Như thường lệ, sau khi được bạn cùng phòng trọ đưa về phòng bằng xe lăn sau buổi học, dù không được mọi người phân công nấu ăn nhưng Lương Văn Mậu (18 tuổi, học sinh lớp 11C trường THPT Tương Dương 1) vẫn nhanh nhẹn thay đồ rồi phụ bạn cùng phòng nấu ăn. Đôi chân bị dị tật, co khắp từ nhỏ nên suốt 18 năm qua, Mậu phải lấy tay làm chân để di chuyển. Tuy nhiên nhờ tính chịu khó và tự lập từ nhỏ nên cậu vẫn có thể làm tốt được mọi việc dù không hề dễ dàng.
Cắt mớ rau cải vừa mua ngoài chợ cho bạn nấu, Mậu buồn bã kể, sinh ra và lớn lên ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An), vùng được xem là điểm nóng ma túy nên khi vừa lên 6 tuổi, hai anh em cậu phải về sống chung với bà nội năm nay đã ngoài 70 tuổi và gống gánh nhau vào tù thăm bố mẹ. Không có ai đưa tới trường, Mậu phải dùng đôi bàn tay gầy guộc của mình làm chân để “bò” tới trường mỗi ngày.
Suốt gần 1 tháng đầu đi học bằng cách trồng cây chuối khiến hai bàn tay vốn nhỏ nhắn của Mậu ngày càng thêm teo tóp và bị chai sạn vì phải gồng gánh cả bản thân mình lên để di chuyển hằng ngày. Thương bạn, cậu học trò cùng lớp Lương Văn Chôm đã tình nguyện đến cõng cậu đi học mỗi ngày suốt 5 năm tiểu học. Lên cấp hai, người bạn đồng hành của mình phải nghỉ học nên Mậu lại phải tiếp tục “bò” tới trường.
“Bữa mô nắng thì còn được chứ mưa thì đường trơn trợt nên đi được tới trường vất vả lắm. Nhiều lần chán nản em muốn bỏ cuộc lắm nhưng rồi nghĩ đến cảnh cha mẹ em cũng vì không có việc làm mà phải vào tù. Bản thân em lại như thế này thì chỉ có học mới mong có hy vọng cho mình”, Mậu nhớ lại.
Mậu phải lấy giường làm bàn học trong phòng trọ chật chội . Ảnh: P.H. |
Mậu cho biết, những ngày đầu đi học, chính bản thân Mậu và mọi người cũng chỉ hy vọng cậu có thể đến trường cho vui và “xóa mù chữ” mà thôi. Tuy nhiên khi bố mẹ cậu tiếp tục bị bắt vì buôn bán ma túy ngay sau khi vừa được trả tự do, thì cậu học trò nghèo này quyết tâm học thật tốt để có thể tìm cho mình một công việc phù hợp và nuôi sống được bản thân sau này.
Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng nam sinh này vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp và đậu vào Trường THPT Tương Dương 1. Năm lên lớp 10, con đường tới trường của cậu học trò nghèo mới đỡ vất vả hơn khi được một nhà hảo tâm tặng cho một chiếc xe lăn để đi học.
Trường học cách nhà gần 20 km, Mậu lại phải khăn gói đồ đạc cùng hai người bạn khác cùng quê xuống thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) thuê phòng trọ ở để tiện cho việc học tập. Với số tiền ít ỏi 600.000 đồng anh trai gửi cho mỗi tháng, nam sinh này phải tự phân chia sao để vừa đủ tiền phòng, ăn ở cho đến các chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Đường vào phòng trọ quá hẹp, Mậu phải tự “bò” ra ngoài sân để đi học. Ảnh: P.H. |
Để ấp ủ giấc mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, ngoài những giờ tin học ở trường, Mậu còn xin thầy cô, bạn bè những sách vở, tài liệu về tin học về nhà để học và tham khảo. Không có cho mình một chiếc máy tính riêng để học tập, cậu học trò này lại chắt chiu từng ngàn để ra quán nét để làm quen và tìm tài liệu trên mạng.
“Còn có thể đi học nghĩa là con có thể hy vọng anh ạ. Dù khuyết tật nhưng em vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác nên nhất định em sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”, Mậu chia sẻ.
Con đường tới trường của Mậu đỡ vất vả hơn khi có chiếc xe lăn làm bạn đồng hành . Ảnh: P.H. |
Cô Lương Thị Công, cô giáo chủ nhiệm lớp 11C cho biết, phía nhà trường cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mậu có thể yên tâm theo học. Dù bị khuyết tật, nhưng Mậu vẫn rất chịu khó trong học tập, chăm ngoan nên được thầy cô và bạn bè rất yêu quý.