Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đổi môi trường, áp lực đồng trang lứa đổ ập vào người

Hoàn cảnh thay đổi và một môi trường học tập mới đôi khi sẽ mang lại cho những sinh viên - đang hớn hở vì vượt qua kỳ tuyển sinh đầu vào - một cú sốc.

Thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị áp lực đồng trang lứa. Ảnh: Unplash.

Peer pressure (hay còn gọi là áp lực đồng trang lứa) là khái niệm không còn mới trong thời gian gần đây, chỉ những chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp từ một nhóm có đặc điểm giống nhau lên một cá nhân, khiến người đó thay đổi để ép mình vào một khuôn khổ nhất định.

Ai cũng có thể bị áp lực đồng trang lứa. Tuy nhiên, thanh thiếu niên là nhóm đối tượng được cho là dễ bị tác động bởi áp lực đồng trang lứa bởi không nhiều kinh nghiệm sống cũng như tâm sinh lý còn có nhiều thay đổi. Với những sinh viên vừa rời trường cấp ba hoặc năm "gap year", trường đại học là môi trường hoàn hảo cho cú sốc áp lực đồng trang lứa.

Bạn có thể tìm thấy chính mình trong câu chuyện của 3 bạn trẻ sau đây.


"Con cá trong ao"

Băng Linh (2000) - Marketing Manager của một thương hiệu bán giày da thủ công tại TP.HCM

Khi còn đi học, tôi là học sinh giỏi 12 năm và cũng có nhiều thành tích ngoại khóa. Vì thế, khi lên đại học, tôi khá tự tin rằng mình đủ khả năng kiếm được việc làm hơn nhiều bạn đồng lứa.

Nhưng mọi việc xảy ra hoàn toàn ngược lại. Lên đại học, tôi học ở nơi mà người ta bảo là "khoa top của một trường top", xung quanh bạn bè đạt giải này giải nọ trong suốt mấy năm cấp 3. Như con cá lần đầu thoát ra khỏi cái ao nhỏ ở làng để ra biển, tôi thấy mình nhỏ bé hẳn.

ap luc dong trang lua anh 1

Băng Linh tự nhận mình là người sống trên mạng xã hội.

Tôi trở nên khép kín, ít giao lưu với bạn bè. Lên năm 3, thấy các bạn cùng lớp đều có việc làm, có thành phẩm nhất định, trong khi tôi vẫn chưa làm được gì cho nghề nghiệp sau này, tôi bắt đầu thấy stress. Có thời gian tôi đã nghĩ về nó nhiều và gần như trầm cảm vì áp lực mỗi ngày một lớn. Tôi thức khuya, bỏ bê bản thân và thu mình lại, từ chối mọi cuộc vui, hạn chế gặp gỡ bạn bè để dành thời gian để tự ủ dột thay vì giải quyết vấn đề đang có.

Tôi còn có một thói không tốt là khi có vấn đề xảy ra mình đều chia sẻ lên mạng xã hội. Tôi chia sẻ về vấn đề tiêu cực của mình nhiều đến mức những người xung quanh phát ngán còn bạn bè phát hoảng.

Nhưng tôi may mắn có bạn bè thân thiết vực mình dậy đúng lúc. Họ đã khuyên nhủ, động viên, giúp tôi ngộ ra được vấn đề và giải quyết nó để không dẫn tới trầm cảm.

Từ đó, tôi bắt đầu tự chui ra khỏi cái kén mình đã tạo ra, giao tiếp với bạn bè trong lớp, học hỏi những điểm hay từ họ và cố gắng nâng cấp bản thân mình. Khi đã mở lòng, tôi nhận ra mỗi người bạn mà mình ngưỡng mộ lúc đó đều có khó khăn riêng. Từ đó tôi đã tự tìm ra động lực riêng, thấu hiểu bản thân hơn và cố gắng phát triển kỹ năng thay vì ganh đua so sánh với người khác vì mỗi người có một cuộc đời khác nhau.


Áp lực là bệ đỡ chắc chắn

Nguyên Hạnh (2000) - sinh viên năm ba tại một trường ĐH quốc tế

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và nhận kết quả đỗ vào một trường đại học, tôi quyết định sẽ gap year để khám phá bản thân rồi mới quay lại đi học trở lại.

Sau 2 năm gap year, tôi bắt đầu học đại học. Ở thời điểm đấy, tôi 20, còn phần lớn các đồng môn của tôi mới 18. Giờ nghĩ lại thấy hơi buồn cười, nhưng hồi đó tôi hay so sánh mình với các bạn và cảm thấy các bạn ấy có một cuộc sống tốt hơn mình hồi 18 tuổi. Tôi tự hỏi mình "Hồi bằng tuổi các bạn, mình đã làm được gì?" hay "Sao hồi 18 mình không được như thế này nhỉ?" rồi bắt đầu cảm thấy tủi thân.

Nhìn lại bản thân lúc đó, tôi thấy mình quá ngây thơ. Sau này, tôi dần nhận ra mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người đều có con đường riêng của chính mình, bản thân mình chỉ cần đi tốt con đường ấy. Thêm nữa, cuộc đời mình còn dài, 2 năm chỉ là một quãng đường rất nhỏ trong cuộc đời mình. Tôi nghĩ là thời gian sẽ không quan trọng bằng việc bạn đang làm gì và bạn biết mình đang làm gì.

Một điều tích cực mà áp lực đồng trang lứa đem đến cho tôi là khi chuyển ngành. Trước đây, tôi học ngành khoa học xã hội. Vì một số lý do nên tôi quyết định chuyển sang ngành kinh tế. Từ một thế giới toàn ngôn ngữ, chữ nghĩa, văn hóa, tôi gặp áp lực khi bước vào thế giới mới hoàn toàn với số, logic học rồi ma trận.

Tuy nhiên, áp lực ở đây lại là động lực để tôi cố gắng bằng bạn bè xung quanh. Tôi mạnh dạn thảo luận nhiều thứ với các bạn và từ cách các bạn giải thích, tôi nhận ra mình cũng không tệ các môn tự nhiên như mình nghĩ. Dần dà, tôi cải thiện được nỗi sợ các môn tự nhiên, nỗi sợ lập trình của mình. Áp lực ban đầu khi chuyển từ ngành xã hội qua ngành kinh tế giờ đây trở thành bệ đỡ để tôi đi tiếp con đường của mình đã chọn.


Áp lực phải có bản sắc cá nhân

Thảo Linh (2002) - sinh viên năm ba ngành Xã hội và Tâm lý học, Đại học Fulbright Việt Nam

Áp lực đồng trang lứa luôn xuất hiện khi tôi đi học nhưng khi vào đại học, nó rõ ràng hơn.

Ở môi trường đại học, con người có điều kiện cọ xát và cạnh tranh nhiều hơn. Đơn giản là ở trong lớp, khi thấy người này người kia thường xuyên phát biểu ý kiến, hay thảo luận với thầy cô, một số bạn chia sẻ với tôi là họ thấy áp lực vì không bằng bạn bè của mình.

ap luc dong trang lua anh 2

Thảo Linh nhận ra so với những thành tích thể hiện ra bên ngoài, điều quan trọng hơn hết là quá trình tích lũy kiến thức ở bên trong.

Ngoài ra, ở trường tôi, hầu như sinh viên đều có riêng cho mình những con đường riêng, dự án riêng từ rất sớm. Ở giai đoạn đầu, nhiều bạn sinh viên khi chưa biết mình muốn làm gì và phải làm gì, nhưng nhìn thấy được những người xung quanh như thế, ít nhiều họ cũng sẽ cảm thấy áp lực không nhỏ.

Thêm một điều nữa ở trường tôi là thành tích cũng quan trọng nhưng điều quan trọng hơn cả là bản sắc cá nhân. Việc đứng cạnh hoặc nhìn thấy một người có bản sắc cá nhân nổi bật hay thu hút trong khi mình chưa xác định được mình là ai cũng rất dễ khiến nhiều người áp lực.

Tuy nhiên, theo mình áp lực này chỉ tồn tại trong thời gian đầu. Sau này, khi mọi người đã hiểu được rằng thành tích là quá trình tích lũy kiến thức chứ không phải là những gì thể hiện ra bên ngoài, và ai cũng có những vấn đề của riêng mình, thì peer pressure sẽ không có nặng nề nữa.

Tôi cảm thấy áp lực đồng trang lứa đến từ cá nhân mỗi người chứ không phải từ xã hội hay những người xung quanh. Khi học được cách sống chung với nó thì mọi người sẽ dần thấy thoải mái và biết ưu tiên những gì tốt nhất cho mình.

Công ty hô hào đóng tiền và 4 chuyện khác về làm thêm thời sinh viên

"Tôi nhận ra trên đời này làm gì có việc nhẹ, lương cao. Mỗi lần tìm công việc làm thêm mới, tôi đã có bài học phải cẩn trọng hơn".

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm