Sáng tạo hồ sơ xin việc đấu với hàng triệu đơn ứng tuyển khác của Google, Mariana Kobayashi được nhận vào làm tại công ty công nghệ hàng đầu, mức lương gấp đôi công việc cũ. |
Google là một trong những công ty hàng đầu thu hút ứng viên trên toàn thế giới, Google là ước mơ của nhiều người lao động. Gã khổng lồ trong ngành công nghệ nổi tiếng với chế độ đãi ngộ xa hoa với hàng triệu đơn ứng tuyển mỗi năm.
Tỷ lệ nhận được công việc tại Google khó hơn gấp 10 lần so với việc được nhận vào các trường đại học danh tiếng như Harvard hay Yale, theo Forbes.
Do đó, việc Mariana Kobayashi, thuộc thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) trở thành nhân viên Google tại trụ sở Dublin (Ireland) nhận được sự quan tâm lớn.
Chia sẻ với Business Insider, thay vì lựa chọn cách ứng tuyển truyền thống với sơ yếu lý lịch bản cứng hay bản mềm thường thấy, Kobayashi đã giới thiệu bản thân bằng một video đầy sáng tạo.
Điều này giúp cô tạo nên sự khác biệt và trở nên nổi bật giữa hàng hàng triệu đơn đăng ký vào công ty công nghệ này mỗi năm.
Mariana Kobayashi tìm được việc làm tại Google bằng cách quay và chia sẻ video trên kênh YouTube của mình. |
Thay đổi cách tiếp cận cơ hội nghề nghiệp
Cụ thể, trong video, Kobayashi đã chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm làm việc của bản thân, đính kèm là những “tài liệu tham khảo” được minh chứng bởi đồng nghiệp và bạn cũ trong ngành.
Bên cạnh đó, Gen Z cũng thuyết phục nhà tuyển dụng bằng những lý do vì sao Google nên nhận cô vào làm việc.
Điểm ấn tượng trong “hồ sơ” định dạng video là Kobayashi thừa nhận các “red flag” của bản thân. Cô cho biết mình thiếu kinh nghiệm tiếp thị.
Tuy nhiên Gen Z đã vô cùng khéo léo khi biết cách biến “cờ đỏ” thành “cờ xanh”. Kobayashi đưa ra cho nhà tuyển dụng kế hoạch để khắc phục điểm yếu đó, thay vì chỉ thừa nhận khiếm khuyết trong công việc.
Đoạn video mất hơn 10 tiếng để sản xuất. Kobayashi đã tải hồ sơ của mình lên mạng, đồng thời gửi thẳng đến quản lý nhóm tuyển dụng của Google.
Ngay lập tức, đoạn video trở nên viral, giúp Kobayashi nhận được nhiều sự chú ý của các nhân sự trong ngành, cũng như mở ra cơ hội liên lạc với Google, công ty mà cô mơ ước.
Sau 3 vòng phỏng vấn, mỗi vòng khoảng 45 phút, chủ yếu là đánh giá chuyên môn và khả năng quản lý, Kobayashi được chọn làm ứng viên dự bị và nằm cuối danh sách những người được chọn.
“Sau 1 tháng, tôi mới nhận được phản hồi rằng mình là một trong những ứng viên cuối danh sách. Và một tuần sau đó, tôi nhận được thư mời nhận việc”, Kobayashi chia sẻ.
Hiện Kobayashi đang làm việc ở vị trí Account Executive (chuyên viên quan hệ khách hàng) tại trụ sở Dublin (Ireland) của Google. Cô tiết lộ mức lương cao gấp đôi công việc cũ tại LinkedIn.
Sự kiên trì và tinh thần lạc quan của Kobayashi truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ trên thế giới. |
Thành công là không ngừng nỗ lực
Trước đó, Kobayashi đã có khoảng thời gian hạnh phúc khi làm việc tại LinkedIn. Cho đến tháng 5/2023, cô bất ngờ nhận được email cắt giảm nhân sự từ công ty.
Trải nghiệm sa thải ban đầu đã khiến cô gái trẻ nghi ngờ bản thân, bối rối và mất đi sự tự tin. Từ hoang mang, Kobayashi dần lấy lại tinh thần, lạc quan tin rằng một cánh cửa mới như một cơ hội mới sẽ mở ra.
Cô quyết định đi du lịch sau cú sốc mất việc và lên kế hoạch ứng tuyển vào Google tháng 6/2023.
Được biết, đơn đăng ký ứng tuyển vị trí Account Executive ban đầu của Kobayashi bị từ chối do cô không đạt tiêu chuẩn.
Không nản lòng, cô tiếp tục tiến đến mục tiêu nghề nghiệp với sự quyết tâm và minh bạch, đưa ra kế hoạch giải quyết những thiếu sót mà cô nhận thấy và lên hoạch định cho sự phát triển cá nhân ttrong vị trí mà cô ứng tuyển.
Sau những nỗ lực cùng việc áp dụng cách tiếp cận sáng tạo để tìm việc làm, tháng 12, Kobayashi đã thực hiện được mục tiêu chinh phục công ty công nghệ hàng đầu.
Hiện tại, Kobayashi rất tự hào về bản thân sau những chuyện đã xảy ra. Lời khuyên của cô gái đến những Gen Z là hãy coi sa thải là một cơ hội tốt.
“Tôi đã thăng tiến thêm 2 cấp bậc trong sự nghiệp của mình, điều đó sẽ không thể ra xảy nếu tôi vẫn dừng chân tại LinkedIn”, Kobayashi nói.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.