Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không nên khuyến khích bị can, bị cáo im lặng

Sự im lặng của bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng và đôi khi gây bất lợi cho chính họ.

Cơ hội để bị can, bị cáo tự bào chữa

“Quyền im lặng” là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ý kiến thảo luận ngày 17/6. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến khác nhau.

Một số đại biểu đề nghị cần phải đưa “Quyền im lặng” vào dự thảo Luật Tố tụng hình sự (TTHS) song nhiều đại biểu lại cho rằng quy định như vậy là làm khó cho cơ quan điều tra. Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM), cơ quan điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ không chỉ phụ thuộc vào lời khai của bị can, bị cáo mà còn tiến hành nhiều biện pháp khác. 

Việc bị can, bị cáo tự nguyện khai ra tội lỗi của mình chính là cơ hội để họ tự bào chữa, được nhận sự khoan hồng của pháp luật. Thực tế, có những vụ án chỉ phát hiện chậm một phút là tai họa khôn lường. Vậy tại sao lại khuyến khích bị can, bị cáo im lặng? 

ĐB Đương cho rằng, quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội trong dự thảo là chưa phù hợp, không đúng tinh thần của Công ước LHQ.

Thiếu tướng Phan Văn Tường - Phó Tư lệnh Quân khu I (ĐBQH Thái Nguyên) phát biểu.
Thiếu tướng Phan Văn Tường - Phó Tư lệnh Quân khu I (ĐBQH Thái Nguyên) phát biểu.

Liên quan đến vấn đề này, thiếu tướng Phan Văn Tường - Phó Tư lệnh Quân khu I (Thái Nguyên) nêu ý kiến, khai báo sớm, khai báo đúng là quyền hàng đầu của người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo. Khai báo đúng và chính xác có tác động rất lớn đến hiệu quả phòng ngừa tội phạm, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của. Khai báo sớm cũng là việc làm có lợi cho các bị can, bị cáo. Sự im lặng của bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng và đôi khi gây bất lợi cho chính họ. 

Vì thế, nên giới hạn quyền đó sao cho vừa phù hợp với trách nhiệm công dân, vừa đảm bảo tính công khai, dân chủ. Đại biểu này cũng cho rằng việc cấm bức cung, dùng nhục hình phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp. Giải pháp quan trọng là hệ thống nhà tạm giữ, tạm giam phải độc lập. 

Bên cạnh đó, cần coi việc tạo điều kiện cho điều tra, truy tố, xét xử ngang bằng như bảo đảm các quyền còn lại của người bị bắt, bị can, bị cáo. Không vì bảo đảm yêu cầu này mà xem nhẹ, bỏ qua yêu cầu khác. 

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) phát biểu, quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội thực chất là quyền im lặng. ĐB Phạm Trường Dân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét giữ nguyên quyền này như Bộ luật TTHS hiện hành, theo đó người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quyền tự do trình bày ý kiến của mình, thái độ thành khẩn khai báo được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

“Sự im lặng của bị can, bị cáo cần được tôn trọng nhưng không nên khuyến khích. Tôi đề nghị không quy định đây là quyền độc lập nhằm ngăn chặn việc bị lợi dụng, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm” - ĐB Dân nói.

Mở rộng cơ quan có thẩm quyền điều tra là không cần thiết

Về quy định mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đa số ý kiến đề nghị không mở rộng nhiệm vụ này đối với các cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vì không phù hợp và đảm bảo chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. ĐB Lê Dân Khiết (An Giang) cho rằng, việc không mở rộng cơ quan được tiến hành điều tra là phù hợp nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng của hoạt động điều tra.

Với quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong những trường hợp cần thiết như đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, mức án chung thân, tử hình, tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, tội xâm phạm an ninh quốc gia; không cần ghi âm, ghi hình đối với những vụ việc đơn giản, quả tang hoặc người phạm tội đã nhận tội. 

Liên quan đến một số nội dung khác như tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng, mặc dù Bộ Luật TTHS đã mở rộng quyền bị can, bị cáo… song các quy định này sẽ không thể khả thi nếu không đồng bộ với các luật liên quan như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Luật sư.

http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/khong-nen-khuyen-khich-bi-can-bi-cao-im-lang/616748.antd

Theo Huệ Linh/An ninh thủ đô

Bạn có thể quan tâm