Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ghép gan phức tạp như thế nào?

Hiện nay, 13 trung tâm tại Việt Nam có thể thực hiện thành công phẫu thuật ghép gan, hơn 200 người bệnh đã được cứu sống.

Ghép gan là phẫu thuật thay thế một phần hay toàn bộ gan bị bệnh bằng gan lành từ người cho. Đây là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất ở chuyên ngành tiêu hóa - gan mật. Trong đó, ghép gan cấp cứu còn khó và đặc biệt hơn rất nhiều. Mọi công đoạn đều phải nhanh chóng để giành giật sự sống cho người bệnh. Tất cả khoa trong bệnh viện phải phối hợp nhịp nhàng cả trong và sau khi ghép gan cho bệnh nhân.

Hồi sinh sự sống bằng ghép gan

Theo tiến sĩ Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, phẫu thuật này lần đầu tiên được thực hiện trên chó bởi C. Stuart Welch, tại Đại học Albany, New York, Mỹ, theo mô hình ghép thêm gan phụ.

Năm 1958, mô hình ghép gan toàn bộ đúng vị trí đã được mô tả bởi Jack Canon tại Đại học California (Mỹ). Việc xuất hiện thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine - prednisolon) và quy trình bảo quản tạng đã hoàn thiện quá trình thực nghiệm ghép gan.

Phau thuat ghep gan anh 1

Ghép gan là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất ở chuyên ngành tiêu hóa - gan mật. Ảnh: Pezeshket.

Ngày 1/3/1963 tại Denver - Colorado (Mỹ), Thomas E. Starzl lần đầu tiên thực hiện ghép gan trên người. Nhóm phẫu thuật đã lấy gan của một cháu bé qua đời khi mổ để ghép cho bệnh nhi khác 3 tuổi, bị teo đường mật bẩm sinh. Tuy nhiên, ca mổ không thành công, cháu bé tử vong do không cầm được máu. Sau đó, 6 ca ghép gan tiếp theo được thực hiện tại Denver, Boston (Mỹ) và Paris (Pháp) cũng không thành công, bệnh nhân sống lâu nhất là 75 ngày.

Sau 3 năm với các nghiên cứu về hòa hợp miễn dịch, thuốc chống thải ghép, ngày 23/7/1967 cũng chính Starzl đã thực hiện thành công ca ghép gan. Thời gian sống thêm sau mổ của bệnh nhân là 16 tháng. Đến nay, sau 57 năm kể từ ca ghép gan đầu tiên, phẫu thuật này đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Theo số liệu của Mạng lưới điều phối lấy và ghép cơ quan của Mỹ, số lượng ghép gan tính đến tháng 3/2008 là 89.202 trường hợp. Trung bình mỗi năm nước này thực hiện 4.000 trường hợp ghép gan.

Phẫu thuật này có 5 loại chính là ghép gan toàn bộ đúng vị trí (Orthotopic liver transplantation); ghép gan giảm thể tích (Reduce size liver transplantation); ghép gan liên quan chia gan để ghép (Split lver transplantation); ghép gan liên quan tới người sống khỏe mạnh (Living related liver transplantation); ghép gan phụ trợ (Auxiliary transplantation).

Ngoài ra, chúng ta còn có 2 loại ghép khác là Domino và ghép với nguồn cho từ động vật (xeno transplantation).

Ai được chỉ định ghép gan?

Theo tiến sĩ Thành, việc xây dựng tiêu chuẩn lựa chọn để ghép gan phải thỏa mãn 2 điều kiện: thời gian sống thêm sau ghép hơn một năm và chất lượng cuộc sống chấp nhận được.

Năm 2003, Mỹ thực hiện 5.653 trường hợp ghép gan cho 7 nhóm bệnh: xơ gan (39%), rượu (15%), ung thư gan (8%), suy gan cấp (7%), viêm teo đường mật bẩm sinh (5%), xơ gan mật nguyên phát (4%), các nguyên nhân khác (22%).

Hiện nay, ghép gan được chỉ định trong các bệnh lý như mắc bệnh gan do rượu, viêm gan virus (B, C), ung thư gan (ung thư tế bào gan nguyên phát theo chuẩn của Milan, UCSF 2001), suy gan cấp, chỉ định ghép gan theo Bismuth (1987),...

Phau thuat ghep gan anh 2

Bệnh nhân hồi phục sau khi ghép gan. Ảnh: BVCC.

Ngoài ra, các bệnh nhân mắc ung thư đường mật (trong, ngoài gan), di căn gan, bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở gan (bệnh Wilson, bệnh thiếu hụt α1 antitrypsin, nhiễm sắt di truyền), bệnh lý mạch máu ở gan (hội chứng Budd - Chiari, huyết khối tĩnh mạch gan…) cũng thuộc nhóm được chỉ định phẫu thuật ghép gan.

Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay tỷ lệ tử vong chung sau ghép gan là 8,4%. Tỷ lệ sống sau một năm và 3 năm lần lượt là là 87%, 76%.

Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật

Ghép gan mang lại kết quả rất tốt cho một số bệnh lý gan và được coi như biện pháp duy nhất điều trị khỏi. Tuy nhiên, số lượng người được ghép gan không thỏa mãn nhu cầu. Tháng 5/2008, danh sách người chờ ghép gan tại Mỹ là 16.350 trường hợp, trong đó số lượng bệnh nhân được ghép dưới 25%.

Đây là vấn đề thời sự nhất của ghép gan, thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển kỹ thuật này. Ban đầu, chúng ta chỉ có một mô hình là ghép gan toàn bộ đúng vị trí từ người chết não. Đến nay, 7 mô hình khác nhau để ghép gan được phát triển. Điển hình là mô hình chia gan để ghép, có nghĩa từ một gan lấy ra từ người chết não có thể chia thành 3-4 phần riêng biệt. Chúng sẽ được ghép cho 3-4 bệnh nhân khác nhau.

Tuy nhiên, do những khó khăn về kỹ thuật, thế giới phổ biến nhất là 2 loại hình ghép gan: toàn bộ từ người chết não và người cho sống.

Tại châu Âu và Mỹ, ghép gan từ người chết não chiếm đa số (95%). Tại các nước châu Á (trừ Trung Quốc), ghép gan từ người cho sống lại chiếm ưu thế do liên quan vấn đề tín ngưỡng. Nhật Bản là quốc gia có số lượng ghép gan từ người sống nhiều nhất thế giới.

Ngày 31/1/2004, Học viện Quân y 103 (Hà Nội) tiến hành ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam tại phòng mổ của Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội). Bệnh nhân được ghép gan là Nguyễn Thị Diệp (9 tuổi, quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Người cho gan là ông Nguyễn Quốc Phòng, 31 tuổi (vào năm 2004). Đây là ca phẫu thuật lớn, thực hiện trong 16 giờ liên tục. Cuộc phẫu thuật đầu tiên này có sự trợ giúp rất lớn từ các chuyên gia Nhật Bản.

Phau thuat ghep gan anh 3

Nguyễn Thị Diệp và bố sau ca ghép gan cách đây gần 17 năm.

Ngày 29/6/2013, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chính thức được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận và điều phối nguồn tạng hiến, ghép để các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc ghép tạng cho người bệnh.

Hiện nay, cả nước có 13 trung tâm có thể thực hiện thành công phẫu thuật ghép gan. Việt Nam đã phẫu thuật cho hơn 200 bệnh nhân.

"Chúng ta thực hiện ghép gan muộn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, song các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật này, thực hiện rất hiệu quả trong ghép có chuẩn bị và cấp cứu. Số ca ghép gan thành công ngày càng tăng lên, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép cũng được đảm bảo gần như bình thường. Chi phí ghép cũng rẻ hơn rất nhiều so với các nước khác. Đây là cơ hội mới rất có ý nghĩa với bệnh nhân ung thư gan và bệnh gan mạn tính giai đoạn cuối", TS Thành chia sẻ.

Hiện nay, nhu cầu ghép gan ở Việt Nam rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép. Đây là phương pháp duy nhất để đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh gan.

Theo TS.BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.

Cùng quan điểm, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ: "Để thực hiện ghép gan thành công đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm và thực hiện được các kỹ thuật phức tạp do mỗi cặp ghép đều khác nhau về chỉ định, bệnh lý và bệnh nền".

Bệnh nhân đầu tiên được ghép gan ở Việt Nam qua đời

17 năm sau ca ghép gan thành công, Nguyễn Thị Diệp đã không qua khỏi trước khi bước vào đợt điều trị tiếp theo.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm