"Đề yêu cầu chỉ viết một trang giấy thi nhưng em nhìn vào hình là nhiều cái để nói lắm. Viết để có điểm nhưng em thấy như viết để nhắc nhở cho chính em vậy, vì dù em không nghiện lên mạng nhưng đôi khi em cũng lệ thuộc vào máy tính quá”.
Đó là chia sẻ của em Hoàng Thanh Phong, đang học lớp 9 tại quận Tân Bình (TP HCM) khi nói về đề kiểm tra học kỳ II môn ngữ văn khối 9 mà học sinh quận này vừa được làm trong tuần qua.
Câu hỏi chiếm ba điểm với sáu hình ảnh đan xen (ảnh) giữa các bạn trẻ hoạt động trải nghiệm thực tế và các bạn vùi đầu vào máy tính. Qua đó, đề yêu cầu các em nêu suy nghĩ của mình. Đề bài khá đơn giản nhưng đã nêu ra được một vấn đề phổ biến hiện nay trong giới trẻ khi mạng xã hội, công nghệ thông tin ngày càng phát triển.
Trong đề thi có rất nhiều hình ảnh để học sinh quan sát. Ảnh: PL TP HCM. |
Một điều đáng ghi nhận là không chỉ ở quận Tân Bình, đề kiểm tra tại một số quận, huyện khác cũng đã có những lồng ghép thực tế đời sống như thế và được giáo viên, học sinh thích thú.
Như đề kiểm tra học kỳ II môn ngữ văn lớp 9 ở quận 11: “Những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” (của nhà văn Lê Minh Khuê) đã cống hiến hết mình cả tuổi xuân, sức trẻ cho quê hương, đất nước trong giai đoạn chiến tranh. Ngày nay cũng có những bạn trẻ biết sống đẹp vì cộng đồng. Nhưng bên cạnh đó, không ít bạn trẻ sống vị kỷ, chỉ chăm lo cho lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng này”.
Rồi ở quận Thủ Đức cũng cho các em lớp 9 trình bày quan điểm đúng sai và suy nghĩ của các em từ nhận xét của một du học sinh người Nhật rằng: “... Dường như người Việt Nam không biết xếp hàng mà việc xếp hàng chỉ dành riêng cho học sinh tiểu học”.
Thực ra, với TP HCM, việc ra đề thi hay kiểm tra như thế này không phải là mới. Bởi những năm gần đây Sở GD&ĐT TP HCM đã định hướng đổi mới cách ra đề thi và kiểm tra, nhất là với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, rằng đề thi phải làm sao phát huy tính tích cực, sáng tạo, vận dụng kiến thức và kỹ năng của người học.
Đề phải đưa các vấn đề trong đời sống nhằm đánh giá khả năng thu thập, xử lý và nhận thức vấn đề của các em, hạn chế học tủ, học vẹt. Vì thế, việc các trường và phòng GD&ĐT đổi mới cách ra đề cho khối lớp 9 như trên hay ở các khối khác cũng là điều tất yếu.
Không bàn đến cái hay hoặc dở, rõ ràng thực tế cho thấy việc đổi mới cách ra đề đã không chỉ dừng lại ở cấp TP mà đã xuống từng quận, huyện, từng trường.
Nó sẽ góp phần tác động để từng trường, từng giáo viên cũng phải làm sao đổi mới và nâng cao năng lực giảng dạy của mình cho phù hợp. Bởi vì ra đề bài môn ngữ văn theo hướng “mở” như vậy đòi hỏi giáo viên phải thực sự có trình độ chuyên môn tốt, phải thực sự say mê tìm tòi suy nghĩ, có ý nghĩa quyết định trong công tác kiểm tra đánh giá.
Và quan trọng nhất, đúng như em Thanh Phong đã nói, dù các em viết ra suy nghĩ của mình bằng phương pháp các em đã học để có điểm cho bài kiểm tra nhưng ít nhiều nó nhắc nhở em, giúp các em nhận ra được giá trị của cuộc sống, dù là nhỏ nhất. Đó mới là điều mà giáo dục phải hướng đến.