Gen Z Trung Quốc muốn có con khi tài chính vững vàng. Ảnh: VCG. |
Bất chấp cuộc tranh luận về tỷ lệ sinh giảm và áp lực hối thúc lập gia đình từ cha mẹ và chính phủ, giới trẻ Trung Quốc không có kế hoạch sinh con cho đến khi họ có đủ khả năng chi trả, Sixth Tone đưa tin, dựa trên một báo cáo mới được tiết lộ gần đây.
Theo cuộc khảo sát, giới trẻ xứ tỷ dân tin rằng một cuộc hôn nhân ổn định và một sự nghiệp vững chắc là những điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để có con. Những người được hỏi cũng cho rằng “đau đớn khi sinh con” là lý do hàng đầu khiến phụ nữ sợ sinh đẻ.
Nhìn nhận lại về hôn nhân và con cái
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi 4 tổ chức hàng đầu, bao gồm Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc và Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô.
Những người tham gia chủ yếu bao gồm các sinh viên đại học, cả nam và nữ, đều cho biết họ muốn thành công trong sự nghiệp trước khi lập gia đình.
Việc phụ nữ giành được độc lập nhiều hơn dẫn đến sự thay đổi dần dần trong tâm lý hôn nhân ở Trung Quốc, nơi mà theo truyền thống, đàn ông được kỳ vọng sẽ gánh vác tài chính cho gia đình.
Hầu hết người được phỏng vấn nói rằng họ không còn coi hôn nhân là một phần không thể thiếu của cuộc sống, khác với một vài thế hệ trước. Thay vào đó, bây giờ, giới trẻ tin rằng mục tiêu chính của hôn nhân là tinh thần và mức sống cao hơn.
Cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng nhóm nhân khẩu học này có thái độ cởi mở hơn đối với quan hệ tình dục trước hôn nhân và chuyện ly hôn.
Đau khi sinh con và thiếu kỹ năng làm cha mẹ là một trong những lý do chính khiến những người được phỏng vấn tránh có con. Khoảng 15% trong số đó cho biết họ muốn theo đuổi lối sống “DINK”: Gấp đôi thu nhập, không con cái.
Áp lực nuôi con khiến người trẻ lo ngại. Ảnh minh họa: Reuters. |
Báo cáo này nằm trong loạt các nghiên cứu nhằm tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc về hôn nhân và sinh con, đồng thời làm sáng tỏ thêm các biện pháp đối phó hiệu quả với tình trạng dân số già hóa và thu hẹp của quốc gia này.
Ngày 17/1, Chính phủ Trung Quốc cho biết dân số đại lục, không bao gồm Đài Loan, Hong Kong và Macao, tính đến cuối năm 2022 đã giảm 850.000 người so với năm 2021.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh trên toàn quốc chạm mức 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022, giảm từ 7,52 vào năm 2021. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1949, South China Morning Post đưa tin.
Trong những năm gần đây, để giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ kết hôn và sinh con, chính quyền trung ương đã đưa ra một loạt kế hoạch bao gồm loại bỏ chính sách một con và xây dựng các trung tâm chăm sóc ban ngày cho trẻ em.
Theo sau đó, các chính quyền địa phương cũng đã bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp hoặc thay đổi các chính sách lâu đời.
Mức sinh thấp kỷ lục cũng đã khiến chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, nơi cư trú của hơn 80 triệu dân, dỡ bỏ mọi hạn chế sinh đẻ đối với những người chưa lập gia đình.
Từ ngày 15/2, khu vực này sẽ không còn yêu cầu cha mẹ xuất trình giấy đăng ký kết hôn để làm thủ tục cho con cái. Ngoài ra, các quy định về số lượng trẻ em của mỗi hộ gia đình cũng bị loại bỏ.
Tuy nhiên, hơn 40% số người được hỏi cho biết sẽ không có con chỉ vì những thay đổi gần đây đối với chính sách hỗ trợ sinh đẻ. Chỉ 8,26% cho biết sẵn sàng sinh con hơn sau khi các chính sách này được công bố.
Báo cáo cho thấy đối mặt với nỗi sợ hãi về vấn đề tiền bạc, một số người được hỏi hy vọng có nhiều chính sách hỗ trợ việc làm hơn.
The Paper dẫn lời Mao Zhuoyan, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, người tham gia cuộc khảo sát, cho biết tâm lý của sinh viên đại học khi chuẩn bị bước vào cuộc hôn nhân khác biệt đáng kể so với những người đã kết hôn.
Mao nói thêm rằng những đổi mới chính sách cần tính đến những thay đổi trong nhận thức của thế hệ hiện tại về hôn nhân và con cái, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của phụ nữ.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.