Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ 'cà phê Điện Biên ngon nhất thế giới'

25 tuổi, Pham Tư Luân đã là ông chủ nhà máy rang xay cà phê đầu tiên ở quê hương mình, và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cà phê “chấn động lòng người”.

Cà phê Điện Biên có thể “ngon nhất thế giới”

Luân cho biết, nhắc đến cà phê, hầu hết mọi người nghĩ ngay đến cà phê Buôn Ma Thuột mà không biết rằng chất lượng cà phê Arabica Mường Ảng - Điện Biên được đánh giá rất cao trên thị trường thế giới.

“Nếu canh tác đúng cách, cà phê Điện Biên sẽ là loại ngon nhất thế giới”, và “thật tuyệt vời nếu Điện Biên có thể làm ra loại cà phê làm chấn động lòng người” là phát biểu của ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của VICOFA trong một hội thảo phát triển cà phê mà Luân tình cờ đọc được trong một bài báo.

Câu nói đó đã đánh thức giấc mơ cà phê ở chàng trai chính gốc Điện Biên, có hai bằng đại học, hai năm kinh nghiệm làm việc cho công ty nước ngoài và đang dừng chân ở vị trí marketing cho một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội.

Anh Luân pha cà phê.

“Ở quê mình, đa số mọi người làm kinh doanh bằng cách mua hàng hóa từ những nơi khác về buôn bán. Những sản phẩm chính quê mình làm ra lại do các thương lái dưới xuôi lên thu mua và bán đi nơi khác. Nhìn xung quanh, mình thấy tiếc cho người nông dân Điện Biên, quanh năm luẩn quẩn với bãi cà phê, đến mùa thu hoạch lại thở dài tiếc của vì bị thương lái ép giá. Tại sao mình không chế biến cà phê Điện Biên để đem đi bán, nếu chưa bán được khắp thế giới thì ít ra là bán khắp Việt Nam?”, Phạm Luân chia sẻ.

Kho cà phê.

Hình ảnh nhà máy rang xay cà phê đầu tiên ở Điện Biên đã xuất hiện trong đầu chàng trai trẻ, nhưng để đi được bước chân đầu tiên trên chặng đường vạn dặm, Luân đã mất hai tháng để thuyết phục bố mẹ. Ở quê Luân, hầu hết thanh niên được ăn học đều tìm kiếm một công việc nhà nước an nhàn, ổn định, khiến bố mẹ hài lòng. Một vài người máu lửa nhảy vào kinh doanh bị phá sản và nợ tiền tỷ trở thành tấm gương răn đe cho những người trẻ trong vùng.

Những kiến thức và kinh nghiệm làm việc đã giúp Luân thành công trong việc thuyết phục phụ huynh. Tháng 10/2012, chàng trai Tây Bắc bắt đầu hành trình Nam tiến để học nghề chế biến cà phê.

100 km Sài Gòn - Tây Ninh: con đường dài nhất cuộc đời

Tìm hiểu thông tin về các bậc thầy cà phê miền Nam, Luân đã tìm tới Đà Lạt - mảnh đất nổi tiếng trồng cà phê Arabica ngon nhất Việt Nam, Ban Mê - thủ phủ của cà phê Robusta để xin học nghề. Ai cũng từ chối chàng trai đất Bắc, coi đó là bí kíp để đời cho con cháu. Cuối cùng, Luân trở về Sài Gòn - nơi cậu đối diện với cú sốc đầu tiên trên chặng đường khởi nghiệp của mình.

Khi đến xin học việc một lò sản xuất cà phê ở TP.HCM, người chủ pha 4 ly cà phê cho cậu thử và hỏi xem cậu thích loại nào nhất. “Loại cậu thích không có một tí cà phê nào đâu, vừa hợp gu lại chi phí rẻ lắm, chắc thắng luôn. Nếu cậu muốn học, anh dạy cho”.

Mọi thứ như đổ sụp trên đầu chàng trai lớn lên ở mảnh đất trồng cà phê, lặn lội đi khắp Việt Nam để học cách chế biến thứ cà phê người dân quê mình trồng. "Nếu cà phê không làm từ cà phê thì quê mình trồng để làm gì? Cà phê quê mình bán hạt cà phê thóc chưa qua chế biến đã 45.000-50.000 một kg, còn ở đây cà phê thành phẩm giá chưa đến 40.000 một kg" - Luân nói.

Luân quyết định đi Tây Ninhvới hy vọng cuối cùng về bậc thầy cà phê sạch, người có thể dạy cậu cách làm cà phê từ cà phê, chứ không phải “thứ nước đen đắng” 100% là đậu, bắp và hương liệu.

“Dù đã đi phượt khắp mảnh đất ở Việt Nam, nhưng chặng đường 100 km đi xe máy dưới trời nắng chang chang từ Sài Gòn tới Tây Ninh là con đường dài nhất cuộc đời mình tính đến bây giờ. Giấc mơ về những ly cà phê Điện Biên ngon nhất thế giới, về việc rang xay cà phê từ chính những hạt cà phê do chính dân quê mình trồng ra... trong phút chốc như tan biến trước sự thật ly cà phê không có tí cà phê nào ở đất Sài Gòn" - Luân kể lại.

Những ý tưởng lớn đã gặp nhau, bậc thầy cà phê ở Tây Ninh cho biết thầy chỉ nhận nếu Luân học làm cà phê sạch, nguyên chất, từ chối dạy làm cà phê độn. Khoảnh khắc được nhận vào học việc ở nhà máy cà phê chuyên nghiệp của thầy là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc hành trình của chàng trai trẻ. Luân háo hức trở về quê nhà, xây dựng nhà máy rang xay cà phê đầu tiên ở quê hương mình.


“Đúng thật, đời không như là mơ”, Luân nói. Anh chia sẻ thêm: “Những khó khăn cứ dồn dập hiện ra: sự khác biệt về gu thưởng thức vùng miền, tư duy về cà phê độn của khách hàng, chưa nhuần nhuyễn vận hành máy móc và kỹ thuật rang xay, chưa hiểu rõ bản chất của nguồn nguyên liệu cà phê quê mình…”. Những ngày nắng nóng bên máy rang hừng hực 200 độ C, sớm 5 giây cũng hỏng, muộn 5 giây đã khét... Những lô hàng đầu tiên cứ chở đi rồi lại chở về, lúc thì mặn quá, lúc thì ngọt quá, lúc thì chua quá... Có chủ quán cà phê ở Điện Biên còn ngoắc tay ông chủ rang xay lại để  dạy cách làm cà phê sao sánh, đậm, keo, thơm, ngậy béo, đắng có hậu như ly cà phê đậu bắp cậu đã từng uống ở TP.HCM.

Trong suốt nửa năm ròng ngày nào chàng trai trẻ này cũng xách xe mang cà phê đi rao khắp tỉnh rồi lại chở về… bón cây. Hàng tạ cà phê chất đống trong tiếng thở dài của bố mẹ cậu. Đã có lúc, khi khó khăn bao vây tứ phía, Luân nghĩ đến việc quay lại học làm cà phê độn để thu hồi vốn, giảm gánh nặng cho gia đình rồi bỏ nghề cà phê. Nhưng rồi, với sự ủng hộ của người thân, sự hỗ trợ của thầy, anh chị em trong nghề, sau khi đã trả kha khá “học phí” cho giấc mơ “cất tiếng nói cho cà phê Điện Biên”, Oribeans Coffee của Luân đã trở thành nhà cung cấp thân thiết cho nhiều quán cà phê ở quê hương. Thương hiệu cà phê Điện Biên bắt đầu đặt chân và phủ sóng ở Hà Nội.

Đem cà phê Arabica Điện Biên bán khắp phố cổ Hà thành

Tôi ngồi với Luân trong mùi cà phê thơm nồng tại quán cà phê Oribeans Take away & Drink In, nơi sản phẩm do chính tay chàng trai Điện Biên rang xay và pha chế đã đến tận tay những người say mê cà phê thực thụ. Sau hai năm từ ngày vác ba lô đi tìm giấc mơ cà phê, thương hiệu Oribeans Coffee của Luân đã có nhiều thay đổi, trở thành nhà cung cấp cà phê cho hơn 50 cửa hàng cà phê take away ở Hà Nội và miền Bắc.

“Mấy lần vào vùng nguyên liệu, chú chủ vườn không thể tin rằng mỗi sáng có cả ngàn người sống quanh hồ Gươm và phố cổ đang thưởng thức cà phê do chú trồng. Chú vui lắm vì đây là lần đầu tiên sau mười mấy năm trồng cà phê, chú biết được hạt cà phê mình trồng ra đang được sử dụng ở đâu”, Luân kể và cười sung sướng.

Chàng trai Tây Bắc và cộng sự vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để màu xanh thương hiệu Oribean, mùi thơm và hương vị cà phê Điện Biên sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Hà thành và vươn xa ra thế giới.

Văn phòng đại diện và quán cafe của thương hiệu Oribeans Coffee: Oribeans Coffee 108 C6 - Trần Huy Liệu, Giảng Võ, Hà Nội.

“Mình mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trong việc cất tiếng nói cho cà phê Điện Biên. Con đường phía sau còn dài lắm, mình chẳng dám hứa nhiều, nhưng chắc chắn mình sẽ không bỏ mặc người nông dân trồng cà phê ở quê mình”, Luân nói, chân thật và chín chắn như gương mặt lẫn tâm hồn già hơn mấy tuổi của cậu.

Tư liệu: Oribeans Coffee

Bạn có thể quan tâm