Zing trích dịch bài đăng từ BBC, đề cập đến những khó khăn mà những người đàn ông không có dấu vân tay gặp phải trong xã hội ngày càng ưa chuộng dữ liệu sinh trắc học.
Apu Sarker (22 tuổi) sống cùng gia đình tại một ngôi làng ở phía bắc thành phố Rajshani (Bangladesh). Anh từng là một trợ lý y tế, còn bố và ông nội anh đều làm nông.
Những người đàn ông trong gia đình của Apu đều có chung một đặc điểm: Họ không có dấu vân tay do ảnh hưởng của đột biến gen cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.
Ở thời ông nội Apu, không có vân tay chẳng phải chuyện gì to tát. Nhưng sau vài thập kỷ, những đường xoáy ở đầu ngón tay đã trở thành dữ liệu sinh trắc học được thu thập nhiều nhất thế giới. Con người sử dụng chúng cho mọi thứ, từ qua cổng an ninh sân bay, bỏ phiếu đến mở khóa điện thoại.
Ông Amal và con trai Apu. |
Khó được cấp giấy tờ tùy thân
Năm 2008, Bangladesh triển khai loại căn cước công dân mới và yêu cầu người dân phải cung cấp dấu vân tay.
Đến trường hợp của ông Amal Sarker, bố của Apu, các nhân viên hành chính không biết phải xử lý như thế nào. Cuối cùng, ông nhận chiếc thẻ căn cước đóng dấu “không có vân tay” ở mặt sau.
Năm 2010, dấu vân tay tiếp tục trở thành điều kiện bắt buộc đối với hộ chiếu và bằng lái xe. Sau nhiều lần cố gắng, cuối cùng ông Amal cũng được nhận hộ chiếu bằng cách xuất trình giấy chứng nhận tình trạng bệnh của hội đồng y tế.
Tuy nhiên, ông chưa từng sử dụng đến nó. Ông lo sợ những vấn đề thủ tục mình có thể phải đối mặt tại sân bay.
Ngoài ra, ông Amal cũng không lấy bằng lái xe máy, mặc dù đó là phương tiện cần thiết cho công việc đồng áng của ông.
“Tôi đã trả phí, đỗ bài thi sát hạch nhưng họ không cấp bằng vì tôi không thể cung cấp dấu vân tay”, ông Amal chia sẻ.
Các đầu ngón tay của ông Amal trống trơn, không có vân. |
Amal luôn mang theo biên lai đóng phí thi bằng lái xe bên mình, nhưng không phải lúc nào nó cũng giúp ích cho ông. Ông từng bị phạt 2 lần vì không có bằng lái xe, dù đã giơ những đầu ngón tay mịn màng và giải thích cho các sĩ quan cảnh sát.
Năm 2016, chính phủ Bangladesh bắt buộc SIM điện thoại phải chính chủ và có vân tay xác nhận. Gia đình Sarker lại rơi vào tình huống khó khăn khác.
“Mỗi khi tôi đặt ngón tay lên máy cảm biến, nó lại tự động bị đơ. Các nhân viên bối rối vô cùng”, Apu kể lại.
Do đó, những người đàn ông trong gia đình anh phải sử dụng những thẻ SIM dưới tên của mẹ Apu.
Gopesh, chú của Apu, sống ở Dinajpur (Bangladesh), phải đợi 2 năm để có được một cuốn hộ chiếu cho riêng mình.
“Tôi phải di chuyển quãng đường 350 km để đến Dhaka tới 4-5 lần trong 2 năm qua chỉ để thuyết phục chính quyền cấp hộ chiếu cho mình”, ông nói.
Tình trạng cực kỳ hiếm gặp
Tình trạng mà gia đình Sarker đang gặp phải có tên là Adermatoglyphia. Nó lần đầu tiên được biết đến rộng rãi vào năm 2007, khi một người phụ nữ Thụy Điển gặp khó khăn nhập cảnh vào Mỹ đã tìm đến sự giúp đỡ của Giáo sư Peter Itin chuyên về da liễu.
Anu, em trai của Apu, cũng gặp vấn đề tương tự do gen di truyền. |
Gương mặt của cô gái này hoàn toàn trùng khớp với ảnh trên hộ chiếu, nhưng các nhân viên hải quan không tìm được bất kỳ dấu vân tay nào vì 10 đầu ngón tay của cô ấy trống trơn.
Sau khi kiểm tra, Giáo sư Itin phát hiện người phụ nữ đó cùng 8 thành viên trong gia đình cô có cùng một đặc điểm kỳ lạ - các đầu ngón tay phẳng, mịn và giảm số lượng tuyến mồ hôi ở bàn tay.
“Chỉ có một vài gia đình trên thế giới có tình trạng này, còn cá thể đơn lẻ thì cực kỳ hiếm”, giáo sư nói với BBC.
Năm 2011, Giáo sư Itin và nhóm nghiên cứu của ông, bác sĩ da liễu Eli Sprecher và nghiên cứu sinh Janna Nousbeck, phát hiện ra rằng mã gen SMARCAD1 là nguyên nhân gây ra tình trạng không dấu vân tay.
Sự đột biến gen này dường như không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe ngoài những đầu ngón tay trắng trơn.
Không thể kiểm soát hay chữa trị
Sự phát triển thời đại công nghệ số khiến cho gia đình Sarker rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười. Ông Amal cho biết bản thân đã sống một cuộc đời không gặp quá nhiều rắc rối, nhưng ông cảm thấy có lỗi với các con mình.
Apu chán nản khi phải giải thích tình trạng không vân tay của mình nhiều lần. |
“Tôi không kiểm soát được nó, ‘căn bệnh’ này nằm trong gen di truyền rồi. Việc mà tôi và các con trai gặp đủ khó khăn xung quanh vấn đề này khiến tôi thực sự đau buồn”, ông thừa nhận.
Mới đây, hai bố con Apu được nhận một loại thẻ căn cước mới cho chính phủ Bangladesh cấp sau khi họ xuất trình giấy chứng nhận y tế. Thẻ này sử dụng dữ liệu sinh trắc học khác - quét võng mạc và nhận dạng khuôn mặt.
Tuy nhiên, họ vẫn không thể mua thẻ SIM điện thoại hay lấy bằng lái xe. Còn để lấy được hộ chiếu, họ sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Tôi chán khi phải giải thích đi, giải thích lại vấn đề vân tay của mình với người khác. Tôi đã xin mọi người hướng giải quyết cho chuyện này nhưng chẳng ai có thể đưa ra câu trả lời cụ thể. Có lẽ tôi nên ra tòa để làm việc”, Apu chia sẻ.