Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Gia đình trẻ TP.HCM lắp 10 chiếc camera khi có em bé

Hồng Anh từng “cắn răng” chi 9 triệu đồng để đăng ký trại hè cho con, trong khi Hồng Sơn đầu tư hàng chục triệu vào camera, máy lọc không khí để đảm bảo con an toàn và khỏe mạnh.

Thu nhập ít thay đổi song chuyện chi tiêu có sự khác biệt lớn giữa giai đoạn độc thân, lập gia đình cho đến sinh nở và nuôi dạy con là điều khiến nhiều cặp vợ chồng phải đau đầu “cân đo đong đếm”. Chưa kể, một số gia đình có thể phát sinh chi tiêu ngoài dự tính khi bất ngờ mang thai đôi hoặc "lỡ" sinh con quá liền nhau.

Chăm sóc con cái là khoản tiền tốn kém nhưng xứng đáng, theo ý kiến của hầu hết gia đình. Đó là lý do để họ cố gắng phân bổ thu nhập hợp lý, đầu tư những điều tốt nhất cho con giữa bối cảnh kinh tế khó khăn cộng thêm phí sinh hoạt đắt đỏ ở những thành phố có mức sống cao bậc nhất Việt Nam.

Tri thức - Znews đã trao đổi với 5 gia đình với hoàn cảnh đa dạng ở TP.HCM và Hà Nội để lắng nghe họ chia sẻ về chuyện chi tiêu, chăm sóc con cái thường ngày.

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 1Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 2

Hồng Sơn (gia đình LGBT mới đón con đầu lòng, ở Nhà Bè, TP.HCM)

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 3

Gia đình nhỏ của Hồng Sơn.

Chúng tôi chung sống và đăng ký kết hôn hồi tháng 2/2023.

Tôi là người đồng tính nam, còn chồng tôi là người chuyển giới nửa trên từ nữ sang nam nên chúng tôi có thể sinh con bằng phương pháp tự nhiên. Chồng tôi cũng mang bầu giống như bao chị em khác và chính thức hạ sinh con trai nặng 2,8 kg vào 10/2 vừa qua. Chi phí sinh là 80 triệu đồng.

Trước khi có con, chúng tôi chi tiêu vừa phải, chủ yếu đầu tư tiền vào việc phóng sinh, cúng kiếng (trên dưới 10 triệu đồng/lần, 2-3 lần/tháng) và lì xì cho những người bán vé số dạo (100.000-200.000 đồng/người, 5 người/ngày). Vợ chồng tôi xem đây là cách duy trì phước đức, đồng thời mang lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.

Hiện tại, vợ chồng tôi kinh doanh mỹ phẩm, nước hoa.

Sau khi có con, chuyện chi tiêu trong gia đình đã có sự đổi khác. Một số khoản tiền phát sinh phải kể đến tiền thuê vú nuôi và người tắm cho em bé (13 triệu đồng/tháng), sữa bột (500.000-600.000 đồng/hộp, khoảng 3 hộp/tháng).

Con ăn ngoan, ngủ ngoan nên chúng tôi thấy những khoản tiền trên đều xứng đáng. Chúng tôi còn bố trí 10 chiếc camera có giá 15 triệu đồng và nhiều máy lọc không khí (6 triệu đồng/máy) ở mỗi phòng để "phục vụ" thành viên nhỏ tuổi nhất nhà.

Về phần chồng tôi, anh ấy đã sớm hồi phục sau trải nghiệm vượt cạn thành công vì cơ địa khỏe, lại được tiêm hormone nam từ trước. Tôi còn nhớ khi cả 2 sẵn sàng đón thành viên mới và được gia đình ủng hộ hết lòng, tôi đã nói chồng ngừng tiêm hormone để lấy lại kinh nguyệt. Và chúng tôi có con chung bằng phương pháp tự nhiên.

Trong thời gian mang thai, chồng tôi vẫn lo chu toàn mọi việc ở nhà, thậm chí phụ tôi trả lời tin nhắn khách hàng. Chỉ có điều, tâm sinh lý anh ấy thay đổi đôi chút như hay cáu gắt, dễ tủi thân... nên cần tôi đồng hành.

Giờ đây, anh ấy chăm con rất khéo và thường tìm hiểu mọi kiến thức liên quan đến nuôi dạy một đứa trẻ.

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 4Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 5

Hà My (gia đình 2 vợ chồng, 1 con ở TP.HCM)

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 6

Gia đình nhỏ của Hà My.

Bé nhà tôi tròn 5 tháng tuổi và còn 1 tháng nữa là tôi sẽ đi làm trở lại. Khi ấy, tôi dự tính gửi bố mẹ chăm phụ, đồng thời cố gắng cân bằng thời gian giữa kiếm tiền và nuôi con.

Con tôi chỉ sử dụng sữa công thức, lại được nuôi theo một số điểm hay của phương pháp EASY (chuỗi sinh hoạt được lặp lại hàng ngày để cơ thể em bé hình thành nhịp sinh học và hợp tác với mẹ - PV). Do đó, tôi sẽ đánh thức con dậy trong khoảng 6h-6h30 - thời gian phù hợp với lịch đi làm của tôi - để con uống sữa, rồi giao cho ông bà.

Nếu con theo phương pháp này ngay từ khi lọt lòng thì quả thực không khó, nhưng điều quan trọng là chọn lọc ưu điểm của phương pháp và không quên lắng nghe cơ thể em bé. May mắn là con tôi hợp tác và tăng cân khá đều.

Lần đầu chăm sóc 1 đứa bé khiến tôi bỡ ngỡ nhiều, tâm sinh lý cũng vì thế mà trở nên nhạy cảm đến mức dỗ con không nín hay chồng về muộn là tủi thân phát khóc. Có thể nói, 2 tháng đầu làm mẹ là giai đoạn tôi mệt mỏi nhất cả về tinh thần lẫn thể xác - trong khi vết thương sinh thường chưa lành.

Từ một người thích tự do vi vu khắp nơi, tôi bỗng trở thành bà mẹ trẻ suốt ngày quanh quẩn bên con. Dù có bà ngoại em bé hỗ trợ phần nào, vợ chồng tôi chủ yếu "tự lực cánh sinh" vì gia đình neo người và sinh con đúng thời điểm gia đình xảy ra biến cố.

Trước khi sinh, tôi cũng ỷ có mẹ giúp đỡ nên không quan tâm nhiều đến kiến thức nuôi con. Nhưng một số sự việc xảy ra buộc tôi "học cấp tốc" kiến thức từ những bà mẹ nằm cùng phòng bệnh viện cho đến điều dưỡng, bác sĩ. Sau này, tôi hỏi thêm bạn bè xung quanh, quan sát những đứa cháu trong gia đình để rút kinh nghiệm cho con mình.

Phải đến khi em bé tròn 3 tháng tuổi, tôi mới dần quen với cuộc sống hiện tại, thôi không dằn vặt bản thân về chuyện mình không có sữa mẹ cho con bú.

Việc có thêm thành viên cũng thay đổi chuyện chi tiêu đến chóng mặt. Đó là lý do tôi phải đi làm trở lại để hỗ trợ chồng lo kinh tế gia đình. Một tuần "bay" 1 hộp sữa khoảng 500.000 đồng khiến vợ chồng tôi... tốn tiền trong hạnh phúc (cười).

Chưa kể, chúng tôi đầu tư thêm máy tiệt trùng sấy khô kèm nấu nước, máy lọc không khí và máy sấy quần áo. Đặc biệt, con bú bình nhiều nên việc có các thiết bị khử khuẩn là cần thiết. Tổng tiền cho máy móc khoảng 30 triệu đồng, bao gồm máy lạnh - thứ tôi từng không thích dùng nhưng chấp nhận mua vì con.

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 7Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 8

Hồng Anh (gia đình 2 vợ chồng, 3 con ở Hà Nội)

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 9

Gia đình nhỏ của Hồng Anh.

Là vợ chồng trẻ và đông con nên chúng tôi không tiết kiệm được quá nhiều từ thu nhập hàng tháng. Thay vào đó, các khoản tiết kiệm thường do người thân hỗ trợ hoặc sinh lời từ lĩnh vực đầu tư tay trái của 2 vợ chồng.

Chi tiêu mỗi tháng của gia đình rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng cho tiền ăn uống (bao gồm ăn chính, ăn vặt và sữa cho con - 16 triệu đồng); điện nước (2 triệu đồng); xăng xe, điện thoại (1 triệu đồng); thuốc men, quần áo (3 triệu đồng) và tiền học (10 triệu đồng).

Trước đó, chúng tôi chi 100 triệu đồng cho 3 lần sinh mổ, chưa kể chi phí thăm khám, thuốc men và thực phẩm bồi bổ trong quá trình mang thai. Tiền mua đồ sơ sinh “sương sương” mỗi lần lên đến 30 triệu đồng.

Hai đứa con sau của tôi sinh khá sát nhau - bé trai mới 2 tuổi thì tôi đã mang thai bé gái nên áp lực chi tiêu càng tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi tâm niệm con cái là lộc trời cho nên cứ… sinh rồi tính tiếp. May mắn là thu nhập của tôi khá ổn định vào thời điểm ấy.

Chỉ có điều, tôi nghỉ thai sản 3 tháng rồi đi làm trở lại chứ không đợi đến khi con tròn 2 tuổi như đứa đầu lòng. Chúng tôi thuê giúp việc để trông bé thứ 2, riêng bé thứ 3 ra đời đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát nên coi như tôi nghỉ thai sản dài hạn (cười).

Về chuyện nuôi dưỡng 3 thiên thần, vợ chồng tôi phải học cách quan sát, nắm bắt tâm lý con hàng ngày vì mỗi đứa một cá tính. Tôi cũng có kinh nghiệm chăm em gái cách mình 14 tuổi từ bé nên có thể áp dụng vào việc chăm con sau này. Hiện tại, các con tôi đều lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn - riêng anh cả biết phụ giúp bố mẹ để mắt đến em.

Chúng tôi cũng có những lần "cắn răng" đầu tư cho con, chẳng hạn như bỏ 9 triệu đồng để con rèn tính tự lập trong trại hè quân đội kéo dài 2 tuần hay 20 triệu đồng cho khóa học tiếng Anh tại trung tâm dù kết quả không như kỳ vọng.

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 10Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 11

Kim Liên (gia đình 2 vợ chồng có cặp song sinh ở Hà Nội)

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 12

Gia đình nhỏ của Kim Liên.

Thu nhập trung bình của vợ chồng tôi là 25 triệu đồng/tháng. Tôi không có thói quen ghi chép chi tiết phí sinh hoạt nhưng vẫn nắm rõ các khoản tiền cần đóng được thông báo qua điện thoại.

Cụ thể, tiền ăn (8-9 triệu đồng), điện (1 triệu đồng), nước (200.000 đồng), truyền hình cáp (240.000 đồng), tổng tiền học chính và học thêm của con (10 triệu đồng).

Riêng tiền học thêm chia thành các khoản nhỏ hơn là IELTS - 2,5 triệu đồng/tháng, toán - 1,6 triệu đồng/tháng, tiếng Anh - 1 triệu đồng/tháng và học phụ đạo ở trường - 2,4 triệu đồng/tháng/cặp song sinh.

Như vậy, thu nhập của chúng tôi "vừa khít" với mức phí sinh hoạt ở khu vực Tây Hồ (Hà Nội) được cho là cao hơn hẳn một số nơi chỉ cách đó 10-15 km.

Ngoài sinh hoạt phí thường ngày, chúng tôi có một số khoản phát sinh như mua xe máy trị giá 27 triệu đồng cho con gái lớn tự túc đi học, dù khi ấy 2 vợ chồng chỉ còn 5-6 triệu tiền tiết kiệm. Chưa kể, ma chay hiếu hỉ tốn kém từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cũng là số tiền buộc chi.

Nhìn chung, các khoản chi tiêu chủ yếu "đổ" vào con cái - nhỏ thì lo tã, sữa; lớn thì lo tiền học.

Nhớ lại thời gian trước, chúng tôi tốn kha khá cho lần sinh đôi bởi phải trả 20 triệu đồng để nhờ bác sĩ theo dõi, hỗ trợ ngay từ lúc mang thai cho đến khi vào viện. Khi biết tin tôi mang song thai, 2 vợ chồng mừng gấp đôi nhưng lo lắng cũng gấp đôi người thường.

Ngoài việc mua tã, sữa loại tốt, chúng tôi cũng đầu tư trang phục, đồ chơi đồng bộ cho 2 anh em sao cho ra dáng cặp sinh đôi. Giai đoạn 10-12 tuổi, chúng mới bắt đầu chọn lựa kiểu dáng, màu sắc quần áo khác nhau.

Lúc này, chúng tôi dạy con bài học về sự tiết kiệm và quản lý chi tiêu. Cụ thể, các con để dành tiền lì xì hàng năm trong heo đất và được tự do sử dụng đối với những khoản từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Nếu cần chi khoản tiền lớn hơn, chúng cần xin ý kiến bố mẹ.

Bên cạnh đó, vì là sinh đôi nên 2 anh em có xu hướng bắt chước thái độ, hành vi của nhau đối với một sự việc. Chúng tôi khi ấy phải cương nhu kết hợp để con hiểu ra vấn đề.

Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 13Chi tieu gia dinh,  Chi phi sinh con anh 14

Phương Quỳnh (gia đình 2 vợ chồng ở TP.HCM)

Tổng thu nhập của vợ chồng tôi dao động từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Ngoài một phần tiết kiệm, các khoản cố định hàng tháng gia đình tôi phải trả là tiền ăn uống (7 triệu đồng), điện nước (1 triệu đồng), xăng (1,2 triệu đồng), mua sắm đồ dùng (1,5 triệu đồng) và hỗ trợ 2 bên gia đình (5 triệu đồng).

Chúng tôi không áp dụng phương pháp quản lý chi tiêu cầu kỳ mà chỉ thống nhất với nhau rằng thu nhập cá nhân trừ đi khoản tiết kiệm chung và chi phí sinh hoạt hàng tháng thì còn dư chút đỉnh - mỗi người tự giữ số tiền này phòng trường hợp ăn uống với bạn bè hoặc sắm sửa cá nhân.

Dù không quản tiền của nhau theo tư tưởng “vợ giữ hết lương chồng”, chúng tôi luôn hỏi ý kiến nhau trước khi xài tiền. Chẳng hạn, chồng thông báo với tôi về những cuộc ăn nhậu cùng bạn bè. Tôi cũng bàn bạc với anh xem các sản phẩm mình định mua liệu có thực sự hữu ích cho gia đình nhỏ, chứ không thích gì mua nấy như thời độc thân.

Chúng tôi trước giờ chưa từng stress chuyện tiền bạc bởi tính 2 đứa vốn vô tư, có bao nhiêu thì cân đối chi tiêu, dành dụm bấy nhiêu.

Sắp tới, khi công việc ổn định hơn, chúng tôi sẽ lên kế hoạch đón thành viên mới.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.

Moi cuoi xong thi Tet den hinh anh

Mới cưới xong thì Tết đến

0

Năm đầu làm dâu, Ngọc Thuận cho hay cô hoảng hốt khi nhìn tổng số tiền dự chi cho dịp Tết. Trong khi đó, tâm lý Ngô Trang lại khá thoải mái vì đã "tập dượt" trước khi lấy chồng.

Mai Vũ

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm