Nhật Phong – một gương mặt còn khá mới mẻ ở thị trường nhạc Việt nhưng đã có liên tiếp 2 ca khúc lọt top1 #zingchart là Yêu một người tổn thương và Sợ phải kết thúc. Ngoài bản audio, phiên bản MV của các ca khúc này cũng đều nhận lượt xem lớn trên mạng. Trước đó, giọng ca 9X từng gây chú ý với Tướng quân và Thằng hầu.
Dù vẫn gây tranh cãi về chất lượng âm nhạc, Nhật Phong được ghi nhận là một trong những giọng bass-baritone (nam trung trầm) hiếm hoi mà thị trường đang có. Anh cũng được đào tạo bài bản về thanh nhạc, với ít nhất 5 năm học liên tiếp tại Nhạc viện.
Nhật Phong gây chú ý với hai ca khúc là Yêu một người tổn thương và Sợ phải kết thúc. |
"Gia đình khó khăn, thời sinh viên tôi cũng làm đủ nghề"
- Trong bối cảnh nhạc Việt có khá nhiều giọng nam cao, anh sở hữu giọng trung trầm. Anh có nhận ra sự khác biệt ấy?
- Có chứ, vì tôi cũng là dân học nhạc mà. Giọng tôi là bass-baritone, tức trung trầm. Giọng này cao hơn giọng trầm nhưng lại trầm hơn giọng cao. Tôi không nghĩ đó là chất giọng quý hiếm nhưng đúng là so với thị trường hiện nay vốn nhiều giọng nam cao, có lẽ, đó cũng là một lợi thế.
- Anh học nhạc trong thời gian bao lâu?
- Tôi học sư phạm âm nhạc ở trường Sư phạm nghệ thuật Trung ương một năm, sau đó chuyển sang học ở Học viện Âm nhạc Việt Nam hệ trung cấp 3 năm. Sau khi tốt nghiệp tôi học thêm 2 năm đại học nhưng đến năm 2017 thì bỏ.
- Tại sao anh bỏ học?
- Tôi muốn chuyển sang hát nhạc trẻ nên dừng lại là vừa đẹp. Thực ra học xong trung cấp thanh nhạc là thoải mái làm nghề rồi nên việc học đại học cũng không quá cần thiết nếu mình theo đuổi nhạc trẻ. Lúc đó, tôi cũng khó khăn nên quyết định dừng lại việc học, chứ học xong đại học mà mình không theo cổ điển thì học thêm nữa cũng không quá ích lợi, thậm chí phí phạm.
- Cách hát hiện tại của anh có bị giảng viên của mình phản ứng vì gần như không còn yếu tố của một người học hành bài bản?
- Đúng là cách tôi hát bây giờ không còn giống một người học thanh nhạc bài bản. Nhưng với nhạc trẻ, phải hát như vậy mới tiếp cận được đại chúng. Nó cũng là một sự đánh đổi. Nếu mình trưng trổ kỹ thuật sẽ rất kén người nghe. Thầy cô, bạn bè của tôi trước mặt không nói gì, còn không biết đằng sau, tôi có bị chê gì không. Nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu.
- Anh có tiếc khi mình học bài bản nhiều năm nhưng giờ lại không dùng đến?
- Hồi mới nghỉ học tôi cũng tiếc lắm vì nghĩ mình học như vậy mà hiệu quả không đến đâu, khi đi hát vẫn phải phát huy giọng bản năng. Nhưng ngẫm lại không phải vậy, việc học cũng có nhiều tác động. Trước hết là giúp tôi hiểu được giọng nam trung trầm của mình. Sau là việc học nhạc cũng phục vụ cho việc sáng tác. Vì hiện tại, tôi không chỉ hát mà còn sáng tác cho chính mình.
- Anh xuất thân trong một gia đình như thế nào?
- Gia đình tôi cũng khó khăn, bố tôi đã mất rồi, mẹ tôi cũng vất vả nuôi các con ăn học. Gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng tôi yêu ca hát nên quyết tâm theo nghề. Hồi sinh viên gian khó, tôi cũng đi làm thêm nhiều, đủ nghề, từ gia sư cho đến những công việc chân tay.
- Khi nào anh bắt đầu kiếm được tiền từ âm nhạc?
- Từ thời sinh viên, tôi đi hát tiệc, sự kiện. Mỗi lần hát như vậy cũng được vài ba trăm nghìn. Nhưng tiền là một phần mà tính mình cũng thích hát, nhiều khi chẳng quan trọng cát-xê, miễn là được đứng trên sân khấu, ngay cả những sân khấu tiệc tùng như vậy.
- Có kỷ niệm nào đáng nhớ của thời đó?
- Chuyện buồn thì nhớ lâu hơn. Tôi nhớ có một lần hát tiệc, mình hát trên sân khấu mà người ta ở dưới ăn uống đâu có nghe mình hát. Khi tôi đang lại, đột ngột có một người đàn ông say rượu lên giật lấy micro. Khi tôi nói: “Anh ơi, cho em xin lại để hoàn thành phần trình diễn” thì người đàn ông đó không chịu. Sau đó, tôi không hát nữa.
- Anh có từng tìm kiếm cơ hội ở các cuộc thi ca nhạc?
- Cũng có. Tôi đi thi khoảng 4 lần nhưng có những lần bị loại ngay, không vào được vòng trong. Tất nhiên, cũng có cuộc tôi được vào sâu dù không chiến thắng. Sau này, tôi nhận ra các cuộc thi âm nhạc thường không phù hợp và mang lại may mắn cho mình nên tôi chọn đi theo hướng làm sản phẩm, giới thiệu ca khúc.
"Tôi không đặt nặng phải thành sao hay hiện tượng"
- Khi những ca khúc do mình thể hiện nhận được lượt nghe lớn trên BXH và lượt xem không ít trên mạng anh có bất ngờ không?
- Khi mà Tướng quân, Thằng hầu hay Đâu bởi vì ai có lượt xem/nghe lớn tôi bất ngờ lắm. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình được đón nhận như vậy. Nhưng sau này với Yêu một người tổn thương hay Sợ phải kết thúc, sự bất ngờ ấy giảm đi.
Tôi hiểu rằng có một bộ phận khán giả đang theo dõi mình, chứng tỏ mình đã đi đúng hướng, việc cần làm chỉ là cố gắng hơn thôi thay vì cứ mải sung sướng với những thành tích đã đạt được.
Nhật Phong từng có 5 năm theo học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. |
- Dù những ca khúc của anh có lượt tiếp cận lớn, được nghe ở nhiều nơi nhưng tên tuổi của anh không vì vậy mà bứt phá và trở nên đại chúng hơn. Theo anh, tại sao?
- Tôi cũng nhận ra điều ấy nhưng tôi vẫn là một gương mặt mới, chưa có đầu tư gì nhiều về hình ảnh. Bạn biết đấy, cũng chỉ mới đây tôi mới tập trung vào làm MV, mới đầu tư hơn về phần nhìn, trước tôi vẫn cứ nghĩ giới thiệu audio là đủ.
Nhưng đúng là giờ thời thế đã khác, mọi thứ đều phải chuyên nghiệp hơn. Vài tháng nay, tôi cũng đã có quản lý, mọi chuyện đang dần ổn định hơn. Nhưng vì đang dịch bệnh nên nhiều kế hoạch chưa thể thực hiện.
- Nhạc của anh bị chê cũ kỹ, không có nhiều sáng tạo mới mẻ. Anh phản hồi như thế nào?
- Tôi công nhận điều đó vì những ca khúc của tôi thuộc dòng pop-ballad khá truyền thống của nhạc Việt. Những vòng hòa thanh cũng quen thuộc, cách phối khí cũng vậy. Tôi nhận ra thực tế ấy. Nhưng cũng không phủ nhận được rằng những vòng hòa thanh truyền thống thường dễ đến được với khán giả.
- Nghĩa là anh làm vậy để chiều thị hiếu số đông dù biết rằng không có nhiều dấu ấn sáng tạo?
- Tôi hiểu ra không phải cứ làm nhạc kén người nghe là đẳng cấp. Âm nhạc rất cần cảm xúc, ngoài việc biết được thị hiếu khán giả, quan trọng là mình hát có tình cảm. Bản thân tôi cũng rất muốn đổi mới bản thân. Tôi nghĩ sau này tôi sẽ khám phá thêm những thể loại âm nhạc khác, thay vì chỉ thuần túy pop-ballad như hiện tại.
- Nhiều người chỉ sau một bài hát đã trở thành hiện tượng, bứt phá thành sao nhưng cũng có người dù đã có rất nhiều hit vẫn bị mang tiếng là “ca sĩ nhạc chợ”. Anh có sợ điều đó không?
- Tôi có đấy. Nhưng không phải là sợ bị gọi là ca sĩ nhạc chợ hay gì mà là sợ khán giả nghĩ rằng mình chỉ có vậy. Tôi nghĩ rằng bản thân cũng có những khả năng nhất định về màu giọng, về việc sáng tác, do vậy, tôi tin mình có thể làm được nhiều chuyện hơn.
Tôi không đặt nặng mình phải thành sao hay hiện tượng nhưng mỗi ngày tôi đều cố gắng phải tốt hơn. Tôi cũng không ngại đầu tư cho âm nhạc, nghĩa là mình làm được bao nhiêu, mình lại tái đầu tư. Sự chăm chỉ chắc chắn sẽ được ghi nhận.
Nhật Phong cho biết anh và Hương Ly không có quan hệ tiền bạc trong hợp tác âm nhạc. |
"Tôi không trả tiền cho Hương Ly để cover"
- Hương Ly cover một số ca khúc của anh. Theo như thông tin mà chính quản lý của hiện tượng cover này từng tiết lộ thì một số ca sĩ đã đặt hàng Hương Ly cover với giá 20 triệu đồng/bài. Trường hợp của anh thì sao?
- Tôi không biết Hương Ly với ca sĩ khác như nào nhưng tôi và Hương Ly không có quan hệ tiền bạc. Chúng tôi chơi trong một nhóm chung và khá thân thiết. Có lần tôi cũng cover ca khúc của Ly, ngược lại Ly lại cover ca khúc của tôi. Không hề có chuyện tôi phải trả tiền cho Ly để Ly cover.
- Cũng có trường hợp ca sĩ cấm Hương Ly cover và đăng trên trang cá nhân vì cho rằng đó là vi phạm bản quyền. Hơn cả, nhiều clip cover của Hương Ly có lượt xem cao hơn clip chính chủ. Anh có lăn tăn?
- Tôi thì không vì ai cover ca khúc của tôi mà lượt xem cao hơn, tôi cũng vẫn vui. Với ca khúc của tôi, Hương Ly cũng là một màu giọng khác nên sẽ có những thú vị nhất định. Tôi và Hương Ly đều không tính toán trong chuyện này.
- Anh đã sống tốt từ âm nhạc chứ?
- Từ khi có những ca khúc được yêu thích, cuộc sống của tôi cải thiện nhiều. Tôi có nhiều show diễn, việc livestream cũng có thu nhập. Nhìn chung, tôi bây giờ sống ổn, đủ trang trải cho cuộc sống nhưng để có được những giá trị vật chất lớn thì chưa, tôi vẫn phải cố gắng nhiều.