Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ làm thầy của nam sinh mưu sinh trên bãi rác

Bám vào bãi rác để kiếm tiền gần chục năm, vượt lên khó khăn, em bước chân vào trường đại học. Em mong mai sau sẽ được đứng trên bục giảng.

Em tên là Phan Văn Lời (sinh năm 1995, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện hóc Môn, TP.HCM), hiện đang là sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Kể về con đường bước chân giảng đường đại học đầy gian nan của đứa con trai út, bà Hồ Thị Bo nghèn nghẹn: 

“Lúc trước nhà tôi sống gần bãi rác Đông Thạnh thì bị giải tỏa. Nhận hơn 70 triệu tiền đền bù, tôi mua mảnh đất rồi dựng căn nhà tại đây.

Đông con nên việc học hành của chúng, tôi không đủ khả năng để lo nên ngoại trừ Lời ra thì đứa học cao nhất chỉ là lớp 6 rồi nghỉ. Thấy Lời ham học, tôi động viên nó cứ cố được chừng nào thì hay chừng nấy chứ cũng dám mơ ước nó được học đại học này nọ. Ngày Lời nhận giấy báo trúng tuyển, tôi cứ nghĩ là mình đang nằm mơ”.

Là niềm hy vọng của cả gia đình, ngày ngày mẹ vẫn động viên Lời vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ của mình.

Lời nói, lúc trước gia đình của em tuy nghèo nhưng cũng không đến nỗi bi đát. Tuy nhiên, từ khi hai người anh bị mất sức lao động sau tai nạn thì quả thật hoàn cảnh gia đình rơi vào vòng túng quẫn. Mới lên lớp 4 được mấy ngày, em đã phải theo chân người dì ruột vào bãi rác Đông Thạnh để lượm ve chai, bán kiếm tiền đi học.

Rồi bãi rác cũng đóng cửa vì quá ô nhiễm, em lại cùng di tìm sang bãi thải của Công ty Công viên cây xanh thành phố bên cạnh để mót củi. Số tiền kiếm được ban đầu chỉ là những khoản ít ỏi khi dì bán được củi hay phế liệu rồi cho đứa cháu.

Suốt gần chục năm nay, Lời đã gắn bó với bãi rác này để thực ước mơ làm thầy giáo của mình.

Thấy em tội nghiệp, nhiều tài xế thương tình cho củi to để bán kiếm tiền nộp học phí. Thấy cháu thiệt thòi, dì cho em để củi ở một đống riêng, khi nào có ai mua thì đi chạy về gọi để Lời bán. Cứ thế, ngày qua ngày, hình bóng của cậu trò nhỏ gắn liền với bãi rác này.

Ngoài giờ lên lớp, khoản thời gian còn lại em vào bãi rác để chờ xe đến để mót củi. “Một xe công nông khoảng 2 mét khối, em bán được 400.000 đồng. Nhưng để có được một xe củi như vậy, em phải mót ít nhất trong vòng 10 ngày hoặc nửa tháng mới đủ vì ở đây có nhiều người mót lắm” – Lời nói về khoản thu nhập ít ỏi của mình.

Sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cậu trò nghèo hiếu học đã được đền đáp khi em đã bước chân vào giảng đường đại học.

Ngày Lời nhận giấy báo trúng tuyển đại học, cả xóm không ai tin. Có người nói rằng Lời có học hành gì đâu mà thi đỗ đại học, con nhà giàu cũng chưa làm được nữa là gia cảnh chạy gạo bữa nhà Lời. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn thấy thì họ mới tỏ lòng kính phục trước sự nỗ lực âm thầm mà lớn lao của cậu trò nghèo.

Tuy khốn khó là vậy, nhưng Lời quyết tâm không từ bỏ mơ ước của mình: “Có khó, có cực mấy em cũng sẽ cố đến trường để thực hiện ước mơ làm thầy giáo của mình. Nhà em đã nghèo rồi, em mà bỏ học nữa thì cha mẹ và anh chị sẽ buồn lắm. Bây giờ có đi nhặt củi, nhặt rác hay làm việc nào đó cực khổ hơn em cũng tự nguyện làm, miễn sao có tiền nộp học phí là được. Em sẽ cố”.

Tuy thi đậu vào ngành vật lí nhưng Lời cho biết rằng sau khi ra trường em sẽ cố gắng đi học thêm nghiệp vụ sư phạm để thỏa mã ước mơ làm thầy giáo ấp ủ từ nhỏ. “Thấy mấy em nhỏ trong xóm cứ học hết cấp 2 là bỏ, em buồn lắm. Với em, nghề giáo viên là mơ ước từ nhỏ và suốt những năm vừa rồi, em đã rất cố gắng để thực hiện điều đó. Em biết lương giáo viên không cao và không thể giúp đỡ cha mẹ nhiều nhưng em tin em sẽ giúp được nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo như mình”.

Ngày ngày, bất chấp khó khăn, em vẫn miệt mài học tập để theo kịp chương trình.

Tuy quyết tâm là thế nhưng chặng đường thực hiện mơ ước của em đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính. “Ngày em nhập học, tôi đã phải ứng trước 2 tháng lương để nó có tiền nộp học phí. Bây giờ chuẩn bị đóng học kỳ 2 rồi, tôi không biết lấy gì để Lời nó đóng cho trường đây” – anh trai của Lời lo lắng.

Lời thổ lộ muốn có một công việc nào đó phù hợp với thời gian em sẽ làm để kiếm thêm thu nhập nhưng khổ nỗi em chẳng có gì khác ngoài chiếc xe đạp được mấy bác tài xế tặng đã mấy năm. “Không có xe máy nên mỗi sáng đi học, em phải đi 2 chuyến xe buýt mới đến được trường ở Thủ Đức. Nhiều bạn bè giới thiệu chỗ đi làm thêm nhưng em cũng chỉ biết từ chối khéo và cảm ơn các bạn mà thôi” - Lời nói với giọng trầm buồn.

Chàng trai nghèo 21 lần hiến máu cứu người

Không chỉ là một sinh viên nghèo học giỏi, Tĩnh còn được mọi người biết đến với 21 lần tình nguyện hiến máu cứu người.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/chong-chenh-giac-mo-lam-thay-cua-nam-sinh-muu-sinh-tren-bai-rac-184408.bld

Theo Lao động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm