Theo WWD, cách ly xã hội do dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm hàng hiệu của khách hàng ở thị trường Trung Quốc tăng cao và các nhãn hàng xa xỉ có nhiều đợt tăng giá sản phẩm.
Nhà mốt Chanel chia sẻ: "Đây là kết quả của biến động tỷ giá hối đoái đáng kể gần đây giữa đồng euro và USD. Những điều chỉnh về mức giá được thực hiện ở các quốc gia cần thiết và đảm bào rằng mặt hàng của Chanel bán với giá thành tương đương trên toàn thế giới".
Hãng cũng nói thêm việc tăng giá thành sản phẩm được xem như hành động cố gắng tìm cách bảo vệ lợi nhuận trước sự bùng nổ của dịch Covid-19.
Nhiều thương hiệu vẫn tăng giá sản phẩm trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: WWD. |
Mức giá tăng tùy vào các mặt hàng như mẫu túi Pochette của Louis Vuitton tăng 46%, trong khi phụ kiện Classic Flap của Chanel tăng 20-31% theo từng khu vực. Ngoài ra, thiết kế bán chạy của các hãng là Prada Re-Editions, Lady Dior hay Gucci Jackie cũng có mức giá cao hơn 18-25% so với năm 2020.
Mặt khác, Hermès chỉ tăng giá túi xách 3-6 % trong suốt thời điểm cách ly xã hội do dịch Covid-19.
Nhân vật có tầm ảnh hưởng về thời trang của Trung Quốc - Mr. Bags - đã theo dõi sự thay đổi giá thành sản phẩm qua từng mùa và chia sẻ quan điểm với WWD rằng các thương hiệu sẽ không đẩy giá lên trong cùng một thời điểm.
"Họ sẽ đẩy mức giá tăng cho một số loại túi có chọn lọc và bước tiếp theo giữ ổn định trong thời gian dài. Sau đó, tăng giá cho một nhóm túi xách mới", anh cho hay.
Đơn cử như Dior đã không thay đổi giá thành mẫu túi yên ngựa hơn một năm và Chanel 19 chỉ tăng 5% so với năm ngoái.
Mẫu túi Multi Pochette của Louis Vuitton tăng 46% trong vòng một năm. Ảnh: Harper's Bazaar. |
Năm 2021, những đợt tăng giá sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Gucci tăng mức giá thành mẫu túi Neo Vintage GG Supreme và Horsebit 1955 hơn 15% vào đầu tháng 3.
Các nhà phân tích cho biết thêm rằng khả năng cao nhiều thương hiệu sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ là giải pháp tạm thời và sẽ có giới hạn cụ thể về số lần tăng giá khi hoạt động du lịch quốc tế trở lại bình thường, các thương hiệu bắt buộc phải điều chỉnh lại.
Zuzanna Pusz - trưởng bộ phận nghiên cứu thời trang xa xỉ châu Âu tại UBS - cho biết: "Đối với lĩnh vực đồng hồ, các hãng muốn tăng giá và tiếp tục phát triển hàng hóa đa dạng. Nhưng khi sự bùng nổ kinh tế kết thúc, nhiều công ty phải xem xét lại giá cả cũng như cấu trúc sản phẩm của họ".
Theo tờ Vogue, việc tăng giá là biện pháp hiệu quả để cân bằng về các khoản thiệt hại của thương hiệu. Tuy nhiên, tăng đến mức nào và trong bao lâu là câu hỏi mà hãng phải suy nghĩ để có quyết định đúng đắn, đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu.
Ở thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến câu chuyện tăng giá sản phẩm. Thay vào đó, họ sẽ xếp hàng vài ngày ở cửa tiệm trước khi mức giá mới được áp dụng. Theo quan điểm của người dân quốc gia tỷ dân, họ không chỉ mua một chiếc túi mà còn là sự đầu tư vào tương lai.
Người mua xếp hàng chờ đợi tại cửa tiệm của Louis Vuitton. Ảnh: Reuters. |