Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làn sóng trầm cảm hậu đại dịch ở Trung Quốc

Cảm giác phản bội gia đình vẫn đeo bám bác sĩ Zhang, ngay cả khi cô được truyền thông và người dân ca ngợi là người hùng tuyến đầu chống dịch.

Zing trích dịch bài đăng từ New York Times, đề cập đến những di chứng tâm lý ở Trung Quốc hậu đại dịch Covid-19.

Dù cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc gần như đã khép lại, Zhang Xiaochun - một bác sĩ ở Vũ Hán - vẫn chìm trong chứng trầm cảm.

Hồi đầu năm, khi đại dịch khởi phát, Zhang đã lựa chọn làm việc ở tuyến đầu mặc dù bố cô lâm bệnh nặng. Cô cũng không có thời gian chăm sóc cho con gái, thường xuyên để con ở nhà một mình. Vì vậy, cô tin rằng mình đã thất bại trong cả việc làm mẹ và làm con.

tram cam hau dai dich anh 1

Khủng hoảng đại dịch khiến Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần. Ảnh: Reuters.

Ngay cả khi được truyền thông và người dân ca ngợi công lao với tư cách là bác sĩ tuyến đầu, cảm giác phản bội gia đình vẫn đeo bám bác sĩ Zhang. Sau lần đó, bố mẹ cũng đối xử lạnh nhạt với cô.

Các nghiên cứu cho thấy nhân viên y tế là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi dư chấn của đại dịch. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 1/2 số nhân viên chăm sóc sức khỏe ở quốc gia này có triệu chứng trầm cảm, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi khi bệnh nhân qua đời.

Tuy nhiên, thay vì che giấu những cảm xúc đó như cách mà xã hội Trung Quốc thường làm khi nhắc đến bệnh tâm thần, bác sĩ Zhang chủ động tham khảo ý kiến từ các nhà trị liệu tâm lý.

“Nếu chúng ta có thể đối mặt với đại dịch toàn cầu thì cớ sao chúng ta không thể bàn luận về một vấn đề nhỏ nhặt như sức khỏe tâm thần?”, Zhang nói.

Không thể tiếp tục phớt lờ

Covid-19 đã buộc Trung Quốc phải đối mặt với sức khỏe tâm thần - một chủ đề vốn bị bỏ qua lâu nay do nguồn lực khan hiếm, cũng như bị xã hội kỳ thị.

Dưới thời Mao Trạch Đông, bệnh tâm lý được coi là chứng hoang tưởng, do đó hệ thống chăm sóc y tế cho lĩnh vực này bị dỡ bỏ. Thậm chí đến nay, sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong xã hội. Nhiều người mắc bệnh tâm thần bị xa lánh, nhốt ở nhà hoặc giam giữ trong các cơ sở giáo dục.

tram cam hau dai dich anh 2

Nhóm điều hành đường dây nóng hỗ trợ ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh hồi tháng 2. Ảnh: CNS Photo.

Thế nhưng, sau sự bùng phát của đại dịch, bệnh tâm lý ở xứ tỷ dân không thể tiếp tục bị phớt lờ. Những đau thương, mất mát kinh hoàng mà Covid-19 đem lại đã gây chấn động cho từng cá nhân và cả cộng đồng.

Theo một cuộc khảo sát do một trường đại học Thượng Hải thực hiện trên toàn quốc, vào thời điểm bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, hơn 1/3 số người dân trải qua các triệu chứng trầm cảm, lo lắng, mất ngủ hoặc căng thẳng cấp tính. Một chuyên gia ở Bắc Kinh cảnh báo rằng những ảnh hưởng này có thể kéo dài 10-20 năm.

Trước tình hình trên, các chính quyền địa phương nhanh chóng thiết lập đường dây nóng hỗ trợ người dân.

Nhiều hiệp hội tâm lý học tổ chức hội thảo trực tuyến và ra mắt ứng dụng hỗ trợ tâm lý trên điện thoại. Các trường học tiến hành sàng lọc những học sinh bị mất ngủ hoặc trầm cảm. Các trường đại học cũng thành lập trung tâm tư vấn tâm lý.

“Vì đại dịch, nhiều người dũng cảm tìm kiếm sự giúp đỡ tinh thần. Xã hội ngày một chấp nhận vấn đề này. Đó là một tín hiệu mới mẻ và đáng mừng”, Du Mingjun - một nhà trị liệu tâm lý ở Vũ Hán - chia sẻ.

Bác sĩ Du là một trong những người đầu tiên chứng kiến sự thay đổi trong sức khỏe tâm thần ở xứ tỷ dân từ khi Covid-19 xuất hiện. Số cuộc gọi vào đường dây nóng do cô và các đồng nghiệp thiết lập tăng chóng mặt, lên đến 200-300 cuộc/ngày.

tram cam hau dai dich anh 3

Nhiều người dân suy sụp, hoảng loạn khi đại dịch xuất hiện. Ảnh: Getty Images.

Trong đó, một người phụ nữ gọi đến vì bố mẹ cô nằm ở 2 bệnh viện riêng và việc cố gắng chạy qua lại giữa 2 nơi khiến cô trên bờ vực suy sụp. Một người đàn ông hoảng loạn, đo nhiệt kế 30 phút/lần vì sợ nhiễm virus corona. Một cậu bé 12 tuổi gọi vào đường dây nóng vì cảm thấy lo lắng cho mẹ.

Số cuộc gọi giảm dần khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đến cuối tháng 10, đường dây nóng hỗ trợ chỉ còn khoảng 10 cuộc/ngày. Lúc này, họ tìm kiếm giúp đỡ về những vấn đề đời thường hơn như áp lực học tập hoặc tranh cãi với gia đình, thay vì khủng hoảng do Covid-19 như trước.

Ảnh hưởng từ già đến trẻ

Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sau nhiều tháng phong tỏa, học sinh dễ xảy ra xung đột với phụ huynh và giáo viên. Tháng 5, một quan chức Thượng Hải cho biết các vụ học sinh lớp 12 tự tử có xu hướng gia tăng, phát sinh từ áp lực học tập và tranh cãi trong gia đình.

Theo đó, các trường học trên khắp đất nước tích cực mở rộng cơ sở tư vấn sức khỏe tâm thần và khuyến khích học sinh thư giãn.

Ở phía bắc tỉnh Hà Bắc, chính quyền địa phương sản xuất phim hoạt hình giúp học sinh hiểu hơn về các chấn thương tâm lý. Tại phía nam thành phố Quảng Châu, học sinh được hướng dẫn viết thư và thực hành các bài tập hít thở để giảm căng thẳng.

Xiao Zelin, sinh viên năm 3 ĐH Sun Yat-sen ở Quảng Châu, cho biết anh bị lo lắng và mắc chứng mất ngủ khi trở lại trường vào mùa thu năm nay. Sau nhiều tháng ngồi nhà, anh cảm thấy khó khăn để thích nghi với đám đông. Đồng thời, Xiao mất vị giác và luôn căng thẳng.

tram cam hau dai dich anh 4

Sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên cũng được quan tâm. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ công cộng được triển khai, chẳng hạn như đến thăm nhà những người cao niên sống một mình.

“Sau Covid-19, mọi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe cá nhân, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Đây sẽ là một sự thay đổi lâu dài trong xã hội”, Liang Lingyan - một bác sĩ tâm lý ở Thượng Hải - cho biết.

Thiếu hụt nhân lực

Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc vẫn còn nhiều lỗ hổng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy những người cần giúp đỡ lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trợ giúp.

Theo kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu Trung Quốc, chỉ có 7% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần tìm kiếm sự giúp đỡ trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, mặc dù chính phủ đã giới thiệu và cho ra mắt các ứng dụng, trang web.

Đồng thời, xứ tỷ dân cũng có quá ít chương trình đào tạo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, theo nhận định của Yu Linga, một nhà tâm lý học người Trung Quốc làm việc ở Tokyo (Nhật Bản). Ngay cả khi việc đào tạo được mở rộng, nó cũng sẽ tốn nhiều thời gian, không thể cung cấp nhân lực kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đất nước này không có đủ bác sĩ trị liệu tâm cho 1,4 tỷ dân. Năm 2017, ước tính chỉ có dưới 9 chuyên gia lĩnh vực này cho mỗi 100.000 cư dân.

tram cam hau dai dich anh 5

Dịch Covid-19 để lại nhiều di chứng tâm lý cho người dân Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Về phần mình, bác sĩ Zhang cảm thấy liệu pháp chữa trị tâm lý chưa đủ hiệu quả với cô nhưng cuối cùng, cô đã tìm thấy những nguồn an ủi khác. Zhang đắm mình trong những tác phẩm của Wang Yangming, một triết gia thời nhà Minh.

Cô cũng rời bỏ công việc ở bệnh viện Vũ Hán và chuyển đến sống ở Thành Đô cùng gia đình, dành thời gian cho chồng và con gái. Zhang hy vọng một ngày bố mẹ cô sẽ hiểu quyết định tham gia tuyến đầu chống dịch của cô ngày ấy.

Zhang nhấn mạnh rằng cô không phải trường hợp duy nhất. Rất nhiều đồng nghiệp cũ của cô vẫn đang vật lộn với những vết sẹo tâm lý từ đợt bùng phát dịch hồi đầu năm. Cô rất vui khi họ tìm đến các nhà trị liệu để được giúp đỡ.

“Bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn nào cũng sẽ để lại nỗi đau cho con người. Chúng ta chẳng việc gì phải thấy xấu hổ về điều đó”, cô nói.

Cộng đồng gốc Việt ở California chật vật vì Covid-19

Số người Mỹ gốc Việt được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nhiều hơn các nhóm gốc Á khác nên họ đặc biệt nhạy cảm với dịch bệnh.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm