Theo New York Post, OnePoll và Questis mới đây vừa công bố báo cáo về mối quan hệ giữa tâm lý con người và tiền bạc. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 2.000 người trưởng thành tại Mỹ.
Theo đó, 60% người được hỏi cho biết đã "thổi phồng" về tình hình tài chính cá nhân trên các phương tiện truyền thông; 56% cho rằng tiền bạc là điều cấm kỵ, không thể nói với người khác.
Ngoài ra, một số chủ đề cũng không được hào hứng nhắc tới bao gồm: tình hình tài chính của cha mẹ (51%), khoản nợ (45%) và tài sản thừa kế trong di chúc (43%).
Đặc biệt, nợ nần được coi là điều khó nói đến mức 59% người được hỏi cho biết đã phải "đánh bóng" tình trạng tài chính của mình trên mạng xã hội để tỏ ra ổn định.
Nhiều người "đánh bóng" bản thân trên MXH để che giấu nỗi lo tài chính. Ảnh minh họa: Get Kids Internet Safe. |
Ngoài ra, 63% cho biết không bao giờ thảo luận về tài chính trong bữa ăn gia đình; 60% từng thức dậy vào nửa đêm để suy nghĩ về tiền bạc.
Những người được hỏi cũng cho rằng mình thà xem phim kinh dị (30%), nói trước đám đông (27%) hoặc kẹt xe suốt 2 tiếng (28%) còn hơn là phải nghĩ về các vấn đề tài chính.
Tiền bạc cũng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người. 83% cho biết cảm thấy tội lỗi khi lỡ chi tiêu quá tay cho việc mua sắm hoặc du lịch; hơn 50% muốn biết mức lương của đồng nghiệp và 70% mong muốn công ty công khai mức lương ngay khi đăng tin tuyển dụng.
Tuy nhiên, về khía cạnh tích cực, khảo sát cho thấy mọi người đang tìm cách xóa bỏ sự nhạy cảm quá mức về tài chính.
58% cho biết cảm thấy thoải mái khi nói về tiền bạc với đồng nghiệp; 45% nói rằng có thể thảo luận về tài chính với bạn đời sau khi chung sống, đính hôn hoặc kết hôn.
64% người được hỏi đều sẵn sàng nói về chuyện tiền bạc nếu điều đó giúp người khác cảm thấy tin tưởng hơn về vấn đề tài chính của mình; 63% cũng đồng ý rằng họ sẽ cởi mở hơn để nói về tài chính nếu như người khác cũng làm tương tự.
35% nói cảm thấy thoải mái hơn khi nói về tài chính nếu họ có nhiều tiền hơn; 42% khẳng định sẽ cảm thấy được hỗ trợ nếu nói chuyện với những người có cùng mục tiêu hoặc tình hình tài chính.
Tương tự, 43% cho biết họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn với sự hỗ trợ từ một chuyên gia tài chính chuyên nghiệp.
John Tabb, giám đốc điều hành và người sáng lập Questis cho biết: "Việc mọi người cảm thấy thoải mái khi nói về tiền bạc với những người thân quen là rất quan trọng. Có cùng quan điểm tài chính, các bạn dễ dàng chia sẻ và giúp nhau đạt được mục tiêu chung".
Phía sau cuộc sống hào nhoáng trên MXH có thể là vấn đề tài chính khó nói của chủ nhân. Ảnh minh họa: Daily Express. |
Tuy nhiên, 66% người được hỏi thừa nhận rằng họ chỉ rút được bài học tài chính sau khi mắc sai lầm.
Tiến sĩ Martha Menard, trưởng bộ phận tư vấn tài chính tại Questis, nhận định: “Một trong những lý do khiến tôi và đồng nghiệp bị thu hút bởi nghề này là vì chúng tôi đã trải qua những sai lầm trong quá khứ và giờ đây muốn giúp người khác tránh khỏi vết xe đổ.
Những cuộc trò chuyện cởi mở, không phán xét về tài chính là rất hiệu quả bởi mỗi người có cách kiếm tiền và chi tiêu khác nhau. Tiết kiệm và đầu tư dài hạn không có nghĩa là bạn không thể tận hưởng cuộc sống. Điều quan trọng nhất là bạn tìm thấy sự cân bằng và điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp với chính mình".