Huỳnh Lan cho biết thời tiết ở Đức đã rất lạnh. Ảnh: NVCC. |
Giữa tháng 9, bang North Rhine-Westphalia (Đức) bắt đầu bước vào mùa lạnh. Ban ngày, nhiệt độ cao nhất là khoảng 18 độ C. Đến nửa đêm, mức nhiệt thấp nhất ghi nhận được là 5 độ C.
Chỉ mới đầu thu, Huỳnh Lan (du học sinh sống ở North Rhine-Westphalia) đã bắt đầu cảm nhận được cái lạnh thấu xương, khó chịu. Dù ban ngày có nắng, Lan vẫn cảm thấy chân tay tê buốt, da nứt nẻ. Ngày nào, nữ sinh cũng phải ủ ấm và dùng kem dưỡng ẩm nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Sống ở TP.HCM nhiều năm, vốn đã quen với kiểu thời tiết nắng nóng, khi qua Đức, Lan khó có thể làm quen với cái lạnh ở châu Âu. Cũng may, hệ thống nhà ở tại Đức đều được lắp đặt hệ thống sưởi để chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt.
Năm ngoái, Lan sử dụng máy sưởi ở nhà như một thói quen. Nhưng năm nay, cô ngần ngại vì điện, khí đốt ở Đức bị đội giá so với năm 2021.
Tiền điện, gas tăng mạnh
Chia sẻ với Zing, Huỳnh Lan cho biết hiện tại ở North Rhine-Westphalia, các công trình công cộng (ngoại trừ bệnh viện và một số nơi thuộc hệ thống xã hội), máy sưởi chỉ được bật ở mức tối đa là 19 độ C.
Đối với những du học sinh như Lan, việc tăng giá điện và khí đốt trong mùa lạnh chính là mối lo ngại không nhỏ. Vốn đã phải tiết kiệm tiền vì chưa đi làm, giờ Lan lại phải để dành thêm một khoản mới để chi trả các loại hóa đơn.
Cũng đang du học ở Đức, Vũ Thy (sống ở Leipzig) cho biết trong tháng tới, giá điện tại thành phố sẽ tăng 40%. Giá gas leo nhanh hơn, khoảng 300%.
Loạt quy định về chi phí cùng cách sử dụng điện gas được đặt ra trong bối cảnh Đức cùng nhiều nước châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng. Giá điện, khí đốt, xăng dầu đều tăng chóng mặt so với năm 2021.
Cụ thể, trong một thông cáo báo chí đăng giữa tháng 8, nền tảng kinh doanh khí đốt Trading Hub Europe cho biết dự kiến từ ngày 1/10, các hộ gia đình ở Đức sẽ phải đóng thêm 2,4 cent tiền thuế cho mỗi KWh sử dụng khí đốt. Mức thuế này áp dụng từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2024 và có thể điều chỉnh 3 tháng một lần để “phản ánh chi phí thực tế”.
Hầu hết người dân ở Đức đều sử dụng khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông. Việc nâng thuế khí đốt đồng nghĩa với việc chi phí người dân phải trả sẽ tăng thêm. Trang Verivox dự tính người dân Đức sẽ phải trả thêm 580 euro mỗi năm cho hóa đơn nhiên liệu.
Trước nguy cơ phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ cho việc sử dụng nhiên liệu, Huỳnh Lan và Vũ Thy đã đã tìm mọi cách để tiết kiệm.
Có máy sưởi nhưng không dám dùng
Hạn chế sử dụng máy sưởi là cách được nhiều du học sinh tại Đức áp dụng để ứng phó với thời kỳ bão giá. Huỳnh Lan cũng không ngoại lệ.
Đức mới chỉ bước vào mùa thu, chưa đến mùa lạnh nhất trong năm nên Lan chỉ dám bật hệ thống sưởi khoảng một giờ trước khi ngủ. Khi phòng đủ ấm, nữ sinh sẽ tắt máy đi và đắp thêm hai chăn bông để tiết kiệm điện, gas.
Nữ sinh mô tả lò sưởi có 5 mức, nhưng cô chỉ dám bật mức số 3 vào ban đêm và mức số 2 vào ban ngày.
"Bạn bè mình thường trêu nhau bây giờ chỉ có rich kid mới dám bật lò sưởi mức 5. Cũng may, chỗ ở cách nhiệt khá tốt, nên khi tắt lò sưởi, căn phòng cũng không quá lạnh", Lan nói.
Để tiết kiệm tiền mà không bị lạnh, Lan thường ở trường nhiều hơn ở nhà. Những ngày được tan học sớm, cô tranh thủ lên thư viện học. Thư viện không ấm bằng ở nhà vì nhiệt độ bị hạn chế, nhưng đối với Lan, việc “cắm cọc” ở thư viện vẫn tốt hơn về nhà dùng máy sưởi lại tốn điện.
Để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, Lan đã tranh thủ sắm thêm chăn, áo khoác. Cô cũng tận dụng việc đốt nến để giúp nhà trọ có cảm giác ấm hơn.
Một tuần này, thành phố Leipzig nơi Vũ Thy sống đã vào mùa thu, nhiệt độ ban đêm khoảng 3-4 độ C. Dù lạnh, Thy chỉ đóng kín cửa và đắp thêm chăn, quyết tâm không bật lò sưởi vì cảm thấy bản thân vẫn chịu được. Chỉ khi nào nhiệt độ giảm xuống còn 1-2 độ C, nữ sinh mới dám bật lò sưởi khoảng 1-2 giờ rồi lại tắt.
Tháng 11, 12 sắp tới, thành phố sẽ bước vào thời gian lạnh nhất trong năm, nhiệt độ có thể đạt âm mười mấy độ C. Vũ Thy lo lắng việc tăng giá nhiên liệu sẽ khiến cuộc sống của du học sinh trở nên khó khăn hơn.
Nguyên Phương cho hay nơi cô sống, thời tiết đã lạnh. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ du học sinh ở châu Âu, Nguyên Phương (du học sinh ở Ohio, Mỹ) cũng chật vật vì trời đã lạnh nhưng trường chưa cho mở máy sưởi.
Cuối tháng 9, thời tiết ở Ohio bắt đầu trở lạnh. Ngày 30/9, nhiệt độ tại đây ghi nhận mức 8 độ C, theo thông tin Phương cung cấp cho Zing.
Những năm trước, thời gian này Đại học Ohio Wesleyan nơi Nguyên Phương học đã bắt đầu bật hệ thống sưởi cho ký túc xá sinh viên. Nhưng năm nay, trường lại ra thông báo lùi lịch đến tận tháng 11.
Quyết định này của nhà trường khiến Phương cùng nhiều sinh viên Ấn Độ, Pakistan chật vật vì không chịu được lạnh. Nữ sinh bị ốm suốt một tuần nay vì ký túc xá không đủ ấm.
Trường không mở hệ thống sưởi, Phương đành bấm bụng chi vài trăm USD để mua chăn điện dùng tạm. Nữ sinh cho biết trường ra thông báo đột ngột, sinh viên chỉ đành nghe theo. Nếu trong tháng 10 nhiệt độ lạnh quá mức có thể chịu được, Phương dự định cùng những sinh viên khác kiến nghị lên trường để được dùng máy sưởi.
Mọi thứ đều tăng giá
Tuy nhiên, ít ra, Nguyên Phương còn may mắn vì không chịu cảnh giá điện, khí đốt, xăng dầu tăng kéo theo các khoản chi khác cũng tăng như những du học sinh ở châu Âu. Với nhiều người, chi phí cho nhu yếu phẩm, tiền thuê nhà trở thành gánh nặng.
Mai Linh (du học sinh ở Bielefeld, Đức) kể năm nay, Đức lạnh sớm hơn mọi năm. Cuối tháng 9, nhiệt độ thấp nhất trong ngày tại thành phố Bielefeld là khoảng 11 độ C. Đến đêm, nhiệt độ giảm sâu hơn nên Linh cùng nhiều du học sinh khác đã phải dùng máy sưởi.
Do sống ở ký túc xá của trường, Linh không phải đóng tiền điện, khí đốt riêng mà sẽ gộp chung với tiền nhà. Hiện tại, nữ sinh chưa nhận được thông báo chính thức về việc tăng tiền nhà nhưng cô nghe phong thanh về việc tăng giá trong tháng tới. Dự kiến mức tăng dao động trong khoảng 25-30 euro mỗi tháng.
Mai Linh du học theo diện tự túc nên tăng giá chính là nỗi lo lớn đối với cô. Dù đã đi làm thêm để kiếm thu nhập lo cho cuộc sống, nữ sinh vẫn không khỏi lo lắng khi đề cập đến các khoản tiền phải chi mỗi ngày. Không riêng tiền nhà, giá thực phẩm tại Đức cũng theo đà tăng vì phần lớn rau củ đều nhập khẩu từ Tây Ban Nha.
Giấy vệ sinh, dầu ăn cũng không thoát khỏi cuộc đua tăng giá tại Đức. Mai Linh cho biết hiện tại, giá giấy vệ sinh được bày bán ở thành phố cô sống đã tăng khoảng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Dầu ăn cũng tăng khoảng 5 euro/lít nhưng vẫn không đủ hàng để bán.
Tương tự, Thu Uyên (du học sinh ở Budapest, Hungary) xác nhận với Zing giá nhiên liệu tại Hungary cũng hơn khoảng gấp đôi so với trước đây. Kéo theo đó, những mặt hàng thường ngày như thực phẩm, rau củ cũng tăng, khiến nhiều người phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua thời kỳ khó khăn.
Hiện tại, Hungary bắt đầu vào thu, nhiệt độ dao động trong khoảng 7-15 độ C. Thu Uyên nhận xét dù nhiệt độ xuống thấp, cái lạnh ở Budapest vẫn không đến mức khó chịu như ở Việt Nam. Với mức nhiệt hiện tại, Uyên chưa cần dùng đến máy sưởi.
Ngày 15/10 sắp tới, hệ thống sưởi tự động ở Budapest sẽ được khởi động. Khác với Mai Linh, Thu Uyên du học bằng học bổng của chính phủ Hungary và Việt Nam hỗ trợ nên cô không quá lo lắng với việc giá nhiên liệu tăng cao.
Tuy nhiên, với những học sinh du học theo diện tự túc, các bạn sẽ phải tìm cách tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu để vượt qua thời kỳ bão giá như hiện nay.