Những dòng trên đây trong lá thư kín bốn trang giấy của Lê Thị Huyền (lớp 11A1, trường THPT Mỹ Đức B, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) viết gửi đến Ban chấp hành huyện đoàn Mỹ Đức xin học bổng “Chung một ước mơ".
Thư viết tiếp: "Nhìn mẹ mệt nhoài trên giường bệnh vì nói quá nhiều mà em muốn khóc, cổ họng nghẹn ứ, tim em quặn thắt, chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh để em trưởng thành, để em có thể ra ngoài xã hội kiếm tiền về chữa bệnh cho mẹ”.
Từ lá thư, chúng tôi tìm về nhà Huyền.
Lê Thị Huyền. |
Làm trụ cột
Giữa những ngôi nhà cao tầng, lát gạch khang trang ở thôn Vĩnh Thành (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức), căn nhà lợp tôn, nền xi măng của mẹ con Huyền càng trở nên lạc lõng.
Trong căn nhà bề ngang rộng chừng 2,5 m2, mẹ con Huyền đang ăn trưa. Bữa cơm chỉ có đĩa rau muống luộc và một ít tóp mỡ. Căn nhà cũ kỹ ấy cũng không phải của mẹ con Huyền mà là của người bác ruột cho ở nhờ. Căn nhà không có giếng, không có nhà vệ sinh, Huyền phải đi gánh nước ở giếng làng về dùng. Mùa gặt, bạn cũng phải mang lúa sang nhà hàng xóm phơi nhờ.
Huyền 5 tuổi, người cha đột ngột qua đời vì bị ngã xuống giếng. Sự ra đi đột ngột của chồng cùng gia cảnh nghèo túng khiến tâm trí bà Thanh dần rối loạn, bà ôm con về nhà ngoại, ở nhờ nhà anh trai.
Cách đây sáu năm, bà phát bệnh, phải nằm viện điều trị vì chứng bệnh tâm thần phân liệt. Học lớp 6, chưa kịp trải qua hết tuổi thơ, Huyền đã phải trưởng thành để trở thành trụ cột trong gia đình với những tính toán tiền thuốc cho mẹ, tiền học cho mình, tiền ăn cho hai mẹ con...
“Năm nó học lớp 9 thì mẹ phát bệnh nặng phải nhập viện và cương quyết bắt con phải bỏ học. Biết nó ham học, tôi phải lén mang sách vào, nhờ các bác sỹ đưa dùm để nó ôn thi, vì nếu biết sách mình gửi vào mẹ nó sẽ chửi, sẽ xé mất”... Kể câu chuyện giữa chừng, chị Nguyễn Thị Vân Anh (giáo viên trường Tiểu học Phúc Lâm, hàng xóm của Huyền) khóc nghẹn lời.
Ngày Huyền đậu cấp 3, dư điểm vào lớp chọn, chị Vân Anh đã chở Huyền xuống UBND xã gặp các ban ngành, đoàn thể trình bày hoàn cảnh, chỉ mong sao việc học của Huyền không bị đứt đoạn giữa chừng. Chị xin được gần 4 triệu đồng để Huyền nhập học. Có con học trên Huyền một lớp, năm nào chị cũng giấu bà Thanh mang sách vở và quần áo cũ cho Huyền.
Từ ngày phát bệnh, những lúc tỉnh táo bà Thanh có thể nấu cơm đợi con gái đi làm về ăn. Những lúc phát bệnh, bà đốt sách, xé quần áo của con. Bà xuống tận xưởng may nơi Huyền làm thêm để chửi bới um xùm.
Khi chúng tôi đến, bà bảo: “Muốn cho nó đi học nhưng không có điều kiện thì biết làm thế nào. Nên học xong cho nó đi lấy chồng thôi, có mấy đám làng bên đã ngấp nghé rồi. Cưới về người ta lo cho, chứ đi học về người thất nghiệp đầy ra đấy. Ngày xưa tôi 16 tuổi đã phải lấy chồng, nó năm nay 18 tuổi rồi...”.
Nghe mẹ bảo vậy, Huyền cương quyết: “Con không chịu đâu”. “Không chịu thì cũng phải chịu”- bà Thanh lớn tiếng. Trước câu nói của mẹ, Huyền quay đi giấu đôi mắt buồn: “Mọi thứ của em là do mẹ quyết định chứ việc học em nhất định không nghe theo mẹ”.
Muốn trở thành cô giáo
Huyền đang nghỉ hè để chuẩn bị lên lớp 12. Hè này, thầy giáo chủ nhiệm đã điện thoại đến nhà xin bà Thanh cho Huyền đi học hè, thầy sẽ miễn phí toàn bộ tiền học. Thế nhưng nếu đi học hè thì ai sẽ kiếm tiền nuôi mẹ? Tiền đâu để đóng học phí cho năm học mới? Những câu hỏi ấy không có lời giải, và giấc mơ học hè của Huyền không thể thành sự thực.
Bà Thanh khoe: “Vụ cấy vừa rồi nó đi cấy thuê được 1 triệu cơ đấy”. Thức dậy từ lúc 4g sáng để cấy thuê đến 6g tối mới về, Huyền được trả 250.000 đồng. Hết vụ cấy thuê, em đi may găng tay cho gia đình hàng xóm. Miệt mài từ sáng đến tối trong xưởng may, em được trả 50.000 đồng. Giữa những buổi nghỉ trưa và tối ở nhà, Huyền nhận hạt về xỏ tấm thảm lót ghế xe ô tô. Mỗi tấm thảm dài cả met, em được trả công 25.000 đồng tiền công.
“Suốt cả mùa hè em cũng kiếm được tầm 3 triệu để đóng tiền học cho năm học mới và mua thuốc cho mẹ” - Huyền vui vẻ khoe.
“Đêm về sinh hoạt, giặt giũ xong ngồi vào bàn học, lưng mỏi nhừ, em chỉ muốn đi ngủ nhưng nghĩ đến tương lai, đến ước mơ còn giang giở phía trước, em lại gắng học bài. Có những lúc kết quả học tập của em xuống rất thấp, em rất lo lắng và sợ cánh cổng đại học không đón chào em. Em luôn khao khát sau này sẽ trở thành một cô giáo, em sẽ truyền đạt kiến thức và tình yêu thương mà em đã nhận được cho những cô cậu học sinh kém may mắn như em” - Huyền viết.
Giữa những khó khăn và thiếu thốn của cuộc sống thường ngày, Huyền luôn nghĩ tới ngày được là cô sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Là sinh viên năng động trên giảng đường, là cô phụ bàn nhanh nhẹn trong những quán cơm, trong những cửa hàng tạp hóa hay cô gia sư giỏi để kiếm thêm thu nhập. Những công việc cụ thể ấy, Huyền đều đã hình dung cả trong giấc mơ của mình.
Bạn đi học rồi, còn mẹ ốm đau ở đây ai chăm sóc? Những lo lắng ấy cũng được Huyền tính toán hết cả: “Em sẽ đưa mẹ ra Hà Nội, sẽ thuê nhà trọ để hai mẹ con ở rồi em vừa đi học, vừa đi làm thêm vừa chăm sóc mẹ. Với có bác ở quê bảo sẽ giới thiệu cho em người họ hàng ở Hà Nội để em được vào làm giúp việc nhà cho người ta. Nếu mẹ em cũng được ở cùng thì tốt quá” - Huyền kể.
Công việc sau khi ra trường, Huyền cũng đã tính đến: "Nếu không xin được vào Nhà nước, thì em sẽ dạy ở các trường tư nhân”...
Chị Vân Anh kể biết hoàn cảnh của Huyền, chị và người quen thỉnh thoảng quyên góp sách báo, quần áo cũ và tiền để cho em. Sách báo và quần áo thì Huyền nhận, nhưng tiền thì bạn thường từ chối hoặc chỉ nhận một vài trăm ngàn, đủ số tiền em đang túng thiếu.
“Em còn đi làm được để thực hiện ước mơ của mình!”- Huyền bảo vậy. Tôi nhìn dáng Huyền đạp xe trên đường làng và tin rằng bằng nghị lực, Huyền sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo truyền đạt kiến thức và tình yêu thương mà Huyền đã nhận được cho những cô cậu học sinh kém may mắn như mình.