Ngày 5/1, Công ty luật Viên An đã có thông báo đến TAND Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ cho ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC.
Thôi bào chữa vì thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang - một trong 2 luật sư của Công ty Viên An được cấp giấy chưng nhận bào chữa cho ông Thanh - cho biết bà và đồng nghiệp rút khởi danh sách bào chữa vì “thời gian tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ tài liệu quá ngắn, không đảm bảo để bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh tốt nhất”.
Bà Trang cho biết từ hôm tiếp cận hồ sơ đến khi xét xử, các luật sư chỉ có 12 ngày tính cả cuối tuần và ngày nghỉ lễ. Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, bà Trang mới gặp ông Thanh một lần trong thời gian khoảng 15 phút.
“Sức khỏe, tinh thần ông Thanh tốt. Ông ấy tỉnh táo, nhìn nhận sự việc lạc quan”, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang chia sẻ. Nữ luật sư không bình luận gì về bản cáo trạng.
Bà Trang cho biết ông Thanh đã có đơn đề nghị gia đình hỗ trợ khắc phục hậu quả. Cũng trong ngày 5/1, gia đình đã nộp khắc phục số tiền 2 tỷ đồng.
Theo dự kiến Trịnh Xuân Thanh và 21 đồng phạm trong đó có ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí) bị đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 8/1.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 13 ngày (từ 8-21/1). Chủ tọa phiên tòa là Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán thứ 2 là ông Trương Việt Toàn, ngoài ra còn có 3 hội thẩm nhân dân.
Ông Đinh La Thăng và 11 người khác bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165, khoản 3 - Bộ luật hình sự năm 1999.
Có 8 bị cáo khác bị truy tố về tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 278, khoản 4. Riêng Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội trên.
Ông Trịnh Xuân Thanh chỉ còn 7 luật sư bào chữa. |
Ký gói thầu, ứng tiền tạm ứng trái quy định
Cơ quan tố tụng xác định cuối năm 2007, ông Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, để thực hiện mục tiêu xây dựng Tổng công ty này trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam.
Gần 2 năm sau, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng công ty Sông Đà về làm Phó tổng giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.
Để tạo điều kiện cho công ty của Trịnh Xuân Thanh, Tập đoàn Dầu khí đã miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các dự án được tập đoàn chỉ định với PVC nhưng đến cuối năm 2009, tình hình tài chính của đơn vị này lâm vào khó khăn, toàn bộ tài sản ngắn hạn của tổng công ty này không đủ bù đắp nợ ngắn hạn.
Nhằm giúp PVC khắc phục khó khăn về tài chính, ông Thăng đã chỉ định Tổng công ty này thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời yêu cầu cấp dưới làm thủ tục để PV Power (đơn vị đang thực hiện dự án) ký hợp đồng bàn giao lại gói thầu trái quy định, qua đó để PVC tạm ứng số tiền 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Hành vi nêu trên của ông Đinh La Thăng phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Trịnh Xuân Thanh cũng bị truy tố về tội danh này do có hành vi chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC trái quy định.
Trịnh Xuân Thanh tham ô tiền tỷ
Trong vụ án này, Thanh cùng đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Trong số này Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Cơ quan tố tụng đánh giá hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản quy định theo khoản 3 Điều 165 và khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội, sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra.