Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ có đủ học sinh cho trường cấp ba ở thành phố

Xây trường để đón lứa học sinh tốt nghiệp cấp 2 từ THCS Hua La, thành phố Sơn La chuyển lên nhưng chưa bao giờ các thầy cô nơi đây có đủ một lớp cấp 3.

Sáng 5/9, bé Lèo Văn Đạt theo bố đến trường THCS Hua La để xem khai giảng. Anh Lèo Văn Phát (39 tuổi) – bố bé Đạt cho biết, cậu nhỏ thích tới trường của anh (Lèo Văn Hướng - lớp 6) hơn. Hôm qua, ngôi trường khó khăn nhất của thành phố Sơn La nhận quyết định đạt chuẩn quốc gia và có nhiều hoạt động đặc sắc dành cho học sinh và phụ huynh.

Với anh Phát, việc Đạt thích đến trường của anh trai chơi vào 5/9 và không đi khai giảng cũng… bình thường. Trong khi đó, trường của Đạt chỉ cách nhà có 1 km và mẹ đang ở nhà, cũng không phải lên nương. 

Em học
Em Lèo Văn Đạt theo bố đến trường anh trai học để xem lễ khai giảng chứ không đến trường của mình.   Ảnh: L.H

Cũng trong sáng 5/9, chị Lèo Thị Sươi (28 tuổi) đưa con trai học lớp 7 đến trường THCS Hua La (bản Sàng, xã Hua La, thành phố Sơn La), đồng thời ngồi dự khai giảng. Người phụ nữ lấy chồng từ năm 16 tuổi, đã có 3 con (2 con gái, 1 con trai) cho biết, nếu có điều kiện chị  cho con trai học hết lớp 12 rồi lấy vợ, con gái sẽ không lấy chồng quá sớm.

“Nhưng nếu nó thích lấy vợ sớm thì cứ lấy và vẫn học được tiếp”, chị Sươi chia sẻ. Người phụ nữ này cho biết chưa từng nghĩ tới việc con học cao hơn lớp 12 vì “không biết để làm gì”.

Rất vui vẻ khi đưa con trai vào lớp 6 đi khai giảng ở trường THCS Hua La, anh Đèo Văn Nắn (31 tuổi) cho biết: “Sẽ cho nó học hết cấp 3 nhưng còn tuỳ điều kiện, nếu không thì cấp 2 thôi cũng được”.

Chia sẻ của một số phụ huynh vào ngày khai giảng phản ánh đúng một thực trạng tại trường THCS Hua La, cấp 2 là mức mà hầu hết cha mẹ mong muốn cho con mình hoàn thành. Thế nhưng, với cấp 3, số lượng người quyết tâm cho con theo học không nhiều, chưa nói tới đại học.

Cô giáo Quàng Thị Cươi, Phó hiệu trưởng trường THCS Hua La chia sẻ: “Trong nhiều năm, mục tiêu của chúng tôi là phải giữ đủ sỹ số lớp và các em đi học đầy đủ chứ việc học cấp 3 là rất khó”.

Kỹ năng đặc biệt của thầy cô trường Hua La

Ngoài việc soạn bài giảng, giúp đỡ, động viên các em trong học hành, một trong những kỹ năng đặc biệt của thây cô nơi đây là thuyết phục học trò của mình trở lại lớp. Các học sinh này đột ngột bỏ giữa chừng để lấy chồng, lấy vợ.

Cô giáo Nguyễn Hương Thảo chia sẻ: “Khó nhất là các em nữ bởi đi lấy chồng rất khó quay lại lớp, trong đó có học sinh mới 13 tuổi. Ngoài ra, nhiều em bỏ học khoảng lớp 7-8 để đi làm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn".

Thầy cô vào học sinh vui vẻ
Thầy cô và học sinh vui vẻ trong ngày trường đạt chuẩn quốc gia nhưng khó khăn trước mắt còn rất nhiều.  Ảnh: L.H

Nữ giáo viên từng 13 năm đi dạy tại đây bổ sung, với những học sinh bỏ học phải đến thuyết phục trở lại lớp, nhiều trường hợp không gặp được bố mẹ ở nhà mà phần lớn ở trên nương. “Muốn vào được nhà học sinh, có không ít lần, giáo viên phải gửi xe máy ở xa, rồi đi bộ vượt đồi hoặc ra nương, suối… tìm gặp phụ huynh để thuyết phục. Có những trường hợp học sinh nữ lấy chồng và có thai rồi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thuyết phục trở lại học hết chương trình và đi thi”, Hương Thảo nói.

Khi được hỏi: “Việc thuyết phục thành công như vậy nhưng có đem lại hiệu quả kiến thức, giúp học sinh tiếp tục học sau này không?”, cô Thảo tâm sự: “Phải cố gắng với từng tí một thì mới giữ được học sinh, chứ cứ buông thì sẽ rất khó”. Hương Thảo tiết lộ, trong các chỉ tiêu mà trường THCS Hua La cần phải hoàn thành để đạt chuẩn quốc gia, giữ được sỹ số lớp và chất lượng học sinh là những mục tiêu khó nhất.

Hiệu phó trường THCS Hua La - Quàng Thị Cươi cho biết, trong các cuộc họp chuyên môn, nhà trường luôn yêu cầu các giáo viên phải nghiên cứu và có tham luận về việc thuyết phục học sinh trở lại lớp hiệu quả. “Chúng tôi chưa nhắm tới những cái cao xa, chỉ giúp các em thích đến lớp, tiếp thu bài giảng tốt và không bỏ học vì lấy chồng, đi làm… là mục tiêu gần gũi”, cô giáo Cươi tâm sự.

Giấc mơ đủ học sinh cho trường cấp 3

Vài năm trước, THCS Hua La xây thêm một cơ sở ở khu lẻ Trung Ban, cách điểm trường ở thành phố 10 km. Tại khu này, nhà trường dự kiến sẽ mở luôn lớp cấp 3 nhưng số học sinh học hết cấp 2 quá ít nên khu lẻ vẫn chỉ cho THCS.

Ngôi trường được xây để dành cho cấp 3 nhưng vẫn chưa có lớp.  Ảnh: Vũ Tiến Hùng.
Ngôi trường dự kiến được xây để dành cho cấp 3 nhưng vẫn chưa có đủ học sinh cho một lớp. Ảnh: Vũ Tiến Hùng.

Thầy giáo Vũ Tiến Hùng dạy môn Toán và Lý ở trường THCS Hua La đã 3 năm cho biết, tại khu lẻ Trung Ban càng lên lớp cao, số lượng học sinh càng giảm. “Đến lớp 9 chỉ còn lại một lớp và sau đó thì nhiều em không học tiếp. Nữ phổng phao thì đi lấy chồng, nam đi làm… chứ rất ít em học tiếp nên không đủ học sinh cho lớp cấp 3”, thầy Hùng tiết lộ.

Nam giáo viên này nói thêm, nếu học cấp 3, học sinh ở khu lẻ Trung Ban phải đi tới 15-16 km nên càng khó cho học hành. Ở điểm trung tâm tại bản Sàng, xã Hua La, tình trạng có khá hơn, với 2 lớp 9 nhưng số lượng học sinh muốn học lên cấp 3 và cao hơn nữa cũng không nhiều.

Hiệu phó của trường – Quàng Thị Cươi tâm sự: “Ngày khai giảng năm nay, trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng chúng tôi vẫn phải từng ngày cố gắng để giữ các em đi học đến cuối cấp và nâng cao chất lượng học tập. Giấc mơ của chúng tôi là sẽ thuyết phục được nhiều phụ huynh, học sinh muốn học cao hơn như cấp 3, đại học và Hua La sẽ có trường cấp 3”.

Hoàng Ly

Bạn có thể quan tâm