Tiếp tục phiên họp 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/8, các đại biểu cho ý kiến về Dự án Luật Tố tụng hình sự.
Đề nghị mở rộng phạm vi ghi âm, ghi hình
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, theo quan điểm của Thường trực Ủy ban Tư pháp, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, vừa bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc trang bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra là khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhất trí cao với quan điểm trên, song cũng đề nghị cân nhắc về quy định nếu có ghi âm, ghi hình thì phải phát lại cho bị cáo đó nghe: “Như vậy rất mất thời gian, hỏi cung một ngày, sau đó ngồi nghe lại một ngày thì không đủ thời gian, không nước nào làm thế. Theo tôi cùng đọc lại biên bản, cùng ký xác nhận biên bản là đủ rồi.
Ngoài ra, luật cho phép tiến hành hoạt động điều tra ở nhiều nơi khác nữa, ví dụ có thể tiến hành hỏi cung ở nơi ở của bị can, nên không chỉ ghi hình tại trụ sở và tại nơi giam giữ mà phải mở rộng. Việc bố trí máy ghi âm, ghi hình cũng phải bao quát hết được lúc hỏi cung. Máy ấy mà chỉ ghi được một phạm vi rất nhỏ, việc lấy cung diễn ra bên ngoài thì cũng không bảo đảm”.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo lại cho rằng, nên hạn chế phạm vi của việc này, vì nếu mở rộng thì rất khó khả thi. Bên cạnh đó, việc phát lại cho bị can nghe là không thể.
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng nêu quan điểm đồng tình với việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, nhưng theo ông Sơn, nếu bị cáo nhận tội rồi thì chỉ nên ghi âm, ghi hình rồi niêm phong để đấy. Chỉ khi nào ra Tòa bị cáo nói bị ép cung thì mới dùng ghi âm, ghi hình đó để đối chứng, còn các trường hợp khác thì không cần.
Quan tâm chứng cứ gỡ tội thay vì buộc tội
Dự thảo luật lần này quy định cụ thể nguyên tắc “suy đoán vô tội” để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử.
Theo đó, “khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét nội dung này chưa toát lên được thế nào là xuất phát từ “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Theo ông Lý, tất cả những người tiến hành tố tụng, điều tra viên từ ban đầu phải xác định họ vô tội, chưa có tội, sau đó mới nghĩ đến chuyện khác. Khi điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của họ, xem có tình tiết nào vô tội và chú ý tình tiết bị can nói không phạm tội, chứ không phải ngay từ đầu đã xác định họ có tội để thu thập chứng cứ buộc tội họ.
“Thực tế, những trường hợp nào không xuất phát từ nguyên tắc “suy đoán vô tội” sẽ dẫn đến oan sai, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ điển hình”, ông Lý dẫn chứng.
Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư cũng cho rằng, nguyên tắc “suy đoán vô tội” cần quy định cụ thể hơn trong luật. Bởi thực tế đã xảy ra tình trạng, khi tiến hành điều tra, xét xử, chúng ta không chú ý đến các chứng cứ gỡ tội mà chỉ chăm chăm thu thập chứng cứ để buộc tội. Nếu lỡ bắt rồi thì phải tuyên hoặc buộc vào một tội nào đó.
Thậm chí, khi không chứng minh được có tội, các cơ quan tố tụng thường áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự để nói rằng, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội.
“Điều này là lạm quyền, vi phạm quyền con người. Dự thảo luật phải quy định cụ thể để không để xảy ra tình trạng này”, bà Ba đề nghị.
Ba biện pháp điều tra đặc biệt
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ làm căn cứ khởi tố, điều tra đối với các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ nên quy định ba biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu quy định “thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án” thì sẽ làm “bó tay” cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo ông Bình, khi có tin báo tội phạm thì cần cho áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. “Ví dụ trường hợp, ông A báo tin con trai bị bắt cóc ngày mai phải đưa tiền. Khi đó vụ án chưa khởi tố. Nếu không cho nghe điện thoại bí mật, theo dõi thì sao bắt được tội phạm?”, ông Bình dẫn chứng.