Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ghế giám đốc lương triệu USD kém hấp dẫn ở Mỹ

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, ngay cả những CEO có mức lương triệu USD cũng chọn rời bỏ chức vụ thay vì tiếp tục đối mặt áp lực làm việc đến kiệt sức.

Xu hướng từ chối vị trí lãnh đạo đang ngày càng rõ rệt. Ảnh minh họa: Pexels.

Giữ vị trí quyền lực nhất trong doanh nghiệp, lương thưởng cao ngất, nhưng ngày càng nhiều CEO chọn cách rời đi thay vì chèo lái công ty trong bối cảnh kinh tế đầy bất ổn.

Theo số liệu từ công ty tư vấn Challenger, Gray & Christmas, số lượng CEO từ chức đang tăng kỷ lục. Năm ngoái, có tới 373 lãnh đạo cấp cao rời bỏ các công ty đại chúng, tăng 24% so với năm 2023.

Tổng cộng, 2.221 CEO tại các doanh nghiệp Mỹ có ít nhất 25 nhân viên đã rời chức, con số cao nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 2002, theo The Wall Street Journal.

Thu nhập triệu USD không còn hấp dẫn

Tưởng chừng những khó khăn do đại dịch gây ra đã lùi xa, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lại phải đối mặt với một loạt thách thức mới, chồng chất và phức tạp. Điển hình như sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, căng thẳng thương mại với các mức thuế mới, lo ngại suy thoái kinh tế, và áp lực ngày càng lớn trong việc thúc đẩy các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Một số CEO không thích nghi kịp đã buộc phải rời vị trí. Những người khác, đơn giản chỉ thấy nghỉ ngơi hoặc nghỉ hưu là lựa chọn dễ chịu hơn.

Dù vậy, mức lương "khủng" mà các CEO này nhận được, với mức trung bình lên tới 16,4 triệu USD trong năm ngoái tại các công ty thuộc S&P 500, có lẽ không khiến nhiều người phải "rơi lệ" cảm thông.

Tuy nhiên, sự xáo trộn ở vị trí lãnh đạo cao nhất lại mang đến những hệ lụy không nhỏ cho guồng máy doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.

CEO nghi viec,  ghe ceo,  giam doc nghi viec,  Thu nhap trieu USD,  ceo tu chuc anh 1

Khi các công ty cắt giảm bớt quản lý cấp trung để tối ưu hóa hiệu quả, khối lượng công việc của các nhà quản lý cấp dưới lại tăng lên đáng kể. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba Production/Pexels.

Những nhà lãnh đạo mới thường kéo theo những thay đổi lớn về nhân sự, bao gồm việc thay thế các phó giám đốc và tái cơ cấu tổ chức. Ngay cả khi doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, guy cơ mất việc làm vẫn luôn rình rập đối với nhiều nhân viên khi một CEO ra đi.

Chưa kể, việc có quá nhiều gương mặt mới ngồi vào vị trí đầu tàu khiến nền kinh tế vốn đang mong manh lại càng phụ thuộc vào những người còn đang làm quen với vai trò mới. Và không có gì đảm bảo rằng những người sẵn sàng gánh vác trọng trách này là những ứng cử viên xuất sắc mà giới kinh doanh có thể tìm thấy.

Theo các chuyên gia tuyển dụng và huấn luyện điều hành, vấn đề còn nằm ở tầng dưới của tháp lãnh đạo. Khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm quản lý trung gian để tối ưu chi phí, khối lượng công việc của các quản lý cấp thấp tăng vọt. Không ít người trẻ chọn rẽ hướng sớm hoặc thẳng thừng từ chối con đường thăng tiến, khiến dòng chảy lãnh đạo kế cận ngày càng cạn kiệt.

CEO cũng chán việc

Tuy nhiên, không phải ai rời khỏi vị trí CEO cũng quay đầu nhìn lại với nuối tiếc. Nhiều người đang tận hưởng cuộc sống tự do.

Như David Darragh (60 tuổi, Mỹ), cựu CEO của Reily Foods, sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, đã chọn dành thời gian đi du lịch với vợ thay vì quay lại thương trường, dù vẫn được mời gọi từ các quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thảnh thơi như vậy. Theo chuyên gia Rod McDermott (Mỹ), nhiều CEO đang bị “mắc kẹt” trong các hợp đồng kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến kiệt sức. Những thương vụ IPO hay bán công ty giờ đây dễ trở thành gánh nặng hơn là cơ hội.

“Tôi không đếm xuể số giám đốc điều hành gọi cho tôi và than thở rằng họ đang ở năm thứ 8 hay 9 của một thỏa thuận lẽ ra chỉ kéo dài 5-6 năm. Họ đã kiệt sức", McDermott nói.

Blake Irving (66 tuổi), cựu CEO GoDaddy, thì không còn hứng thú quay lại điều hành. Ông sống ở Mexico, tham gia họp hội đồng quản trị qua Zoom và cho rằng “giữa nền kinh tế biến động và chính trị khó lường, ngay cả người giỏi cũng khó lèo lái doanh nghiệp thành công”.

CEO nghi viec,  ghe ceo,  giam doc nghi viec,  Thu nhap trieu USD,  ceo tu chuc anh 2

Lãnh đạo mới lên chưa chắc đã đủ kinh nghiệm, trong khi đội ngũ kế cận ngày càng mỏng vì người trẻ không còn mặn mà với thăng tiến. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Không riêng các giám đốc đến tuổi nghỉ hưu, những người ở độ tuổi 40–50, dù có sự nghiệp vững vàng, vẫn quyết định rời bỏ vị trí lãnh đạo để ưu tiên gia đình và sức khỏe.

Ryon Beyer (49 tuổi), cựu giám đốc tài chính tại Washington D.C (Mỹ) chuyển cả gia đình sang Puerto Rico (Mỹ) sau khi nghỉ việc. Anh chấp nhận thu nhập thấp hơn để có thể dành thời gian xem con trai thi đấu thể thao.

“Tôi không muốn đổi thời gian bên gia đình lấy thêm tiền nữa", anh nói.

Parson Hicks (43 tuổi) cũng rời công việc điều hành để làm tự do sau thời gian mất ngủ và căng thẳng kéo dài khi làm trong ngành y tế.

“Tôi từng là người giỏi xử lý khủng hoảng, nhưng không thể sống mãi trong khủng hoảng được", cô chia sẻ.

Nhân viên ngân hàng làm việc 20 tiếng/ngày vẫn bị sa thải

Ngân hàng Baird (Mỹ) đang đối mặt làn sóng chỉ trích văn hóa bóc lột, khi các nhân sự trẻ phải làm việc tới 110 giờ mỗi tuần và chịu đựng áp lực đến mức kiệt sức.

AI thách thức Gen Z ở thị trường lao động

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, tác giả cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và thích nghi với những thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu của tương lai.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm