Chia sẻ với Zing, Hoàng Em bất ngờ khi nghe tin thầy mất.
Hoàng Em nhớ lại vào mùa hè năm 2007, cuối năm lớp 9, anh xin đi làm ở xưởng gạch để kiếm tiền mua xe đạp đi học ở trường cấp ba huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Khi đó, anh được giao đứng máy nén gạch, bỏ đất vào cối ép.
Trong lúc vô ý đánh rơi đồ nghề, Hoàng Em đưa tay vào nhặt, khi ấy cối vẫn đang chạy. Tai nạn này đã cướp đi đôi tay của cậu học trò nhỏ.
Anh cho biết sau khi bị thương, các bác sĩ cũng đã nỗ lực hỗ trợ và cứu chữa, cũng có nhiều người đến ủng hộ và giúp đỡ, trong đó có cả thầy.
Năm đó, thầy Ký được mời về trường THPT Măng Thít (Vĩnh Long) và dạy lớp của Hoàng Em với những câu chuyện, kinh nghiệm khi dùng đôi chân thay thế cho đôi tay. Năm cuối cấp, Hoàng Em được đặc cách không thi tốt nghiệp THPT.
Chàng trai 30 tuổi không quên hình ảnh về người thầy lần đầu gặp.
“Tôi may mắn được thầy Ký xuống thăm một lần lúc bị tai nạn vài tháng sau khi nhập học. Thầy cùng một số cô chú, anh chị đến trường, động viên tinh thần và hướng dẫn tôi làm quen bằng chân”, Hoàng Em kể.
Hoàng Em được thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dạy sử dụng kéo bằng chân. Ảnh: NVCC. |
Khi gặp thầy, anh và các bạn được thầy động viên bằng những câu chuyện truyền cảm hứng trong cuộc sống và những tập thơ về học trò mà thầy gửi tặng cho các bạn trong lớp và cả anh.
Thầy Ký chỉ Hoàng Em viết chữ và sử dụng kéo bằng chân dù trước đó, anh cũng từng tập chân để làm quen với cây viết. Anh đứng xem thầy hướng dẫn dùng chân kẹp hai cây bút bi để gõ bàn phím máy vi tính, hay các động tác cầm kéo và cắt hoa.
Theo ký ức của Hoàng Em, thầy viết rất nắn nót, chữ viết đẹp. Anh còn được thầy viết tặng một chữ ký để làm kỷ niệm. Câu chuyện và bài giảng của thầy mang đến cho anh nhiều cảm xúc, năng lượng và niềm tin trong cuộc sống.
Trong bài viết của nhà báo Trần Quốc Toàn về buổi học đặc biệt ấy, thầy Ký nói: “Không có tay thì cầm bút bằng chân. Khó gì! Nhưng dù cầm bút bằng tay hay chân thì vẫn phải viết bằng cái đầu. Các em hãy giúp Hoàng Em học tập để trở thành người lao động trí óc”.
"Khi gặp thầy, gia đình cũng hướng mình đến với nghề giáo, nhưng sau đó vì một vài lý do, mình đã không theo nghề. Tuy nhiên, mình vẫn tiếp bước thầy làm những hoạt động truyền cảm hứng ý nghĩa", Hoàng Em chia sẻ.
Hoàng Em hiện là thành viên của nhóm thiện nguyện "Ước mơ chim cánh cụt" hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC. |
Sau khi được gặp và tiếp xúc với thầy, anh đã cố gắng tập viết nhiều hơn. Thời gian đầu hơi khó khăn, sau cũng quen dần, các hoạt động sinh hoạt anh cũng cố gắng làm mỗi ngày thay vì nhờ người khác hỗ trợ như trước kia.
Hiện, Hoàng Em đang là lập trình viên. Anh cũng là thành viên của nhóm thiện nguyện "Ước mơ chim cánh cụt" hỗ trợ tập sách, xe đạp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
"Ký ức về một người thầy tràn đầy nghị lực đã truyền cho mình một động lực, ý chí sức mạnh vươn lên trong nghịch cảnh. Thầy vẫn mãi là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên nói riêng và tất cả người dân Việt Nam nói chung", Hoàng Em nói.