn có con và dân số đang già hóa nhanh chóng.
"Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là nhân viên văn phòng độc thân và thường xuyên làm thêm giờ, hoặc là những bà cô ở độ tuổi 60-70", Bai cho biết.
"Họ đối xử với thú cưng như thành viên trong gia đình, thậm chí coi như con. Chỉ riêng tại cửa hàng ở Hàng Châu, chúng tôi tổ chức hơn 260 đám tang cho thú cưng mỗi tháng. Giá của mỗi lễ mai táng rơi vào khoảng 1.400 nhân dân tệ (216 USD)", cô nói thêm.
Nhiều người sẵn sàng chi số tiền lớn để mai táng cho thú cưng. Ảnh: China Daily. |
Năm 2019, chính quyền trung ương bắt đầu công bố danh sách các nghề mới được chính thức công nhận, trong đó bao gồm phi công điều khiển thiết bị bay không người lái, nhân viên giao đơn hàng online, nhân viên chống dịch, người bán hàng trực tuyến.
Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang thúc đẩy hàng trăm ngành nghề mới khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Một số tập đoàn phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ dân số đang già đi.
Hầu hết nghề nghiệp mới tại Trung Quốc đại lục thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghệ. Phần lớn không phải công việc toàn thời gian.
Xu hướng này phù hợp với dữ liệu chính thức gần đây về thị trường việc làm linh hoạt của Trung Quốc, ước tính có 200 triệu người làm tự do và theo hợp đồng, chiếm một phần tư lực lượng lao động gồm 880 triệu người ở độ tuổi 16-59.
Một báo cáo được công bố vào tháng 4 bởi ứng dụng tìm kiếm Quark, phổ biến với giới trẻ Trung Quốc, cho thấy sự khác biệt trong lựa chọn việc làm giữa các thế hệ.
Ví dụ, nhóm dân số ở độ tuổi 22-31 có xu hướng nhảy việc, trong khi những người dưới 21 tuổi thường bắt đầu sự nghiệp tại các lĩnh vực triển vọng mà họ quan tâm.
Giáo viên, bác sĩ và công chức là 3 nghề nghiệp được nhóm người sinh trong thập niên 80 theo đuổi nhiều nhất. Với nhóm sinh sau năm 1990, 3 nghề phổ biến nhất là quản lý y tế, chuyên gia tâm lý và tài xế dịch vụ.
Một số công việc phổ biến với nhóm sinh sau năm 2000 bao gồm: chuyên gia dinh dưỡng cho thú cưng, tuyển thủ esport, nhà tạo mẫu Hán phục (chuyên về trang phục truyền thống của Trung Quốc vào những năm 1700), vlogger ẩm thực và người thẩm định các hãng giày.
Ngành công nghiệp thú cưng phát triển tại Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Xu hướng mới: thú cưng và văn hóa truyền thống
Nhiều bạn trẻ GenZ (sinh năm 1996-2010) tại Trung Quốc đang kinh doanh lĩnh vực thú cưng bởi cảm giác thỏa mãn khi làm việc.
Nền kinh tế thú cưng của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây khi tầng lớp trung lưu nước này ngày càng giàu có.
Theo ước tính của iResearch Consulting, vào năm 2020, doanh số bán hàng thị trường thú cưng của Trung Quốc đạt gần 300 tỷ nhân dân tệ (46,3 tỷ USD). Con số này dự kiến tăng gấp rưỡi vào năm 2023.
Thay đổi này làm xuất hiện nhiều ngành nghề liên quan đến thú cưng, bao gồm chuyên gia dinh dưỡng, người chăm sóc, nhiếp ảnh gia và nhà tạo mẫu.
Kent Chen, giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp thương mại điện tử ở Quảng Châu (Trung Quốc), đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (1.550 USD) để tặng chú chó collie của cô lời tạm biệt đầy yêu thương.
"Em ấy đã bên tôi 8 năm, suốt những đêm cô đơn, kiệt sức vì công việc", Chen nói.
Giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng những thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống. Ảnh: EPA-EFE. |
Guochao, xu hướng thể hiện mối quan tâm đến văn hóa Trung Quốc và thời trang tự thiết kế, được dự đoán sẽ tạo ra các công việc mới.
Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến Boss Zhipin, nhu cầu về các vị trí liên quan đến guochao và văn hóa truyền thống Trung Quốc tăng 42% vào năm 2020 so với năm 2019.
Năm 2017, doanh nhân Liu Wenhui thành lập công ty Wanfeng Shuwu, chuyên sản xuất gạch đồ chơi lấy cảm hứng từ thiết kế các tòa nhà cổ đại của Trung Quốc.
Trong quá trình này, Liu đã tạo ra một nghề mới - thiết kế gạch đồ chơi. Với đội ngũ 20 nhà thiết kế, Liu cho biết doanh thu của công ty sẽ đạt khoảng 20 triệu nhân dân tệ trong năm 2021.
"Hiện, phần lớn văn hóa tiêu dùng của Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng của phương Tây. Tuy nhiên, nếu có thêm nhiều văn phòng phẩm, nhu yếu phẩm, khách sạn và công viên giải trí mang phong cách văn hóa Trung Quốc, thị trường guochao chắc chắn sẽ bùng nổ trong tương lai với giá trị thương mại lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi năm", ông cho biết
Thị trường Hán phục hiện đã tạo ra nhiều công việc mới. Hán phục cũng được phân chia theo phong cách của các triều đại khác nhau.
"Những ngành nghề mới rất thú vị, nhưng chúng không đủ ổn định và dường như chỉ dành cho các bạn trẻ dưới 35 tuổi", Jeff Luo, một người tìm việc ở Quảng Châu, trước đây làm kỹ thuật viên IT, bày tỏ sự lo ngại.