Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu nghỉ hưu trước tuổi 30

Thay vì đề cao công việc, mục tiêu kiếm tiền, nhiều người trẻ ngày nay tập trung cân bằng cuộc sống, chú trọng đến sức khỏe tâm thần.

Thời điểm 31 tuổi, giọng ca chính của nhóm nhạc rock The Rolling Stones, Mick Jagger, nói rằng ông sẽ ngừng sự nghiệp khi bước sang tuổi 45.

Nhưng gần nửa thế kỷ sau, Jagger, hiện 78 tuổi, vẫn tiếp tục ca hát. Quyết tâm thời trẻ của ông dường như đã bị lãng quên từ lâu, theo The Guardian.

Câu chuyện của Jagger có vẻ xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay khi trào lưu nghỉ hưu sớm bắt đầu lan rộng. Ở tuổi 25-30, nhiều người, trong đó có các ngôi sao nổi tiếng, quyết định dừng sự nghiệp, tập trung vào cuộc sống hiện tại thay vì lo nghĩ quá nhiều cho tương lai.

Giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp

Giữa tháng 3, ngôi sao quần vợt Australia Ash Barty gây sốc khi tuyên bố giải nghệ ở tuổi 25.

Barty đang giữ vị trí số một đơn nữ thế giới. Cô đăng quang tại Grand Slam đầu tiên trong năm trên sân nhà, sau khi đã giành 2 danh hiệu lớn khác tại Pháp Mở rộng 2019 và Wimbledon 2022.

Barty nói rằng thành công đã không mang lại cho cô sự hài lòng. "Một phần trong tôi chưa hài lòng, chưa hoàn thành tốt. Bây giờ là lúc để tôi theo đuổi những giấc mơ khác".

Tay vợt người Anh Emma Raducanu, người từng nói về việc ưu tiên sức khỏe tâm thần, cho biết kế hoạch nghỉ hưu sớm của Barty minh chứng cho "sự ưu tiên các mục tiêu cá nhân của mọi người".

nghi huu som anh 1

Ash Barty giải nghệ ở tuổi 25. Ảnh: AFP.

Một số người nổi tiếng trẻ tuổi khác cũng sẽ đồng ý với quan điểm này. Tom Holland cân nhắc từ bỏ diễn xuất để trở lại với khiêu vũ vào năm ngoái. Diễn viên Jack Gleeson cũng đã xa rời nghiệp diễn 6 năm trước khi trở lại truyền hình vào năm 2020.

Eliza Filby, cựu giảng viên lịch sử tại King's College London, người chuyên nghiên cứu về các thế hệ, nói rằng những người nổi tiếng về hưu sớm hoặc không hài lòng với danh tiếng cho thấy xu hướng đang diễn ra trong thế hệ trẻ.

"Họ đang tiếp thu 'chủ nghĩa nhiệt thành' của thế hệ trẻ bằng cách từ chối các hướng dẫn để sống theo cách của riêng mình. Đối với nhiều người trẻ ngày nay, những gì họ làm không phản ánh con người thật".

Almuth McDowall, giáo sư tâm lý học tổ chức tại trường Birkbeck, cho biết Covid-19 cho nhiều người thời gian tạm dừng để định hướng lại cuộc sống.

"So với các thế hệ trước, người trẻ đã hy sinh hai năm thanh xuân của mình trong đại dịch. Họ đang suy nghĩ lại về cuộc đời và đưa ra những quyết định thực sự khác biệt".

Không còn coi sự nghiệp là tất cả

Brandon, blogger được biết đến với cái tên Mad Fientist, đã tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu ở độ tuổi 30. Anh tin rằng sự bất ổn của thị trường việc làm hiện đại đã tạo ra một thế hệ suy nghĩ khác về ý nghĩa của công việc.

"Hãy nhìn vào sự sụp đổ tài chính toàn cầu, sự bùng nổ của bong bóng dotcom và bây giờ là P&O Ferries. Thế hệ của tôi nhận thức rất rõ rằng công việc văn phòng 8 tiếng một ngày không mang lại sự đảm bảo tài chính".

Joe Olson, giáo viên đã tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu ở tuổi 29, cho biết những người đồng trang lứa với mình thường nói về các giá trị của cuộc sống. "Chúng tôi đều nhất trí rằng ngoài công việc, cuộc sống này còn rất nhiều điều khác".

nghi huu som anh 2

Tom Holland từng cân nhắc từ bỏ diễn xuất. Ảnh: Reuters.

Theo Olson, một lý do khác khiến thế hệ của anh thay đổi thái độ là nhận thức tốt hơn về sức khỏe tâm thần. "Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là buông xuôi hay bỏ cuộc. Chúng tôi chỉ không còn quan tâm nhiều đến tiền bạc nữa. Chúng tôi muốn một cuộc sống cân bằng hơn, hạnh phúc hơn".

Nhà tâm lý học Sherridan Hughes cho biết so với các thế hệ trước, người trẻ ngày nay không đề cao vật chất.

"Họ biết mình không thể mua được nhà, xe hơi và dần dần cũng không muốn suy nghĩ về những thứ đó nữa".

Cary Cooper, giáo sư tâm lý học tổ chức tại Manchester (Anh), nói rằng Covid-19 đã chứng minh rằng làm việc linh hoạt là hoàn toàn có thể. Điều này càng khiến người trẻ xa lánh công việc văn phòng gò bó.

"Các công ty đang phải tranh giành để thu hút và giữ chân nhân sự. Nhưng giới trẻ ngày nay không còn muốn chịu đựng một môi trường làm việc sẽ hủy hoại cuộc sống của mình", ông Cooper nói.

Trào lưu tuần làm việc 4 ngày vực dậy 'zombie công sở'

Với thời gian lao động giảm nhưng mức lương và năng suất giữ nguyên, trào lưu làm việc 4 ngày/tuần được cho đem lại lợi ích cho cả nhân viên lẫn doanh nghiệp.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm