Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết hiện nay, số bệnh nhân suy thận đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là suy thận mạn tính có xu hướng trẻ hóa.
Gần đây, khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ, trong đó có những người trên dưới 30 tuổi đã suy thận giai đoạn 4,5.
"Thực tế hiện nay có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị suy thận. Để phát hiện sớm bệnh thận, mọi người cần xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và đo huyết áp hàng năm. Không cần phải làm xét nghiệm đắt tiền, chỉ cần làm xét nghiệm nước tiểu và huyết áp là đủ. Đây là xét nghiệm cơ bản và cũng là cách đơn giản nhất phát hiện bệnh lý suy thận", TS.BS Nguyễn Bách chia sẻ.
Bệnh nhân suy thận đang điều trị tại Khoa Nội thận-Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh: Kim Vân. |
Cũng theo bác sĩ Bách, các trường hợp có các dấu hiệu của bệnh thận biểu hiện ra bên ngoài như đau lưng, tiểu đêm... thì đã là suy thận giai đoạn 4,5, bởi giai đoạn 1,2,3 hầu như không có dấu hiệu cơ bản nào. Muốn phát hiện suy thận sớm giai đoạn 1, 2, 3 thì phải xét nghiệm nước tiểu.
"Nước tiểu là 'cửa sổ' để phát hiện bệnh lý thận. Đơn giản như muốn coi nhà máy làm việc tốt hay không thì phải coi hệ thống nước thải nhà máy đó ra sao", TS.BS Nguyễn Bách giải thích cụ thể.
Cũng theo bác sĩ Bách, việc xét nghiệm nước tiểu cần thực hiện vào buổi sáng. Xét nghiệm nước tiểu là test nhanh, que test nhúng vào nước tiểu sẽ ra kết quả nhanh chóng.
Nếu kết quả 10 chỉ số xét nghiệm nước tiểu có chỉ số nghi ngờ là bệnh lý thận thì bác sĩ sẽ yêu cầu người đó khám chuyên sâu hơn để có phương pháp điều trị phù hợp.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 3/2023, số người suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo là khoảng 800.000 người. Số bệnh nhân cần điều trị thay thế thận đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam và ngày càng trẻ hóa.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Phó chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh suy thận. Bên cạnh nguyên nhân gây bệnh từ yếu tố gia đình (di truyền), các bệnh lý kèm theo của người bệnh gây suy thận thì chế độ ăn uống, sinh hoạt của của giới trẻ hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh suy thận".
Đồng quan điểm, TS.BS Lưu Ngân Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam - VieSpen, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng một trong những nguyên nhân gây gia tăng bệnh nhân mắc suy thận hiện nay đó chính là chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không khoa học.
"Giới trẻ hiện nay có rất nhiều thói quen không tốt, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới thận điển hình là thói nhịn khát. Vì tính chất công việc khiến nhiều người "ngại" đi vệ sinh vậy nên họ lựa chọn cách uống rất ít nước để hạn chế việc đi vệ sinh. Việc uống ít nước, không cung cấp đủ nước cho cơ thể và cho thận sẽ khiến cho cơ thể sẽ bị thiếu nước gây tổn thương thận, suy thận", TS Tâm chia sẻ.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.